Vốn tái canh cà phê: Khi chủ trương đã mở...
Mô hình tái canh cà phê của một hộ nông dân tại xã Quảng Hiệp (huyện Cư M'gar). |
Đây được xem là chủ trương kịp thời trước nhu cầu tái canh cấp bách của cà phê Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Và với chủ trương này, vấn đề quan trọng nhất trong việc tái canh cà phê là vốn đã được giải quyết, mở ra khả năng tiếp cận vốn vay giá rẻ cho DN và người trồng cà phê. Tuy nhiên, điều quan trọng hiện nay là làm sao cho chủ trương ấy phát huy tác dụng khi mà chuyện tái canh cà phê không chỉ phụ thuộc vào vốn. Còn nhớ, tại Hội nghị bàn về chính sách hỗ trợ tái canh cây cà phê ở Tây Nguyên do Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) chủ trì diễn ra vào trung tuần tháng 1-2014, đã có đề xuất các kênh hỗ trợ kinh phí cho các nội dung như: quy hoạch, kế hoạch, xây dựng vườn giống, cây giống, hoàn thiện quy trình kỹ thuật, đào tạo cán bộ quản lý… phục vụ tái canh cà phê. Kế đến là về chính sách tín dụng có cơ chế về lãi suất ưu đãi thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn đối với cho vay nông nghiệp, nông thôn từ 1-2%/năm; ngân sách Nhà nước thực hiện chính sách cấp bù lãi suất hoặc tái cấp vốn cho Ngân hàng Thương mại. Ngoài ra còn có các nguồn hỗ trợ từ nguồn vốn vay lãi suất thấp của Ngân hàng Thế giới (WB), ngân sách địa phương, từ các chương trình dự án của Trung ương và các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác… Như vậy, rõ ràng, đối với vấn đề tái canh cà phê thì tiền chưa hẳn đã là yếu tố quyết định, bởi theo đại diện Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Dak Lak, ngay cả khi Chính phủ chưa có chủ trương về vốn vay tái canh thì ngân hàng này cũng đã dành một khoản vốn khá lớn với lãi suất được áp dụng theo các khoản vay ở lĩnh vực ưu tiên (lãi suất 7%/năm). Mặc dù vậy, hộ nông dân và DN đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn này là không nhiều. Hơn thế, cũng không có nhiều người trồng cà phê và cả DN dám mạnh dạn thực hiện tái canh cà phê khi mà những “bài toán” như ảnh hưởng đến thu nhập, kỹ thuật tái canh hiệu quả… chưa có lời giải. Điều này được thể hiện rõ trong giai đoạn 2013-2015, chương trình cho vay tái canh cây cà phê với gói tín dụng 12.500 tỷ đồng, được khởi động từ tháng 5-2013 nhưng tiến độ giải ngân rất chậm. Đến hết năm 2014, cả nước hiện mới giải ngân được khoảng 330 tỷ đồng, riêng Dak Lak là 130 tỷ đồng trong tổng mức 3.000 tỷ đồng của gói hỗ trợ tái canh cà phê trên địa bàn tỉnh. Đến nay, với việc Chính phủ đồng ý phương án cho vay tái canh cà phê thì lãi suất cho vay đối với lĩnh vực này trong thời gian đến chắc chắn sẽ giảm, nhưng cũng khó có thể kỳ vọng vào việc giải ngân mạnh nguồn vốn theo chủ trương này.
Cùng với việc Chính phủ đồng ý nội dung phương án cho vay tái canh cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên, giai đoạn 2014 – 2020, các cấp, ngành và cả người trồng cà phê, DN cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa thì chủ trương trên mới thực sự là “cú hích”, tạo động lực mới để đẩy mạnh tái canh cà phê trên địa bàn Tây Nguyên nói chung và Dak Lak nói riêng.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc