Multimedia Đọc Báo in

Phát triển du lịch Dak Lak: Loay hoay với bài toán khai thác và đầu tư - Kỳ cuối: Để du lịch Dak Lak phát triển bền vững

09:58, 16/06/2015

Để phát huy tiềm năng, lợi thế cũng như thu hút đầu tư phát triển du lịch, Dak Lak đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp quan trọng nhằm nâng cao sức cạnh tranh, đưa ngành du lịch Dak Lak phát triển bền vững. Vấn đề đặt ra ở đây là cần phát triển du lịch theo chiều sâu, chất lượng, hiệu quả.

 Những “bước đệm” ban đầu

Với nhiều giải pháp được thực hiện nhằm phát huy lợi thế, khai thác tiềm năng du lịch hiệu quả trong thời gian qua, bức tranh về phát triển du lịch Dak Lak đã có những chuyển biến nhất định. Điều này thể hiện ở những con số cụ thể: Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển du lịch Dak Lak giai đoạn 2012-2015 là hơn 2.170 tỷ đồng. Trong đó đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch là hơn 132 tỷ đồng, đầu tư các dự án phát triển du lịch hơn 2.034 tỷ đồng, đầu tư cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch 2,6 tỷ đồng, đầu tư cho đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch: 860 triệu đồng; riêng nguồn vốn đầu tư các dự án phát triển du lịch của các tổ chức, cá nhân hơn 2.015 tỷ đồng... Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm trong giai đoạn 2012-2015 ước đạt 13,6%; tổng doanh thu du lịch ước đạt 1.377 tỷ đồng; lượt khách đón tiếp ước đạt 1,762 triệu lượt khách; ngày lưu trú bình quân/khách ước đạt 1,35 ngày. Cơ sở vật chất ngành du lịch ngày càng tăng về số lượng và chất lượng ngày càng cao, nhất là các cơ sở lưu trú du lịch. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 183 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, gồm 58 khách sạn, 125 nhà khách, nhà nghỉ, có thể phục vụ hơn 6.000 khách du lịch cùng một thời điểm; trong đó có 1 khách sạn được xếp hạng 5 sao, 2 khách sạn 4 sao, 5 khách sạn 3 sao và nhiều cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch...

Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đi kiểm tra thực tế tại Khu du lịch sinh thái thác Dray K’nao (huyện M’Drak).
Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đi kiểm tra thực tế tại Khu du lịch sinh thái thác Dray K’nao (huyện M’Drak).

Tuy nhiên, những kết quả này vẫn chỉ là “bước đệm” bởi nhiều chỉ tiêu về du lịch cơ bản chưa đạt so với Nghị quyết đề ra. Theo đánh giá của ông Võ Quang Tuyên, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh trong đợt giám sát về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 60 về phát triển du lịch Dak Lak giai đoạn 2012-2015, sau gần 3 năm triển khai, các ban, ngành, đơn vị liên quan đã có nhiều nỗ lực; tuy nhiên những kết quả đạt được vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Các khu vực đã có quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt thì việc đầu tư hạ tầng thực hiện chậm, thiếu sự đồng bộ. Nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện công tác xúc tiến, quảng bá và đào tạo nguồn nhân lực du lịch của tỉnh còn ít; nguồn vốn đầu tư được thu hút để thực hiện các dự án du lịch so với nhu cầu đầu tư phát triển vào lĩnh vực du lịch chưa nhiều, tỷ trọng nguồn vốn đầu tư còn khá nhỏ. Tiềm năng, cảnh quan và môi trường thiên nhiên đang dần bị phá vỡ; đàn voi nhà ngày càng suy giảm; bản sắc văn hóa truyền thống (nhà dài, văn hóa cồng chiêng, các lễ hội dân gian truyền thống…) không có nhiều điều kiện để phục dựng, bảo tồn nhằm giới thiệu, quảng bá thường xuyên cho khách du lịch…

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Cũng trong đợt giám sát vừa qua của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 60 về phát triển du lịch Dak Lak giai đoạn 2012-2015, nhiều ý kiến đóng góp, kiến nghị của các đơn vị doanh nghiệp, các nhà làm công tác quản lý nhà nước về du lịch đã được đưa ra nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất các giải pháp để đưa “ngành công nghiệp không khói” phát triển ổn định, bền vững.

Ông Trương Đức Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Dak Lak nêu kiến nghị: Để thu hút đầu tư vào ngành du lịch, cần xem lại chính sách thuế đất cho các điểm, khu du lịch; cần có chính sách phù hợp về chế độ đãi ngộ, thủ tục thông thoáng để kêu gọi thu hút các nhà đầu tư nhằm xây dựng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột một khu vui chơi giải trí hiện đại mang tầm cỡ của khu vực Tây Nguyên. Song song đó cũng cần quan tâm đến vấn đề đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch, nhất là đối với các cơ sở tư nhân làm du lịch; đồng thời cần có kế hoạch tuyên truyền rộng rãi cho người dân ở các nơi có điểm du lịch nhận thức được sự cần thiết phải phát triển du lịch để mang lại hiệu quả không những cho Nhà nước, doanh nghiệp mà cho chính nhân dân địa phương...

Theo ông Y Wái Byă, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, ngoài việc định hình sản phẩm đặc thù, mang màu sắc riêng biệt của Dak Lak, thì nhất thiết cần nhanh chóng đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch có trọng tâm, trọng điểm trở thành những điểm nhấn cho những tuyến hành trình. Bên cạnh đó, các giá trị hiện có về di tích và văn hóa cộng đồng rất cần được bảo vệ nguyên vẹn  để lập kế hoạch khai thác lâu dài, tránh bị hủy hoại hoặc “thương mại hóa” quá mức làm mất đi các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống. Các chính sách, cơ chế khuyến khích phát triển du lịch không chỉ tập trung thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm, quảng bá, đào tạo nhân lực mà còn bao gồm cả thu hút đầu tư phát triển hạ tầng, chính sách giảm nghèo, phát triển nông thôn, chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc…

Có thể nói, sự phát triển của du lịch phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm thực hiện của các địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành liên quan, sự năng động tích cực của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, sự tích cực tham gia của cộng đồng dân cư... Trong sự phát triển chung của ngành du lịch cả nước, Dak Lak cũng cần phát triển du lịch theo chiều sâu, chất lượng, hiệu quả và bền vững. Xác định rõ thế mạnh, thời cơ và những khó khăn, thách thức; đồng thời tích cực triển khai đồng bộ, có lựa chọn những giải pháp trọng tâm như: xác định thị trường, phát triển sản phẩm, đổi mới về cơ chế chính sách, phát triển nguồn nhân lực cũng như quyết tâm thực hiện tốt công tác bảo tồn trong phát triển du lịch.... có như vậy du lịch Dak Lak mới có những bước chuyển mình rõ nét. Để khi đến với Dak Lak, du khách không chỉ dừng lại ở việc ngắm cảnh quan thiên nhiên, tham quan di tích hoặc thưởng thức vài món ăn truyền thống đơn điệu, mà sẽ còn được hưởng thụ nhiều sản phẩm đa dạng hơn, chất lượng dịch vụ cao hơn với những sản phẩm du lịch đặc thù chỉ riêng Dak Lak mới có...

 Lan Anh

[links()]


Ý kiến bạn đọc