Multimedia Đọc Báo in

Rừng giao khoán bây giờ ra sao? - Kỳ cuối: Hướng mở nào cho rừng giao khoán?

10:15, 01/04/2015

Cần một cơ chế linh hoạt; sự quan tâm hơn nữa trong công tác lồng ghép các chương trình đầu tư, phát triển nông lâm kết hợp; xây dựng mối liên kết “4 nhà” để thu hút đầu tư của doanh nghiệp… là những giải pháp được đề xuất để giúp cộng đồng thôn, buôn hộ gia đình quản lý, bảo vệ hiệu quả những cánh rừng sau khi được giao khoán.

Cần sự đổi mới về cơ chế chính sách

Những năm qua, khi bắt đầu thực hiện chủ trương giao đất lâm nghiệp, hầu hết các địa phương chỉ xác định mục tiêu giao nhanh, cấp sổ đỏ, nhưng thực tế việc giao đất chưa gắn liền với chính sách hỗ trợ của các nguồn lực khác cho người sử dụng đất lâm nghiệp cũng như công tác xúc tiến thị trường lâm sản, dịch vụ lâm nghiệp. Vì vậy, tuy đã giao và cấp sổ đỏ đến hộ gia đình, nhưng các chủ rừng chưa bảo vệ và phát triển được diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao. Rất nhiều người dân nhận rừng khi được hỏi vì sao không giữ được rừng đều trả lời là không đủ năng lực để quản lý, bảo vệ diện tích lớn đến mấy chục ha; trong nhiều năm nhận rừng họ chưa được hưởng lợi gì từ rừng nên nảy sinh tâm lý chán nản, buông luôn việc tổ chức quản lý bảo vệ… Ngay như những cộng đồng thôn, buôn được thí điểm cho phép khai thác gỗ thương mại như: buôn Ta Ly, xã Ea Sol (Ea H’leo), buôn Tul, xã Yang Mao (Krông Bông), khi nhận giao khoán rừng, cộng đồng trực tiếp thẩm định tài nguyên, đánh gíá nhu cầu sử dụng lâm sản, cân đối cung cầu... với sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, xây dựng quy ước bảo vệ và phát triển rừng có sự hướng dẫn của cơ quan kiểm lâm trên địa bàn, nhưng rừng vẫn bị người trong cộng đồng lấn chiếm trái phép để làm nương rẫy. Qua tính toán của anh Y Thiếp Niê Kdăm, Buôn trưởng buôn Tul, năm 2008, cộng đồng buôn được khai thác gỗ thương mại theo kế hoạch được duyệt, số tiền bán gỗ thu được khoảng 1,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành nghĩa vụ thuế cho Nhà nước theo quy định, trừ các chi phí, cộng đồng buôn chỉ được hưởng lợi 1/3 giá trị gỗ khai thai được, 81 hộ gia đình trong cộng đồng buôn năm đó chỉ được hưởng lợi 3 triệu đồng/hộ. Từ đó đến nay, không còn khoản thu nhập nào thêm từ rừng. Cho nên bản thân anh và người dân trong cộng đồng buôn Tul đều mong muốn cần có một cơ chế linh hoạt hơn để giúp cộng đồng buôn làm chủ những cánh rừng sau khi được giao khoán. Còn như nhóm hộ của ông Trương Công Uynh thôn 3 (xã Ea Bung, huyện Ea Súp) đã tự bỏ tiền thuê đơn vị tư vấn khảo sát thực địa xây dựng phương án trồng rừng thay thế trên diện tích rừng bị lấn chiếm và đang trình UBND huyện xem xét, phê duyệt. Ông Uynh cũng mong muốn nhóm hộ được tạo điều kiện vay vốn để  mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế rừng.

Tham quan khảo sát rừng khộp ở Buôn Đôn.
Tham quan khảo sát rừng khộp ở Buôn Đôn.

Hy vọng từ dịch vụ môi trường rừng

Phát triển kinh tế rừng vốn chẳng hề đơn giản bởi chu kỳ đầu tư lâu dài. Một vấn đề đặt ra hiện nay là việc chi trả công chăm sóc rừng hằng năm cho các hộ nhận khoán chưa thật sự phù hợp, nên chưa kích thích được người nhận rừng thật sự dồn hết tâm trí vào việc bảo vệ và gắn bó với rừng. Theo Hạt Kiểm lâm huyện M’Drak, năm 2013, đơn vị đã hướng dẫn, giúp 128 hộ dân ở xã Cư Prao lập hồ sơ chi trả dịch vụ môi trường rừng. Mức hỗ trợ từ 130 – 150 nghìn đồng/ha/năm, tuy không nhiều nhưng góp phần đáng kể trong việc động viên tinh thần của người nhận rừng, để họ có thêm động lực làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ông Y Sy H’dơk, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh nhìn nhận, việc giao rừng theo Quyết định 304 rõ ràng không hiệu quả, vì dân hưởng lợi từ rừng ít quá, thậm chí nhiều nơi không có nguồn thu nào cả, dân không sống  được bằng nghề rừng nên chẳng ai thiết tha với rừng.

Từ năm 2011, UBND tỉnh đã có quyết định tạm dừng việc giao đất, giao rừng cho cộng đồng, thôn buôn, nhưng với con số trên 25.000 ha đã giao cho người dân cũng phải có giải pháp hỗ trợ người dân quản lý, bảo vệ, nếu không, rừng sẽ tiếp tục bị tàn phá. Cho nên, chính sách hưởng lợi cần phải được điều chỉnh sao cho phù hợp, cụ thể hơn, ngoài chính sách ưu đãi hộ nghèo nhận khoán rừng như đang thực hiện, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đang mang lại nhiều hy vọng cho các chủ rừng, nhất là đối với các cộng đồng thôn, buôn. Tháng 9-2013, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp” với mục tiêu nâng cao vị thế ngành, góp phần cải thiện sinh kế cho những người dân nghèo, giúp ổn định an sinh xã hội. Trong đó, ưu tiên chuyển dần hình thức quản lý rừng tập trung của các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng sang hình thức quản lý hộ gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, để khối tài sản to lớn ấy “sinh lợi”, giúp người dân cải thiện sinh kế rất cần chính quyền địa phương các cấp quan tâm hơn nữa trong công tác lồng ghép các chương trình đầu tư, phát triển nông lâm kết hợp bằng những chiến lược dài hơi. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế rừng cũng cần xây dựng mối  liên kết “4 nhà” để thu hút đầu tư của doanh nghiệp, có như vậy, người nhận giao khoán rừng mới có thu nhập ổn định từ rừng. Bên cạnh đó, tăng cường công tác giám sát, đánh giá hiệu quả sử dụng rừng sau khi giao, kiên quyết thu hồi rừng và đất lâm nghiệp của các hộ sử dụng sai mục đích, kém hiệu quả.

Lê Hương – Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.