Multimedia Đọc Báo in

Nông dân "gồng mình" chống hạn

09:39, 24/03/2015

Đến thời điểm này, tại một số địa phương trong tỉnh, nguồn nước ngầm và mực nước trên các ao hồ, sông suối đã bắt đầu khô cạn khiến cây trồng khô héo, rụng lá. Ngành chức năng địa phương đang rốt ráo tập trung toàn lực để triển khai công tác chống hạn, còn nông dân trắng đêm “mót” từng hạt nước tiếp tế cứu cây trồng.

Có mặt tại vườn cà phê rộng 1,5 ha của gia đình ông Nguyễn Hồng Phúc (xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar), chúng tôi thấy ông đang hối hả giục 4 công nhân nạo vét giếng để tìm nước. Sau Tết Nguyên đán, 2 giếng nước của gia đình ông Phúc sâu hơn 25 mét đã trơ đáy. Hàng trăm cây cà phê do thiếu nước nên có hiện tượng khô nhánh, rụng lá. Để cứu cà phê, vợ chồng ông phải thuê 4 nhân công đào giếng sâu thêm 3 mét, đồng thời dùng mũi khoan nhỏ khoan tỏa rộng ra xung quanh 50 mét để bắt mạch nước ngầm. “Tổng chi phí để đào, vét, mở rộng 2 giếng khoảng 20 triệu đồng. Chúng tôi đã ngày đêm cật lực tìm nước từ “âm phủ”, nếu vẫn không đủ tưới thì chỉ biết phó mặc vườn cà phê cho ông trời thôi”, ông Phúc than thở. Trong khi đó, con đường đất đỏ nối từ xã Quảng Tiến ra hồ Ea Đrơng (thị trấn Ea Pôk, huyện Cư M’gar) tấp nập xe cày chở ống nước, máy bơm. Hồ Ea Đrơng có diện tích khoảng 3 ha nhưng hiện đã khô cạn, chỉ còn nước ở những vùng trũng. Trên hồ hiện cũng đã có hơn 10 máy bơm đua nhau “vét” nước. Ông Ngô Xuân Biện, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư M’gar cho biết: “Hạn mạnh bắt đầu từ sau Tết Nguyên đán. Trong số 51 hồ chứa trên địa bàn hiện chỉ có 4 hồ có nước chứa bảo đảm, 3 hồ nước đã khô cạn, số còn lại nằm ở mực nước chết. Ngoài ra, toàn huyện có khoảng 10 con suối nhỏ cũng đã trơ đáy. Nếu hạn kéo dài nửa tháng nữa thì sẽ có khoảng 3.000 đến 4.000 ha cà phê (toàn huyện có 35.000 ha cà phê) thiếu nước”. Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên cảnh báo: “Căn cứ thực tế ở các tỉnh Tây Nguyên, nếu mưa đến sớm vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 thì thiệt hại còn đỡ, chứ kéo dài đến tháng 5 thì hậu quả là vô cùng lớn. Nguyên nhân nắng hạn là do mùa mưa kết thúc sớm, lượng mưa từ tháng 9 đến tháng 12-2014 ở mức thấp hơn so với trung bình hằng năm khiến dòng chảy trên các sông, suối trong mùa lũ thiếu hụt từ 10%-30%. Sau mùa mưa nguồn nước trên các sông suối giảm nhanh, nhất là ở hạ lưu các hồ chứa, cùng với đó mực nước ngầm ở Tây Nguyên hiện đã sụt giảm 50% khiến việc đào, khoan giếng của người dân gặp rất nhiều khó khăn”.

 

Các sông, suối trên địa bàn huyện Cư M’gar đã cạn nước.
Các sông, suối trên địa bàn huyện Cư M’gar đã cạn nước.

