Multimedia Đọc Báo in

Cải cách thủ tục hành chính thuế - Nỗi lo xuất hiện "kẽ hở"

10:30, 04/05/2015
Để cải thiện môi trường sản xuất – kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, theo chỉ đạo của Chính phủ, ngành Thuế đã có hàng loạt động thái cải cách hành chính (CCHC) mang tính bước ngoặt. Tuy nhiên, bên cạnh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và người nộp thuế, CCHC thuế cũng tạo ra những “kẽ hở” nhất định.
Cán bộ ngành thuế kiểm tra một đơn vị kinh doanh trên địa bàn huyện Cư M’gar.
Cán bộ ngành thuế kiểm tra một đơn vị kinh doanh trên địa bàn huyện Cư M’gar.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, trong giai đoạn 2014-2015, ngành Thuế đã ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật, đẩy mạnh CCHC, đặc biệt là đơn giản hóa thủ tục hành chính về thuế. Theo đó, năm 2014, tính chung trong cả nước, thời gian nộp thuế của DN đã giảm được 290 giờ (từ 573 giờ/năm xuống còn 247 giờ/năm). Năm 2015, thực hiện Luật sửa đổi một số điều của các Luật Thuế đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-1-2015 thì sẽ giảm thêm được 80 giờ (từ 247 giờ/năm xuống còn 167 giờ/năm, đạt mức bình quân của các nước ASEAN-6 là 121 giờ/năm). Rõ ràng, hiệu quả đạt được là không phải bàn cãi, thế nhưng vấn đề đặt ra là có nhiều Luật đã có hiệu lực, nhưng để kiểm soát việc thi hành Luật đối với các DN đang gặp khó khăn khi chưa có những văn bản hướng dẫn cụ thể. Chẳng hạn, một trong những nội dung được sửa đổi về quản lý thuế để tiếp tục thực hiện CCHC thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế đó là theo điều 17, Thông tư 151/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính thì kể từ 15-11-2014, DN không cần phải nộp tờ khai thuế thu nhập DN tạm tính quý nữa mà chỉ nộp khoản tiền này nếu có phát sinh. Cụ thể, căn cứ kết quả sản xuất, kinh doanh, DN thực hiện tạm nộp số tiền thuế thu nhập DN của quý chậm nhất vào ngày thứ 30 của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế mà không phải nộp tờ khai thuế tạm tính hàng quý. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra sau khi DN đã khai quyết toán thuế năm, nếu phát hiện tăng số thuế phải nộp so với số thuế DN đã kê khai quyết toán thì DN bị tính tiền chậm nộp đối với toàn bộ số thuế phải nộp tăng thêm đó, tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm đến ngày thực nộp tiền thuế. Hay như theo Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015, từ kỳ khai thuế GTGT tháng 1-2015 hoặc kỳ khai thuế quý I-2015, người nộp thuế chỉ phải nộp tờ khai thuế cho cơ quan thuế mà không phải nộp phụ lục bảng kê mua vào, bán ra kèm theo. Nhưng người nộp thuế phải hạch toán đầy đủ, kịp thời các chứng từ mua, bán hàng hóa, dịch vụ theo quy định của Luật Kế toán và Luật Thuế để xác định chính xác số thuế và xuất trình đầy đủ khi cơ quan thuế thực hiện công tác thanh, kiểm tra. Trước đó, hồ sơ khai thuế GTGT phải kèm theo bảng kê hóa đơn hàng hóa, dịch vụ bán ra, mua vào. Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bùi Văn Chuẩn, các cải cách trên thực tế đã tạo điều kiện cho DN, người nộp thuế chủ động trong việc kê khai thuế. Tuy nhiên, những cải cách này cũng sẽ nảy sinh những hệ lụy nếu DN, người nộp thuế cố tình kê khai sai, kê khai không đầy đủ. Ông Bùi Văn Chuẩn nhắc lại “bài học” gần đây trên địa bàn tỉnh khi DN được phép tự in hóa đơn đã “đẻ” ra hàng loạt DN “ma” trong lĩnh vực kinh doanh nông sản mà đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm những hậu quả của nó.

Rõ ràng, việc CCHC trong lĩnh vực thuế là điều cần thiết, nhưng song song với đó cũng cần phải có những biện pháp kiểm soát để DN thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ của mình. “Thực tế là ngành Thuế vừa làm vừa lo bởi Luật đã có hiệu lực thì phải thi hành, nhưng thi hành như thế nào để bảo đảm vừa tạo thuận lợi cho DN, vừa không bị thất thoát tiền thuế thì đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể”, ông Bùi Văn Chuẩn kết luận.

 Giang Nam


Ý kiến bạn đọc