Multimedia Đọc Báo in

Cơ hội giao thương cho hàng hóa thế mạnh hai tỉnh Dak Lak và Bà Rịa - Vũng Tàu

09:37, 19/06/2015

Nhằm tạo điều kiện cho các sản phẩm thế mạnh của Dak Lak vào tiêu thụ tại thị trường  Bà  Rịa - Vũng Tàu và ngược lại, hội nghị kết nối giao thương giữa hai tỉnh được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột vừa qua đã gợi mở nhiều cơ hội hợp tác thương mại giữa các DN, là cầu nối quan trọng để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa nhà sản xuất, phân phối và NTD.

Dak Lak sẽ tạo điều kiện để các sản phẩm của Bà Rịa - Vũng Tàu có mặt tại các cửa hàng bán lẻ, siêu thị, chợ dân sinh trên địa bàn, và ngược lại, phía tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng nỗ lực liên kết, hợp tác để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cho các DN Dak Lak… Đó là thông điệp được rút ra từ Hội nghị kết nối giao thương giữa Dak Lak và Bà Rịa - Vũng Tàu được Trung tâm xúc tiến hai tỉnh tổ chức hồi đầu tháng 6 vừa qua.
Các doanh nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tìm hiểu về sản phẩm cà phê bột của Dak Lak.
Các doanh nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tìm hiểu về sản phẩm cà phê bột của Dak Lak.

Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng biển có nguồn nguyên liệu phong phú với trên 660 loài cá, 35 loài tôm, 25 loài mực… là điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp chế biến hải sản, trong đó, phải kể đến những mặt hàng chủ lực như: hải sản tươi sống, sấy khô, đông lạnh, nước mắm, phân bón làm từ cá… Ngược lại, Dak Lak có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển công nghiệp chế biến, nông nghiệp nông thôn, nhất là về đất đai, lâm nghiệp, trồng và chế biến các sản phẩm từ cây công nghiệp cà phê, cao cao, hồ tiêu… Tuy nhiên, để những sản phẩm thế mạnh trên có mặt tại thị trường hai tỉnh thì vấn đề liên kết giữa các DN cần phải được đẩy mạnh hơn nữa. Cuộc gặp  gỡ của gần 25 DN hai tỉnh tại hội nghị xúc tiến giao thương lần này cũng không nằm ngoài mục đích đó, nghĩa là cần phải đẩy mạnh liên kết để đưa sản phẩm của Bà Rịa - Vũng Tàu vào các siêu thị, chợ, cửa hàng phân phối… từ thành thị đến nông thôn tỉnh Dak Lak và ngược lại. Cùng với đó, việc tăng cường  đẩy mạnh khâu quảng bá, phát triển hệ thống phân phối, mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác làm ăn cũng được các DN hết sức quan tâm. 

Theo ông Võ Đông Phương, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Bà Rịa - Vũng Tàu, Trung tâm sẽ tạo mọi điều kiện để sản phẩm của Dak Lak có mặt tại địa phương này. Nếu DN Dak Lak đã có sẵn đối tác tại Bà Rịa - Vũng Tàu thì Trung tâm sẽ hỗ trợ đẩy mạnh kênh phân phối hoặc xúc tiến để sản phẩm Dak Lak tiêu thụ tại siêu thị, chợ đầu mối của Bà Rịa - Vũng Tàu. Ông Phương nhấn mạnh, mọi thông tin về DN, sản phẩm hàng hóa của Dak Lak cũng sẽ được giới thiệu trên Website của Sở Công thương, Trung tâm xúc tiến thương mại tỉnh Bà Rịa -  Vũng Tàu để DN hai tỉnh dễ dàng kết nối  tìm kiếm đối tác cung cấp hàng và tiêu thụ sản phẩm.

Doanh nghiệp hai tỉnh tìm hiểu, trao đổi thông tin về sản phẩm đặc trưng  của mỗi địa phương.
Doanh nghiệp hai tỉnh tìm hiểu, trao đổi thông tin về sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương.

