Phát triển kinh tế bền vững nhờ áp dụng phương pháp sản xuất an toàn
Đưa chúng tôi đi tham quan vườn cà phê trồng xen cây tiêu xanh mướt, ông Tiến khoe: “Vườn cây này đã trồng được hơn 15 năm rồi đấy mà vẫn tươi tốt, chưa bị sâu bệnh hại. Hiện gia đình tôi đang có hai nguồn thu ổn định trên cùng một đơn vị diện tích, tất cả cũng là nhờ biết áp dụng phương pháp sản xuất an toàn”. Theo lời ông kể, sau khi vào Dak Lak lập nghiệp từ năm 1995, ông dồn hết vốn liếng mua 8 sào đất trồng cà phê. Để “lấy ngắn nuôi dài”, từ nguồn vốn do Hội Nông dân xã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay tổng cộng 20 triệu đồng, ông tính toán đầu tư chăn nuôi heo, gà lấy tiền chăm sóc cà phê. Khi có vốn, ông mua thêm đất, mở rộng diện tích canh tác lên 2,1 ha. Mặc dù vườn cà phê vẫn phát triển tốt, cho năng suất ổn định nhưng giá cả đầu ra bấp bênh nên ông suy tính đến việc phải trồng thêm một loại cây gì đó để có thể tăng thu nhập, hạn chế rủi ro. Qua tìm hiểu những đặc tính giống và khác nhau giữa cây cà phê và tiêu, ông nhận thấy hai loại cây trồng này không cạnh tranh nhau về dinh dưỡng cũng không lây bệnh cho nhau nên mạnh dạn thử nghiệm trồng xen cây tiêu trong cà phê vào năm 2000. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, đến nay, gia đình ông Tiến đã trồng xen được 1.000 gốc tiêu trong vườn cà phê. Ông Tiến cho biết: “Tiêu là một trong số những loại cây có thể trồng xen trong vườn cà phê đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bởi gốc tiêu chiếm diện tích tương đối ít, có thể tận dụng khoảng trống giữa các gốc cà phê để trồng xen. Hơn nữa cây tiêu không có tán, do đó không ảnh hưởng nhiều đến việc sinh trưởng của cà phê. Cũng nhờ có cây cà phê mà khi cây tiêu mới trồng, không cần phải che chắn vẫn phát triển tốt. Đồng thời, khi tưới nước, bón phân, hai loại cây này có thể hỗ trợ hấp thụ tối đa lượng nước và chất dinh dưỡng, tránh lãng phí”.
Ông Nguyễn Tiến trao đổi kỹ thuật chăm sóc cây tiêu với cán bộ Hội Nông dân các cấp. |
Để phát triển sản xuất bền vững, ông Tiến đã tham gia mô hình sản xuất cà phê bền vững Amazarô (hay còn gọi là cà phê rừng nhiệt đới) từ năm 2012. Ngoài việc làm cành, chồi, tưới nước theo đúng khoa học – kỹ thuật, ông chú trọng sử dụng các chế phẩm sinh học và các loại phân vi sinh thay thế cho phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật nhằm duy trì nguồn dinh dưỡng và hạn chế mầm bệnh cho cây trồng.
Nhờ đó, khi bán cà phê nhân, mỗi ki-lô-gam ông được cộng giá trị tăng thêm là 400 đồng so với giá thị trường. Bên cạnh đó, để cây tiêu phát triển ổn định, tránh được bệnh chết nhanh, chết chậm, ông đã vun luống, đào mương thoát nước tránh ngập úng và thường xuyên trộn các loại phân vi sinh, phân chuồng vào các rãnh mương nhằm cung cấp dần dinh dưỡng cho cây. Đồng thời sử dụng các chế phẩm sinh học để bón lá nên vườn cây luôn xanh tốt, không bị sâu bệnh. Nhờ áp dụng phương pháp canh tác bền vững, mỗi năm, gia đình ông thu được trên 8 tấn cà phê và 3 tấn tiêu, cộng thêm nguồn thu từ sầu riêng và bơ đã đem lại lợi nhuận trên 500 triệu đồng. Kinh tế gia đình phát triển không chỉ giúp vợ chồng ông nuôi 3 con tốt nghiệp đại học mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động tại địa phương.
Không chỉ sản xuất giỏi, với vai trò của Chi hội trưởng nông dân buôn Sang B, ông Tiến đã tích cực phổ biến khoa học – kỹ thuật, hướng dẫn hội viên xây dựng mô hình đa cây, đa con theo hướng sản xuất sạch. Ngoài ra, mỗi năm ông còn tín chấp cho hội viên mua 40 tấn phân bón trả chậm để đầu tư phát triển sản xuất. Với những thành tích đạt được, ông đã vinh dự được Hội Nông dân huyện Cư M’gar tặng Giấy khen Nông dân đạt danh hiệu điển hình tiên tiến 5 năm (2010-2015).
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc