Multimedia Đọc Báo in

Lãi suất huy động tăng – mừng hay lo?

10:41, 23/06/2015
Sau một thời gian áp dụng mức lãi suất huy động khá thấp, từ đầu tháng 6 trở lại đây, các ngân hàng đã bất ngờ tăng lãi suất huy động. Trong một chừng mực nhất định, việc tăng lãi suất huy động sẽ có tác động hai mặt đến nền kinh tế.

Đợt tăng lãi suất huy động vừa qua, hầu hết các ngân hàng đã “đẩy” lãi suất huy động tăng từ 0,2% đến 0,5% cho hầu hết các kỳ hạn. Tăng sớm nhất là Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) khi ngay từ đầu tháng 6 đã công bố điều chỉnh lãi suất gửi tiết kiệm bằng tiền VNĐ cao nhất 6,8%/năm cho kỳ hạn 24 tháng (trước đây kỳ hạn này chỉ 6,3%/năm). Lãi suất huy động kỳ hạn 18 tháng cũng tăng 0,3%/năm lên 6,5%/năm. Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA bank) là một trong những đơn vị đầu tiên tăng lãi suất huy động. DongA bank điều chỉnh lãi suất ở hầu hết các kỳ hạn, trong đó tăng mạnh nhất là kỳ hạn 9 tháng, từ 5,6%/năm lên 6%/năm. Trong khi đó, áp mức lãi suất huy động khá cao là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Tại Eximbank, lãi suất tiền gửi tăng ở nhiều kỳ hạn, trong đó tăng cao nhất là kỳ hạn 12 tháng, từ 5,8%/năm lên 6,2%/năm và Eximbank cũng là đơn vị áp mức lãi suất huy động kỳ hạn 12-13 tháng cao nhất thị trường là 7,5%/năm (đối với khách hàng lãnh lãi cuối kỳ).

Khách hàng giao dịch tại Agribank Chi nhánh Dak Lak.
Khách hàng giao dịch tại Agribank Chi nhánh Dak Lak.

Theo đại diện một ngân hàng thương mại Nhà nước trên địa bàn, tín dụng tăng trưởng nhanh trong khi huy động thấp là nguyên nhân khiến các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động nhằm thu hút nguồn tiền. Thực tế, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Dak Lak, tính đến hết tháng 5, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước được 24.703 tỷ đồng, tăng 1,5% so với đầu năm; trong khi tổng dư nợ cho vay nền kinh tế ước đạt 49.511 tỷ đồng, tăng 8,8% so với đầu năm. Việc tăng lãi suất huy động một mặt cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế khi nhu cầu vốn của doanh nghiệp và người dân đã tăng lên. Điều này thể hiện trong cơ cấu cho vay của các tổ chức tín dụng thì đến hết tháng 5, dư nợ cho vay xuất khẩu trên địa bàn tỉnh ước đạt 1.811 tỷ đồng, tăng 13,5% so với tháng trước; cho vay doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ước đạt 14.880 tỷ đồng, tăng 0,2% so với tháng trước với hơn 2.479 lượt doanh nghiệp vay vốn.

Bên cạnh yếu tố tích cực, nhiều ý kiến cho rằng việc tăng lãi suất huy động sẽ kéo theo việc tăng lãi suất cho vay, tác động xấu đến nền kinh tế. Thậm chí nhiều người lo ngại thời gian tới có thể sẽ có làn sóng đẩy lãi suất cho vay lên cao của các ngân hàng thương mại. Nếu điều này xảy ra, khi đó nỗ lực kéo giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ sẽ không hiệu quả.

 Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Video) Thiết thực chăm lo cho người lao động
Cùng với việc bảo đảm việc làm, thu nhập, tổ chức công đoàn tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã dành nhiều quan tâm để chăm lo đời sống cho công nhân, người lao động, đặc biệt là các chính sách lao động nữ, các chương trình hỗ trợ về nhà ở.