Theo Trung tâm xúc tiến thương mại Bà Rịa - Vũng Tàu, thời gian qua, nhiều sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh này như hải sản sấy khô, nước mắm, cá khô tẩm gia vị… được người tiêu dùng (NTD) đón nhận và tiêu thụ mạnh ở mạng lưới phía Nam, đồng thời xuất khẩu sang thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada. Tỉnh này cũng thực hiện nhiều đợt xúc tiến thương mại đưa sản phẩm giới thiệu đến một số tỉnh: TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Dak Lak…, song số đại lý, cơ sở chuyên cung cấp các mặt hàng đặc sản địa phương chưa nhiều nên hiệu quả liên kết chưa cao. Thông qua hội nghị, nhiều DN sản xuất sản phẩm đặc trưng của tỉnh như: nước mắm Ánh Phương, Trung Sơn (với các sản phẩm cá biển đông lạnh, khô cá chỉ vàng, mai, bò ghép); Công ty TNHH Phương Khoa nổi tiếng với sản phẩm xúc xích Nga, thịt hun khói; Thành Phương với sản phẩm phân bón vi sinh… bày tỏ mong muốn liên kết, tìm kiếm đối tác tiêu thụ, mở thêm đại lý phân phối tại Dak Lak. Đại diện Công ty TNHH nước mắm Ánh Phương chia sẻ, hội nghị xúc tiến giao thương là hết sức cần thiết, bởi đây là dịp để DN liên kết, hỗ trợ, đẩy mạnh đầu ra cho sản phẩm. Nhiều lần đưa sản phẩm tham dự hội chợ tại Dak Lak, nước mắm Ánh Phương nhận được sự đón nhận của đông đảo NTD ở đây. Hiện công ty cũng đã có một đại lý phân phối tại Dak Lak, với sản lượng tiêu thụ khoảng 1.000 đơn vị sản phẩm mỗi tháng. DN tư nhân Trung Sơn với sản phẩm đặc trưng là hải sản đông lạnh, sấy khô cũng cho rằng Dak Lak là thị trường tiềm năng, bởi trên thực tế, sản phẩm của DN đã có mặt tại siêu thị trên địa bàn Dak Lak và được đông đảo NTD lựa chọn. Điều này không những giúp DN quảng bá hình ảnh, khẳng định chất lượng với NTD mà còn có cái nhìn rõ hơn về thị hiếu cũng như nhu cầu của khách hàng tại Dak Lak. Bước khởi đầu tương đối thuận lợi này đã giúp DN tự tin phát triển thêm kênh tiêu thụ tại địa phương trong thời gian tới.

Cùng chung mục đích tạo liên kết tiêu thụ sản phẩm, các DN Dak Lak cũng giới thiệu  tiềm năng về các sản phẩm thế mạnh của mình: Công ty TNHH thương mại Thơ Dũng (huyện Cư M’gar), Tiến Cường (TP. Buôn Ma Thuột với sản phẩm chủ lực là cà phê bột), Cơ sở sản xuất hàng lưu niệm thổ cẩm Phương Thu, HTX dịch vụ bơ Cao Nguyên, Lộc Nguyên (TP. Buôn Ma Thuột)… đều bày tỏ mong muốn tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường tại Bà Rịa - Vũng Tàu, cho các sản phẩm cà phê bột, bơ, ca cao… Các DN Dak Lak cũng kêu gọi các DN Bà Rịa - Vũng Tàu cung cấp sản phẩm phục vụ sản xuất tại Dak Lak. Ông Thái Xuân Quang, chủ nhiệm Hợp tác xã ca cao Ea Kar quan tâm nhiều đến sản phẩn phân bón vi sinh làm từ cá của DNTN Thành Phương (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ông chia sẻ, việc sản xuất của HTX rất cần đến nguồn phân bón hợp lý, bảo đảm chất lượng. Đây là dịp tốt để ông được gặp trực tiếp nhà sản xuất, nắm thông tin về hàng hóa, tránh mua phải hàng giả, trước mắt, ông sẽ dùng thử loại phân cá trên để bón cho 450 ha hồ tiêu, cà phê, ca cao… của HTX.

Có thể nói, chưa dám kỳ vọng nhiều, nhưng tin rằng, kết nối giao thương giữa 2 tỉnh Dak Lak và Bà Rịa – Vũng Tàu lần này sẽ kết nối được cung - cầu, góp phần bảo đảm đầu ra cho sản phẩm thế mạnh của hai tỉnh.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc