Multimedia Đọc Báo in

"Khoác áo mới" cho ngoại thành

09:43, 10/03/2015

Từ một buôn làng nhỏ bé trên cao nguyên Dak Lak, ngày nay Buôn Ma Thuột đã và đang nỗ lực vươn lên trở thành một thành phố năng động, xứng tầm là trung tâm văn hóa, kinh tế, xã hội của vùng Tây Nguyên. Để có được thành quả chung đó, không thể không kể đến sự góp phần của Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới (NTM) ở các xã ven đô.

Từ vùng trung tâm thành phố, xuôi theo Quốc lộ 14 về phía Bắc, nếu không có biển chỉ dẫn UBND xã, chúng tôi khó có thể nhận ra Hòa Thuận, một xã thuần nông với tỷ trọng nông nghiệp chiếm hơn 70%. Bởi những con đường liên thôn, xóm vốn nhỏ hẹp, cấp phối giờ đã được bê tông, nhựa hóa với hệ thống đèn đường chiếu sáng ban đêm khang trang, sạch sẽ. Ông Lê Xuân Nam, Chủ tịch UBND xã cho biết, khi Hòa Thuận được UBND thành phố lựa chọn là xã điểm trong xây dựng NTM, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã đã xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, trong đó mấu chốt dẫn đến thành công là việc nâng cao thu nhập cho người dân. Theo đó, Đảng ủy xã đã lập phương án phát triển kinh tế giai đoạn 2011 – 2015, chọn cà phê là cây trồng chủ lực, tập trung thâm canh, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng cường chuyển đổi “cơ cấu” cây trồng trên những diện tích cà phê già cỗi với hình thức trồng xen canh các loại cây có hiệu quả kinh tế cao: bơ, sầu riêng, măng cụt, tiêu...; phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại bảo đảm môi trường, phù hợp quy hoạch với nhiều vật nuôi: heo, gà, cá, bò, dê, ong…; tập trung đầu tư các loại hình thương mại dịch vụ: kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vận tải, gia chánh, cưới hỏi, may mặc… Nổi bật trong đó là thành lập các HTX TMDV NLN tổng hợp Đạt Lý, tổ hợp tác cánh đồng mẫu lớn cà phê, các xưởng sản xuất cối xay xát cà phê, mặt hàng gỗ dân dụng, nấu ăn, gia chánh… Nhờ đó, mức thu nhập bình quân năm 2014 đạt 24.170.000 đồng/người/năm.

Đường giao thông xã Cư Êbur được bê tông, nhựa hóa khang trang, sạch đẹp. Ảnh: T.H
Đường giao thông xã Cư Êbur được bê tông, nhựa hóa khang trang, sạch đẹp. Ảnh: T.H

Tương tự, xã Ea Kao trước đây vốn là xã nghèo, người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên cuộc sống khó khăn, đặc biệt là các buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Từ khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, các con đường nội thôn, buôn, đường vào xã đã được bê tông, nhựa hóa, nên các dịch vụ theo đó cũng len lỏi đến từng thôn, buôn. Chương trình khuyến nông hỗ trợ người dân nuôi trồng giống cá mới, năng suất cao như cá lăng đuôi đỏ, rô phi, lóc, trắm đen… được sản xuất đến đâu, thương lái, nhà hàng trên địa bàn thành phố tiêu thụ đến đó. Đặc biệt, các nghề thủ công mỹ nghệ đan lát, dệt thổ cẩm ở đây tưởng chừng như đang dần chìm vào quên lãng do thiếu đầu ra, nay đã được tiếp thêm sức sống khi khách du lịch đến tham quan, đặt hàng, mua sắm ngày càng tăng. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, HTX mây tre đan Ea Kao và thổ cẩm Tơng Bông đã đưa các loại máy móc: máy chẻ nan, máy vót, máy dập, máy khâu… vào sản xuất, nâng cao năng suất lên gấp 5 – 6 lần. Ông Nguyễn Hữu Quân, Chủ nhiệm HTX mây tre đan Ea Kao cho biết, ngoài các nguyên liệu truyền thống là mây, tre, HTX còn đan lát bằng nguyên liệu nhựa tổng hợp theo yêu cầu của khách hàng. Nhiều đợt khách đặt hàng nhiều làm không xuể, HTX đã linh động chuyển bớt cho các làng nghề lân cận hay Trung tâm Giáo dục lao động xã hội tỉnh (thôn 4, xã Tân Tiến, huyện Krông Pak)… Bên cạnh đó, dịch vụ du lịch phục vụ du khách trải nghiệm với nghề dệt thổ cẩm tại các buôn