Còn tại huyện Krông Năng, từ ngày mùng 8 Tết đến nay, lượng nước các sông suối, hồ đập cũng có dấu hiệu sụt giảm, khô cạn khiến trên 1.500 ha cây trồng như: lúa, ngô, rau, đậu các loại… và trên 26.000 ha cà phê của người dân bị ảnh hưởng. Trên địa bàn huyện hiện có 92 công trình hồ đập thủy lợi nhưng chỉ đáp ứng lượng nước tưới cho 24% diện tích cà phê, còn 26% diện tích cà phê chủ yếu lấy nước từ các hồ đập nhỏ do người dân tự đào, khoan giếng, 50% diện tích cà phê còn lại trông chờ vào nguồn nước sông, suối tự nhiên. Vùng hạn hán nặng nhất của huyện Krông Năng tập trung vào 7 xã: Dliê Ya, Cư Klông, Ea Tam, Tam Giang, Phú Lộc, Ea Dah, Phú Xuân. Đây là các xã chủ yếu lấy nước từ sông Krông H’Năng để phục vụ sản xuất. Thế nhưng hiện nay con sông này đã khô đáy khiến cho hàng chục nghìn héc ta cà phê và hoa màu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Anh Đinh Công Tuấn (thôn Xuân Đạt, xã Phú Xuân) chia sẻ: “Gia đình tôi có 2,7 ha cà phê đang thời kỳ kinh doanh, năm nay hạn sớm nên gia đình mới chỉ tưới được đợt 1 cho 2 ha, còn 7 sào chưa tưới lần nào. Nếu không có nước tưới chắc phải bỏ, vụ cà phê năm nay coi như mất trắng”. Mặc dù rẫy nhà anh Tuấn chỉ cách dòng sông Krông H’Năng chừng 500 mét nhưng vì đây là xã cuối cùng của dòng chảy nên khi vào mùa tưới nước người dân phía thượng nguồn đã ngăn dòng, chặn lấy nước. Tương tự, gia đình ông Nguyễn Ngọc Sơn (thôn Xuân Đạt) có 1,7 ha cà phê mới tưới được 1 đợt thì hết nước, giờ không có nước tưới nên cà phê không thể bung hoa, quả khô, cây yếu khiến cho năng suất giảm mạnh. Hơn nửa tháng nay, bác Bùi Đình Công (thôn Xuân Hà 1, xã Ea Dah) ngày nào cũng chạy ngược, chạy xuôi tìm nguồn nước để cứu hạn cho 4 ha cà phê - nguồn thu chính của cả gia đình. Do sông suối cạnh rẫy cạn kiệt, quanh rẫy đá lại nhiều nên không thể đào giếng, gia đình bác phải chạy sang các xã khác liên hệ mua nước tưới. Hiện mỗi giờ bơm nước chi phí hết 100 nghìn đồng. Để tưới cho 4 ha cà phê tiêu tốn 16 triệu đồng/đợt tưới.

Người dân huyện Cư M’gar đào giếng kiếm nước.
Người dân huyện Cư M’gar đào giếng kiếm nước.

 Với mùa nắng hạn kéo dài thì mỗi héc ta cà phê phải tưới ít nhất 4 đợt. Như vậy để tưới đủ cho 4 ha cà phê, chi phí lên đến 64 triệu đồng. Trong khi đó chưa tính tiền mua ống nước hơn 1,5km, tiền thuê đường điện 3 pha, tiền dầu chạy máy nổ... “Giờ cố gắng mua nước tưới vớt vát được tí nào hay tí đó chứ bỏ thì sang năm phục hồi càng tốn nhiều hơn”, bác Công thở dài.

Ông Lê Rế, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Năng cho biết: “Nếu tình trạng khô hạn kéo dài thì trên địa bàn huyện sẽ có 50% diện tích cà phê và 50% diện tích lúa nước, hoa màu bị ảnh hưởng nặng, thậm chí mất trắng. Trong 92 hồ đập đã có 12 hồ trơ đáy, 30 hồ nằm trong tình trạng khô cạn. Huyện đã thành lập tiểu ban chống hạn để sát cánh cùng người dân trong việc giám sát, điều tiết lượng nước cứu hạn và kiến nghị với tỉnh hỗ trợ để điều tiết nước về chống hạn cùng người dân”.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc