Gập ghềnh đường xã Cư Elang
Xã Cư Elang là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Ea Kar, nằm cách trung tâm huyện gần 30 km, trên 80% số dân ở đây là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó hộ nghèo chiếm hơn 45%. Do vậy, việc huy động nguồn lực trong dân để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhất là tiêu chí đường giao thông nông thôn gặp không ít khó khăn.
Hiện nay, ngoại trừ đường nối trung tâm xã với trung tâm huyện và khoảng 5 km đường liên buôn Ea Rơk – Vân Kiều được nhựa hóa theo Chương trình 135 của Chính phủ, còn lại các tuyến đường trong xã đều là đường đất, cấp phối. Mặc dù năm nào, các tuyến đường này cũng đều được người dân tu sửa, nhưng do thiếu kinh phí, không được cứng hóa, nên chỉ sau một thời gian lại xuống cấp, hư hỏng… trở lại, nên đây cũng là trở ngại rất lớn cho việc đi lại, sản xuất của người dân và sự phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Ông Nguyễn Trọng Tứ, cán bộ phụ trách giao thông xã Cư Elang cho biết, hiện bà con trong xã trồng gần 80 ha quýt ngọt, là cây thoát nghèo, đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ trong mấy năm gần đây. Nhưng thật tiếc là do nằm xa trung tâm, giao thông lại khó khăn nên mỗi khi đến vụ thu hoạch, việc vận chuyển sản phẩm quýt đi tiêu thụ cực kỳ khó khăn, còn thương lái ngại vào mua tận nơi, buộc người dân phải thuê xe vận chuyển ra trung tâm huyện hoặc TP. Buôn Ma Thuột mới tiêu thụ được.
Đường đến trường của các em học sinh phủ đầy bụi. |
Theo quan sát thực tế tại địa phương này cho thấy, phần lớn các trục đường liên thôn, buôn đều gập ghềnh, mấp mô ổ gà, ổ trâu, có những đoạn mặt đường bị chia cắt tạo thành rãnh sâu do nước mưa chảy xiết. Hiện trạng đường vốn đã nhỏ, lại bị tách làm đôi, nhiều đoạn chỉ đủ rộng cho người đi bộ, còn các phương tiện khác chẳng có lối mà đi. Anh Nguyễn Đức Duyên (một người dân) phàn nàn, mỗi khi mùa mưa đến, việc đi bộ cũng rất khó khăn, chứ chưa nói đến việc vận chuyển vật tư, nông sản… phục vụ cho sản xuất, tiêu thụ. Đường gập gềnh, trắc trở cũng khiến việc đến trường của các em học sinh thêm nỗi nhọc nhằn. Em Nguyễn Thị Phương, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Trần Bình Trọng bộc bạch, ngày nào đến trường em cũng bị bụi phủ khắp người, chiếc áo trắng biến thành màu vàng, nhiều hôm đi bộ, bụi lấp kín 2 bàn chân, bữa nào mặc áo trắng em phải mặc thêm áo khoác để chống bụi.
Đường đi đã khó, việc qua cầu còn nguy hiểm hơn, bởi hầu hết các cầu bắc qua sông suối trên địa bàn xã đều là cầu tạm, cầu khỉ, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao. Đơn cử như cầu gỗ bắc qua suối Ea Nung trên con đường duy nhất phục vụ việc đi lại sản xuất, giao dịch với trung tâm xã của hàng chục hộ dân buôn Ea Rơk trong nhiều năm qua, chỉ rộng chừng 2 mét, các thanh gỗ đã mục nát, không có dây chằng hay tay vịn hai bên, rất nguy hiểm cho người và phương tiện khi lưu thông qua cầu. Đã có không ít người và phương tiện bị rơi xuống suối bị thương và hư hỏng phương tiện, may mắn là không có thiệt hại lớn về người, nhưng về lâu dài không ai dám chắc là những vụ tai nạn thương tâm sẽ không xảy ra trên cây cầu tạm bợ này, nhất là khi mùa mưa kéo dài, các thanh gỗ mục nát, tai nạn luôn rình rập và có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chưa kể, có khi bị nước suối dâng cao, cầu bị cuốn trôi, khiến việc đi lại của người dân trong buôn bị chia cắt với bên ngoài, các em học sinh phải nghỉ học nhiều ngày liền. Theo thống kê, toàn xã Cư Elang có 7 cầu bắc qua sông, suối, chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất của người dân tại địa phương, hằng năm người dân cũng đóng góp công của để sửa cầu, nhưng do kinh phí ít, lại làm tạm bợ nên chẳng thấm thía vào đâu, cứ mùa mưa đến, nhiều cầu bị cuốn trôi theo nước.
Thực trạng hạ tầng giao thông của xã khó khăn như vậy, trong khi nguồn lực, kinh phí địa phương lại rất hạn chế…, điều này cho thấy rằng việc hoàn thành tiêu chí giao thông nông thôn trong tiến trình xây dựng nông thôn mới của xã sẽ rất khó hoàn thành sớm.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc