Khẩn trương hoàn chỉnh Kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020
Đến nay, toàn tỉnh đã đạt 1.484 tiêu chí/2.888 tiêu chí, bằng 51%, tăng 494 tiêu chí so với cuối năm 2013; bình quân toàn tỉnh đạt 9,76 tiêu chí/xã, tăng 3,25 tiêu chí/xã so với năm 2013; có 4 xã đạt 19/19 tiêu chí, trong đó có 2 xã đầu tiên (Hòa Thuận và Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) được công nhận đạt chuẩn NTM. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo XDNTM tỉnh, mặc dù chương trình thu được kết quả khá, song vẫn chưa đạt so với mục tiêu đề ra; không đồng đều ở các địa phương, khó khăn nhất vẫn là ở những xã nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong thực hiện các nội dung XDNTM, chỉ mới tập trung cao cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, còn các nội dung về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, phát triển văn hóa, cải thiện môi trường... chưa được quan tâm chỉ đạo và đầu tư đúng mức; chưa có chính sách hỗ trợ cao cho các xã khó khăn, xuất phát điểm thấp. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyển biến còn chậm; kinh tế hợp tác và hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả chưa cao; công tác đào tạo nghề cho nông dân, lao động nông thôn còn nhiều bất cập, hạn chế…
Làm đường giao thông nông thôn tại xã Ea Tul (Cư M’gar). Ảnh: Hoàng Tuyết |
Đó không phải là hạn chế của riêng Dak Lak mà là khó khăn chung của cả nước khi mà quá trình XDNTM trong thời gian qua vẫn còn ở dạng “vừa làm vừa rút kinh nghiệm”, như cách nói của nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Cố vấn Ban Chỉ đạo Chương trình XDNTM Trung ương Lê Huy Ngọ. Trước thực tế đó, mới đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các địa phương và Bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch XDNTM giai đoạn 2016-2020, làm căn cứ để các địa phương đưa vào văn kiện đại hội Đảng các cấp. Theo đó, cần có những chính sách ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, để tăng năng suất, sản lượng và giá trị gia tăng nhằm tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp; cơ chế chính sách đặc thù để khuyến khích các nhà khoa học tạo ra những đột phá trong nghiên cứu giống mới có giá trị cao. Đây là chính sách mang tính quyết định, nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao sức cạnh tranh, thu nhập và cải thiện đời sống của người dân. Bên cạnh đó, cần tập trung vào chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp (DN) sản xuất nông nghiệp và đầu tư sản xuất công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn nông thôn (đất đai, thuế, hỗ trợ hạ tầng… ) để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần quan trọng vào tái cơ cấu lao động trên địa bàn nông thôn; chính sách liên kết hợp tác đa dạng giữa hộ nông dân với DN và các đối tác kinh tế khác để nông dân tiếp cận nhanh với kỹ thuật sản xuất tiên tiến, thị trường, giải quyết hiệu quả đầu ra cho nông dân. Cùng với đó, chính sách dạy nghề tạo việc làm cho lao động nông thôn cần tập trung theo hướng ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng để nâng cao năng suất chất lượng công việc của người lao động tại chỗ làm nông nghiệp; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các DN trong việc chủ động đào tạo, nâng cao tay nghề đối với lao động làm việc cho DN và lao động tham gia các hoạt động liên kết với DN. Bên cạnh đó, chính sách tín dụng phải đẩy mạnh và tăng thêm hỗ trợ cho vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN-PTNT để hỗ trợ hiệu quả cho các hộ vay phát triển sản xuất nông nghiệp và XDNTM... Như vậy, định hướng của Chính phủ tập trung vào việc thay đổi về “chất” trong XDNTM, lấy người dân (người thụ hưởng và cũng là người thực hiện trực tiếp) làm trung tâm để có chính sách phù hợp.
Một hộ dân tại thị trấn Buôn Trấp (Krông Ana) phát triển kinh tế gia đình bằng nghề làm chổi đót. |
Riêng năm 2015, Dak Lak đề ra mục tiêu phấn đấu có từ 20-25% số xã cơ bản đạt 19 tiêu chí; phấn đấu thêm 20 xã đạt từ 15 tiêu chí trở lên, nâng số xã đạt trên 15 tiêu chí NTM trong năm 2015 lên 37 xã; mỗi xã phấn đấu tăng từ 4-5 tiêu chí so với năm 2014. Đó là đòn bẩy quan trọng để địa phương tiếp tục xây dựng những mục tiêu dài hạn cho giai đoạn 2016-2020.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc