Multimedia Đọc Báo in

Ea Kar đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất lúa

09:03, 25/03/2015
Những năm gần đây, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất cây lúa tại huyện Ea Kar đã giúp bà con nông dân tiết kiệm được nhiều chi phí.
 
Bà Nguyễn Thị Hồng, thôn 3B, xã Ea Ô cho biết, gia đình có 5 sào ruộng; trước đây, vào mỗi vụ thu hoạch, phải huy động toàn bộ lao động trong bà con dòng họ, hoặc phải chạy đôn, chạy đáo thuê mướn nhân công mới kịp cho mùa vụ  thu hoạch. Từ khi có máy gặt đập liên hợp thì mùa về không còn cấp tập, vất vả như trước nữa; khi lúa chín đều, bà chỉ cần thuê dịch vụ gặt đập, vận chuyển lúa về tại sân nhà, với giá 350.000 đồng/sào. Tương tự, ông Nguyễn Văn Xuân trú cùng thôn cho hay, gần 10 năm trở lại đây, việc làm ruộng 1 ha của gia đình ông cũng được cơ giới hóa 90 %, với các công đoạn làm đất, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, vận chuyển đều bằng máy móc, dù lượng công việc khá nhiều nhưng vẫn được giải quyết nhanh gọn.
Gặt lúa bằng máy gặt đập liên hợp tại xã Ea Ô, huyện Ea Kar.
Gặt lúa bằng máy gặt đập liên hợp tại xã Ea Ô, huyện Ea Kar.

Theo tính toán của bà con nông dân, trước đây mỗi sào ruộng, mỗi vụ cần 18 - 20 công từ làm đất, gieo mạ, cấy, chăm sóc, thu hoạch..., hiện nay, nhờ sản xuất chủ yếu bằng máy móc đã giúp bà con giảm chi phí nhân công từ 3 triệu đồng xuống còn 500.000 – 1.000.000 đồng/sào. Ông Phan Sỹ Khiết, chủ một máy gặt đập liên hợp tại xã Ea Ô cho biết, năm 2004, ông sử dụng máy gặt của Việt Nam, năm 2010, sau một chuyến tham quan, tìm hiểu tại các vựa lúa đồng bằng Sông Cửu Long, ông đã thay thế chiếc máy gặt đập cũ bằng máy Kubota Nhật Bản, với giá gần 600 triệu đồng. Sau 4 năm hoạt động dịch vụ gặt đập, vận chuyển tới từng hộ, đến nay gia đình đã thu hồi lại vốn và bắt đầu cho lãi bình quân 50 – 60 triệu đồng/vụ. Không chỉ làm giàu cho gia đình, chiếc máy gặt đập liên hợp của gia đình ông Khiết còn giải quyết công ăn việc làm cho gần 10 lao động trong xã, với mức thu nhập bình quân 300.000 đồng/ngày/người.

Theo báo cáo của Phòng NN-PTNT huyện Ea Kar, toàn huyện hiện có hơn 3.000 máy kéo, 52 máy tuốt lúa, 35 máy sấy nông, lâm, thủy sản, 300 máy phun thuốc trừ sâu… Riêng mức độ cơ giới hóa trong sản xuất lúa đạt trên 90%. Việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp ở Ea Kar đã thay thế được lao động thủ công, hạn chế việc sử dụng thuốc BVTV, nâng cao năng suất, giảm tổn thất sau thu hoạch, đáp ứng yêu cầu khẩn trương của thời vụ. Đặc biệt, cơ giới hóa khâu làm đất sẽ nâng cao chất lượng đất, tạo tầng đế cày sâu hơn, tăng khả năng giữ nước, giữ phân bón của đất, xử lý tàn dư sâu bệnh, cỏ dại, tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt.

Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Kar cho biết, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương đã có từ lâu và phát triển mạnh hơn 4 năm nay. Đa số bà con tự đầu tư mua sắm máy móc để sản xuất, chỉ vài năm là thu lại vốn. Không chỉ giúp người dân thu hoạch nhanh, gọn, giảm tổn thất sau thu hoạch mà việc cơ giới hóa trong sản xuất cây lúa còn là động lực thúc đẩy quá trình cơ giới hóa trên các loại cây trồng khác trên địa bàn. 

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc