Kinh doanh hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại ngày càng tinh vi
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường lớn, tình trạng gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng theo đó cũng diễn ra phức tạp với các thủ đoạn hết sức tinh vi, khiến công tác ngăn chặn, kiểm soát cũng không kém phần gian nan cho lực lượng chức năng.
Thủ đoạn tinh vi
Theo ông Nguyễn Đào Chí, Chi cục Phó Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh thì hoạt động của các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, trong đó, có nhiều thủ đoạn mới hòng qua mặt cơ quan chức năng. Đối với hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, thay vì tập kết hàng ở một vị trí thì gian thương thường chia nhỏ ra và trà trộn vào trong hàng khác hoặc giấu trên mui xe khách, trong ca bin xe tải, quá trình vận chuyển thường có bố trí người đi dò đường trước... Tại các điểm kinh doanh cố định thì hàng giả, hàng lậu thường được trà trộn với hàng thật, hàng có hóa đơn chứng từ hợp pháp để đánh lừa khách mua, cất giấu phía sau hoặc có kho chứa riêng biệt, chỉ khi nào khách hỏi mới đưa ra bán. Thậm chí, hàng giả còn được bày bán công khai, có nhãn mác bằng tiếng nước ngoài, mẫu mã bắt mắt, giá rẻ để đánh vào tâm lý sính ngoại của một bộ phận người tiêu dùng (NTD). Từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT tỉnh đã tiến hành kiểm tra, xử lý 427 vụ kinh doanh trái pháp luật, tiến hành xử phạt hành chính và truy thu trên 3,8 tỷ đồng, tịch thu hàng hóa trị giá gần 524 triệu đồng. Vi phạm chủ yếu ở lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, phân bón, sở hữu trí tuệ...
Tiến hành kiểm tra về đo lường tại một cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại TP. Buôn Ma Thuột. |
Vào cuộc quyết liệt để chống các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật, ngày 20-5, qua kiểm tra đại lý kinh doanh phân bón Thúy Khánh (xã Ea Yông, huyện Krông Pak), Chi cục QLTT tỉnh đã phát hiện toàn bộ số hàng gồm 3.250 kg phân bón hiệu Yararliva đều đã quá hạn sử dụng lại được bày bán công khai. Lực lượng này đã tiến hành xử phạt hành chính số tiền 17 triệu đồng và tịch thu số hàng hóa trên để tiêu hủy. Rõ ràng, nếu không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời thì số lượng lớn phân bón trên sẽ tuồn ra thị trường và nông dân lại là những người phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.
Đáng chú ý, ở lĩnh vực kinh doanh xăng dầu thì đối tượng gian lận càng trở nên tinh vi hơn khi sử dụng thiết bị công nghệ cao để cố tình ăn bớt xăng, đong thiếu cho khách, gây không ít khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, kiểm soát và phòng chống… Thủ đoạn mà các gian thương thường sử dụng để thực hiện hành vi gian lận là gắn chíp IC điện tử làm sai số lượng xăng bán ra nhằm thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho NTD. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, lực lượng chức năng đã phát hiện 22 vụ vi phạm ở lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, trong đó, có 9 vụ đặc biệt nghiêm trọng do người bán sử dụng thiết bị công nghệ cao để cố tình đong thiếu xăng khi bán cho khách hàng. Đơn cử như ngày 8-4-2015, Đội quản lý thị trường cơ động đã mật phục và bắt quả tang doanh nghiệp tư nhân xăng dầu Sỹ Thảo (xã Pơng Drang, huyện Krông Buk) đã có hành vi làm thay đổi tình trạng kỹ thuật và đặc tính đo lường của cột bơm xăng dầu bằng cách lắp thêm IC để điều chỉnh sai số vượt quá giới hạn cho phép (theo quy định, sai số cho phép +_ 0,5%) với tỷ lệ 8,9%, tức nếu khách mua 10 lít thì thực tế chỉ có 9,11 lít. Không lâu sau, ngày 5-5 vừa qua, Đội này cũng đã tiến hành kiểm tra và phát hiện doanh nghiệp tư nhân thương mại xăng dầu Tân Thịnh (xã Ea Bông, huyện Krông Ana) sử dụng IC chương trình tác động vào cột bơm gây sai số về đo lường với tỷ lệ 3,5%.
Đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra và bắt quả tang cửa hàng Trọng Liễu (thị xã Buôn Hồ) bày bán số lượng lớn mũ bảo hiểm kém chất lượng, giả kiểu dáng công nghiệp của Mũ bảo hiểm Nón Sơn. |
Từ sự việc trên, NTD không khỏi đặt ra câu hỏi, trong tổng số 447 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh (gồm có 62 cửa hàng của doanh nghiệp Nhà nước, 385 cửa hàng của doanh nghiệp tư nhân), liệu còn có hay không những cây xăng cố tình gắn chíp như thế để móc túi NTD hằng ngày mà vẫn chưa bị lực lượng chức năng phanh phui?
Khó nhưng vẫn kiên quyết kiểm soát
Thủ đoạn của các đối tượng gian thương ngày càng tinh vi khiến việc kiểm soát, truy quét của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc bố trí cán bộ chuyên trách, phương tiện, thiết bị… phục vụ cho công tác đấu tranh chưa thể đáp ứng được. Ông Chí dẫn chứng, ở lĩnh vực kiểm tra phân bón, đoàn chưa có cán bộ chuyên trách lấy mẫu nên chỉ dừng lại ở việc kiểm tra về nhãn mác, điều kiện kinh doanh, công bố hợp quy hợp chuẩn chứ chưa thể đi sâu vào kiểm tra về chất lượng của mặt hàng này. Đáng nói hơn, riêng kiểm tra ở lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, đối với các hành vi vi phạm về điều kiện kinh doanh và không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì chỉ cần kiểm tra thủ tục hành chính là có thể phát hiện vi phạm, nhưng đối với hành vi gắn chíp IC để ăn bớt lượng xăng bán ra cho khách thì rất khó “bắt tận tay” để xử lý. Bởi, chỉ cần nhận ra có đoàn kiểm tra đến, gian thương chỉ cần can thiệp nguồn điện, đóng cầu dao điện thì lúc này mọi hành vi điều chỉnh gian dối trong đo lường đều đã được xóa sạch. Do đó, trong “cuộc chiến” này nếu không có nguồn tin từ cơ sở đáng tin cậy, lẫn trinh sát, mật phục kết hợp với việc sử dụng các biện pháp nghiệp vụ cần thiết thì lực lượng rất khó để phát hiện.
Chính vì vậy, để nâng cao công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, lực lượng QLTT tỉnh đã và đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp như cử các đội bám sát địa bàn, xây dựng nguồn tin cơ sở, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trong đó, chú trọng để khâu lưu thông, nhất là các phương tiện giao thông trên các tuyến quốc lộ. Bên cạnh đó, chú trọng chủ động trong việc phối hợp với các cơ quan liên quan để nắm bắt đối tượng, địa bàn hoạt động, tuyến đường trọng điểm vận chuyển hàng giả, lậu… Tuy nhiên, để tập trung truy quét tận gốc các hành vi gian lận thương mại, về lâu dài, ông Chí cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để dần loại bỏ tâm lý sính hàng ngoại, hoặc ham hàng giá rẻ của một bộ phận người tiêu dùng, bởi đó là những nguyên nhân chính góp phần để các loại hàng giả, nhái, lậu vẫn còn đất sống trên thị trường.
Trâm Anh
Ý kiến bạn đọc