trong xã cũng ngày càng phát triển. Chị H’Prisil tham gia vào HTX thổ cẩm Tơng Bông từ năm 2001 cho hay, ngoài dệt để bán cho khách hàng, chị còn là người “thầy” hướng dẫn các công đoạn dệt cho du khách khi họ tới thăm nếp nhà sàn truyền thống của gia đình. Bà H’Yam Bkrông, chủ nhiệm HTX cho biết, du lịch thường theo mùa, nhất là vào dịp lễ tết, có hộ thu được 3 triệu đồng nhờ bán hàng, hướng dẫn du khách dệt vải, đan lát… Nhiều chị em có khung cửi ở các buôn khác cũng tham gia dệt thổ cẩm cho HTX, với các mặt hàng quần, áo, túi xách, ví… được bán cho các đại lý, cửa hàng kinh doanh sản phẩm lưu niệm trong và ngoài tỉnh.

Còn với xã Cư Êbur, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc khi các con đường giao thông trong xã đang dần được bê tông, nhựa hóa. Năm 2014, xã đã bê tông, nhựa hóa các tuyến đường từ tỉnh lộ 5 vào thôn 2, 4, đường vành đai xã, đường chính thôn 2, đường nội buôn Ea Bông, đường nội đồng thôn 8…, nâng tỷ lệ đường giao thông được cứng hóa toàn xã lên 50%, dự kiến năm 2015, địa phương sẽ hoàn thành tiêu chí giao thông, trường học, nâng lên 13 tiêu chí trong Chương trình xây dựng NTM. Bên cạnh sản phẩm nông nghiệp chủ lực, địa phương đã đưa các loại cây, con mới có giá trị kinh tế cao, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi, trồng trọt như thanh long ruột đỏ, dê, vỗ béo bò, cà phê bền vững… Năm 2014, thu nhập bình quân đầu người toàn xã lên 20 triệu đồng/năm, tăng 5 triệu đồng so với năm 2013.

Buôn Ma Thuột có 21 đơn vị hành chính, gồm 13 phường và 8 xã. Từ khi thực hiện Chương trình xây dựng NTM, diện mạo vùng ven đô thay đổi rõ rệt, bên cạnh sản xuất nông nghiệp, bà con nông dân đã biết phát triển các loại hình dịch vụ du lịch, buôn bán, phát triển ngành nghề truyền thống… để nâng cao thu nhập cho gia đình.  Tổng số hộ nghèo năm 2014 của toàn thành phố hiện còn 674 hộ (chiếm 2,6%), giảm 211 hộ so với năm 2013. Vai trò, vị trí của người dân trong công cuộc xây dựng NTM được khẳng định với những việc làm thiết thực như đóng góp ngày công, phá dỡ tường rào, hiến đất… trị giá gần 28,6 tỷ đồng, đưa tổng giá trị khối lượng thực hiện các công trình năm 2014 là 152 tỷ đồng, đạt 136% so với kế hoạch.

Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch UBND thành phố, hiện tại, thành phố là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về xây dựng NTM, với 2/8 xã hoàn thành Chương trình xây dựng NTM, các xã còn lại đều đạt tối thiểu 10/19 tiêu chí... Có được kết quả trên, ngoài sự lãnh đạo chỉ đạo của các cấp, ngành còn có sự đồng tình của nhân dân. Phát huy thành quả đó, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, năm 2015, thành phố phấn đấu đưa xã Hòa Thắng đạt chuẩn NTM, các xã phấn đấu đạt từ 2-3 tiêu chí, mỗi thôn buôn phấn đấu đạt 2-3 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Thuận Nguyễn - Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.