Multimedia Đọc Báo in

Các chương trình mục tiêu quốc gia: Cần chú trọng tính thực tiễn

09:03, 29/06/2015

Để hỗ trợ người dân, đặc biệt là đồng bào vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, thời gian qua Chính phủ đã có hàng loạt chính sách hỗ trợ thông qua các chương trình, dự án.

Trong giai đoạn 2012-2015, Chính phủ đã đề ra 16 chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Việc làm và dạy nghề; Giảm nghèo bền vững; Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Y tế; Dân số và Kế hoạch hóa gia đình; Vệ sinh an toàn thực phẩm; Văn hóa; Giáo dục và đào tạo; Phòng, chống ma túy; Phòng, chống tội phạm; Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Ứng phó với biến đổi khí hậu; Xây dựng nông thôn mới; Phòng, chống HIV/AIDS; Đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; Khắc phục và cải thiện ô nhiễm môi trường. Trước đó, Chính phủ cũng đã đề ra nhiều chương trình nhằm hỗ trợ đồng bào nghèo như Chương trình 134 (Chương trình hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn); Chương trình 135 (Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi )... Các chương trình này đã góp phần không nhỏ giúp nâng cao đời sống người dân vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhằm tiếp tục phát triển sản xuất, ổn định nơi ở và cải thiện cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số. Chỉ tính riêng Chương trình 167 tỉnh đã hỗ trợ nhà ở cho trên 13 nghìn hộ nghèo với tổng kinh phí hơn 316 tỷ đồng; Chương trình 134 hỗ trợ nhà ở cho 15.535 hộ, đất ở cho 5.531 hộ, nước sinh hoạt 16.059 hộ, đất sản xuất 7.502 hộ với tổng kinh phí hơn 200 tỷ đồng.

 Một  hộ dân tại  thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) thoát nghèo nhờ  làm thêm nghề làm  chổi đót.
Một hộ dân tại thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) thoát nghèo nhờ làm thêm nghề làm chổi đót.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều chương trình thiếu tính thực tiễn, làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện cũng như kết quả mang lại. Điển hình là mới đây nhất, Quyết định 755/QĐ-TTg ngày 20-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn (gọi tắt là Chương trình 755) đã không đạt được kết quả như mong đợi. Một trong những nội dung đáng chú ý của Chương trình 755 là hỗ trợ đất sản xuất. Theo đó, ngân sách Trung ương (NSTW) hỗ trợ và được vay tín dụng từ ngân hàng chính sách xã hội cho mỗi hộ để tạo quỹ đất sản xuất bình quân 30 triệu đồng/hộ. Trong đó NSTW hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ và được vay tín dụng tối đa không quá 15 triệu đồng/hộ, thời hạn vay 5 năm với mức lãi suất 0,1% tháng, tương đương với 1,2%/năm. Đối với hộ thiếu đất sản xuất, số tiền được hỗ trợ tương ứng với diện tích đất còn thiếu so với mức bình quân diện tích đất sản xuất cho mỗi hộ gia đình trên địa bàn tỉnh. Quỹ đất để giao cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chưa có hoặc chưa đủ đất sản xuất, bao gồm: đất công Nhà nước thu hồi theo quy hoạch để hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo theo quy định tại Quyết định 755/TTg; đất thu hồi từ các nông, lâm trường và các doanh nghiệp; đất khai hoang phục hóa, đất được hiến, mua, chuyển nhượng tự nguyện. Chưa tính đến khả năng cung ứng vốn thực hiện chương trình, chỉ riêng nguồn quỹ đất cũng đã là bài toán nan giải cho các địa phương. Tại Dak Lak, qua khảo sát của Ban Dân tộc tỉnh (đơn vị chủ trì thực hiện Chương trình 755), hầu hết các địa phương trong tỉnh đều không còn quỹ đất để thực hiện chương trình này. Trong khi đó, theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Y Ring Adrơng, theo quy định thì số tiền hỗ trợ ở mức 30 triệu đồng/hộ sẽ rất khó để người dân có thể mua được đất sản xuất trong tình hình giá đất đang ngày một tăng cao như hiện nay. Ông Y Ring Adrơng cho rằng để thực hiện được mục tiêu đề ra là xóa đói giảm nghèo, hoặc Nhà nước phải có biện pháp tăng mức hỗ trợ hoặc chuyển đổi sang hình thức hỗ trợ khác.

Có thể nói, hầu hết các chương trình mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đề ra đều hướng đến mục đích cuối cùng là giúp đỡ người dân, đặc biệt là người dân vùng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Thế nhưng, để những chương trình mục tiêu ấy phát huy hết tác dụng, nâng cao đời sống nhân dân thì cần tập trung vào những mục tiêu cụ thể và đặc biệt là khi xây dựng chương trình mục tiêu cần bám sát thực tiễn tại các địa phương triển khai.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định, giai đoạn 2016-2020 chỉ thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia (Giảm nghèo bền vững và Xây dựng nông thôn mới) để tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương chủ động lồng ghép, quản lý và sử dụng vốn hiệu quả hơn, hạn chế dàn trải, trùng lắp.

 

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc