Gian nan bảo vệ rừng đặc dụng
Dak Lak là địa phương có diện tích rừng đặc dụng lớn nhất nhì cả nước, có hệ sinh thái phong phú, với nhiều loại gỗ, động vật quý hiếm…, nên đây cũng chính là “miếng mồi ngon” cho lâm tặc khiến công tác quản lý, bảo vệ rừng ở những nơi này luôn đối mặt với rất nhiều áp lực.
Lâm tặc nhăm nhe rừng quý
Rừng đặc dụng là loại rừng được sử dụng vào mục đích chủ yếu để bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng của quốc gia, nguồn gen sinh vật rừng, nghiên cứu khoa học, bảo vệ di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh phục vụ nghỉ ngơi du lịch kết hợp với phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái. Dak Lak hiện có khoảng 231 nghìn ha rừng đặc dụng, trong đó Vườn Quốc gia Yok Đôn 115.000ha, VQG Chư Yang Sin 59.531ha, Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô 26.484ha, Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Kar 20.575ha, Khu bảo tồn loài - sinh cảnh thông nước (thủy tùng) 120ha, Khu rừng lịch sử - văn hóa - môi trường Hồ Lak 10.200ha. Với diện tích rộng, lại có nhiều sản vật quý hiếm, những khu rừng đặc dụng ở địa phương đang lưu giữ nhiều giá trị quý giá cho quốc gia cũng như trên thế giới. Nhưng rừng càng giàu bao nhiêu thì lâm tặc càng nhăm nhe đến bấy nhiêu, chỉ tính riêng tại VQG Yok Đôn trong năm 2014 đã phát hiện 873 vụ vi phạm lâm luật, trong đó có 57 vụ khai thác gỗ, 19 vụ săn bắt, mua bán, vận chuyển động vật rừng, 522 vụ vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép, vi phạm khác 274 vụ; tịch thu 1.739 phương tiện, 338 m3 gỗ quý hiếm.
Kiểm lâm VQG Chư Yang Sin trong một chuyến tuần tra rừng dài ngày. |
Ông Nguyễn Hữu Thiện, Giám đốc VQG Yok Đôn cho biết, rừng của đơn vị với hệ sinh thái chủ yếu là rừng khộp đất thấp, địa hình dễ di chuyển cho nhiều loại phương tiện từ máy cày, xe máy, xe đạp thồ, khá thuận lợi cho lâm tặc cắt rừng khai khác gỗ, săn bắn vào ban đêm đã khiến việc quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị gặp rất nhiều khó khăn. Chưa kể, vùng đệm của vườn nằm giáp ranh với 7 xã của 3 huyện: Buôn Đôn, Ea Súp (Dak Lak), Cư Jút (Dak Nông), với khoảng 14.000 hộ dân sống gần rừng. Điều kiện kinh tế ở những khu vực này khó khăn, người dân quen sống phụ thuộc vào rừng nên dễ bị lâm tặc lợi dụng họ vào việc khai thác rừng trái phép. Chính vì điều này, hằng năm đơn vị phải tiến hành cấp thẻ ra vào rừng cho một số hộ dân có đất canh tác trong Vườn, ai không có thẻ, không có chức năng nhiệm vụ mà vào rừng thì đều bị xử phạt theo quy định.
Không rộng lớn như VQG Yok Đôn, diện tích của Khu bảo tồn loài - sinh cảnh thông nước gồm hai quần thể ở Trấp Ksơr (xã Ea Hồ, huyện Krông Năng) và Ea Ral (xã Ea Ral, huyện Ea H’leo) rộng khoảng 120 ha, với 162 cây thủy tùng. Những năm gần đây, gỗ thủy tùng bị săn tìm ráo riết bởi những tin đồn thổi về công dụng ghê gớm của nó như trị ung thư, đuổi muỗi, trừ tà... Ông Trần Xuân Phước, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn loài - sinh cảnh thông nước cho biết, đơn vị đang bảo vệ loài cây nằm trong diện sắp tuyệt chủng nên phải tuyệt đối bảo đảm không để bất cứ ai xâm hại dù chỉ với cành, ngọn. Ngoài ra, có những vị trí trong khu bảo tồn dễ bị tác động, đơn vị còn phải kéo điện thắp sáng cả đêm đề phòng lâm tặc .
Cần đầu tư phát triển kinh tế cho dân vùng đệm rừng
Chia sẻ những khó khăn trong quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng, ông Lê Đắc Ý, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô cho biết, những năm gần đây, lực lượng bảo vệ rừng của đơn vị thường xuyên đối mặt với tình trạng bị lâm tặc tấn công. Từ năm 2008-2010, ở đây còn có thêm 4 cán bộ kiểm lâm bị lâm tặc sử dụng dao, súng hành hung khi đang làm nhiệm vụ phải đi cấp cứu, với mức tỷ lệ thương tật từ 20-31%.
Nhân viên kiểm lâm Khu bảo tồn loài - sinh cảnh thông nước đang kiểm tra một cây thủy tùng. |
Để quản lý, bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết đinh số: 24/2012/QĐ-TTg về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011 - 2020, với mục đích ban hành chính sách đầu tư, cơ chế phát triển rừng đặc dụng nhằm tăng hiệu quả đầu tư. Đảm bảo việc giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý các cấp đối với rừng đặc dụng, đồng thời tăng tính chủ động của Ban quản lý rừng đặc dụng trong hoạt động quản lý, kinh doanh các dịch vụ trong rừng đặc dụng nhằm gia tăng nguồn thu tại các khu rừng đặc dụng trên nguyên tắc bảo tồn kết hợp với phát triển. Gắn trách nhiệm của người sử dụng lợi ích của rừng với đầu tư phát triển và bảo vệ phát triển rừng đặc dụng, tăng hiệu quả vốn đầu tư của Nhà nước; huy động được các thành phần kinh tế tham gia đầu tư bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng. Hướng giảm dần biên chế nhà nước bảo vệ rừng đặc dụng, tăng dần sử dụng cộng đồng địa phương để bảo vệ rừng đặc dụng; đầu tư phát triển rừng đặc dụng nhằm bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng, nguồn gen sinh vật rừng; nghiên cứu khoa học; bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; phục vụ nghỉ ngơi, du lịch, kết hợp phòng hộ, góp phần bảo vệ môi trường. Theo đó, ngoài kinh phí sự nghiệp thường xuyên, Nhà nước cấp kinh phí quản lý bảo vệ rừng ổn định để Ban quản lý rừng đặc dụng chủ động tổ chức thuê, khoán, hợp đồng cộng đồng dân cư tại chỗ, mua sắm trang thiết bị để quản lý bảo vệ rừng; mức trung bình 100.000 đồng/ha/năm tính trên tổng diện tích được giao; hỗ trợ đầu tư cho cộng đồng dân cư thôn bản vùng đệm để đồng quản lý rừng đặc dụng; mức hỗ trợ mỗi thôn bản là 40 triệu đồng/thôn, bản/năm. Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng với nhiều chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật nhằm tạo thêm nguồn thu để phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng…
Ông Nguyễn Hữu Thiện, Giám đốc VQG Yok Đôn cho biết, những năm gần đây, một số thôn, buôn nằm giáp ranh với Vườn đã được thụ hưởng chính sách giao khoán rừng đặc dụng và hỗ trợ cư dân vùng đệm, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao nhận thức của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên đến nay, chỉ có kinh phí để thực hiện giao khoán 35.000 ha rừng cho 19 cộng đồng thôn, buôn quản lý bảo vệ và 40 thôn buôn vùng đệm được hỗ trợ 40 triệu đồng/thôn, buôn/năm. Với 89 thôn, buôn vùng đệm, Vườn đang cần thêm nguồn vốn để thực hiện đầy đủ những chính sách này.
Đối với các chủ rừng còn lại, hiện vẫn chưa thể thực hiện những chính sách theo Quyết định 24/2012/QĐ-TTg do chưa được bố trí kinh phí. Ông Lộc Xuân Nghĩa, Phó Giám đốc VQG Chư Yang Sin cho rằng: Ngoài việc các chủ rừng tăng cường tuần tra, truy quét cũng rất cần sự phối hợp với các cơ quan chức năng ở các địa phương sở tại để tăng thêm lực lượng, hiệu quả trấn áp các đối tượng phá rừng. Một biện pháp căn cơ, lâu dài là Nhà nước cần tăng cường hơn nữa các chính sách đầu tư hỗ trợ cư dân vùng đệm phát triển kinh tế vì ở những khu vực này chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế còn gặp rất nhiều khó khăn và sống phụ thuộc vào rừng. Khi cuộc sống của nhân dân vùng đệm được cải thiện, có công ăn việc làm thì khi đó mới giảm được áp lực lên rừng đặc dụng…
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc