Multimedia Đọc Báo in

Phát triển kinh tế vùng biên, giao thông cần đi đầu

10:01, 17/06/2015
Ea Súp là huyện biên giới, người dân sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhưng các tuyến đường bị hư hỏng khiến việc giao thương hàng hóa đứt đoạn, nông sản mất giá, người nông dân gặp khó.

Nông sản mất giá vì... đường

Huyện Ea Súp gồm có 10 xã, thị trấn, trong đó có 3 xã biên giới là Ya Lốp, Ia R’vê, Ea Bung. Điểm xa nhất của huyện cách thị trấn 65 km, cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột 135 km nhưng nhiều tuyến đường bị xuống cấp nghiêm trọng, khiến việc giao thương nông sản gặp nhiều khó khăn. Bà Lam Thị Biên, thôn Đại Phu 1, xã Ya Lốp cho biết, vụ đông xuân 2014 - 2015, gia đình trồng 5 sào ngô thu về hơn 2 tấn. Giá vật tư đầu vào cao nhưng giá ngô bán ra lại quá thấp, dao động từ 3.000 – 3.500 đồng/kg, trong khi đó giá thị trường 6.000 đồng/kg khiến gia đình gặp rất nhiều khó khăn về vốn khi triển khai sản xuất vụ hè thu 2015. Không chỉ giá bán thấp hơn mặt bằng chung của thị trường, nông dân nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra cho nông sản khi thường xuyên bị ép cấp, ép giá với lý do đường xấu, trừ hao mòn xe, chi phí đi lại… Ông Nguyễn Trọng Tiến, thôn Vùng, xã Ya Lốp cho hay, vụ hè thu 2014, gia đình trồng được 1 ha đậu xanh nhưng chỉ có 0,7 ha cho thu hoạch. Khí hậu vốn khắc nghiệt nên cây trồng phát triển kém, chi phí đầu tư lại cao hơn các địa phương khác do giá vật tư nông nghiệp cao, trong khi đó giá nông sản bán ra lại thấp hơn mặt bằng chung thị trường nên khoản lợi nhuận thu được sau mỗi vụ thu hoạch cứ teo tóp dần, đẩy nông dân vào tình trạng không làm thì đói mà làm thì lỗ. Không chỉ đậu, bắp mà giá cả các loại trái cây cũng chênh lệch khá cao, cụ thể giá xoài tại thị trấn Ea Súp 6.000 đồng/kg thì tại các xã Ya Lốp, Ia R’vê, Ia T’mốt… chỉ đạt 500 – 1.000 đồng/kg bởi lý do thương lái đưa ra là đường xấu, vận chuyển nhiều xoài sẽ bị dập, không bán được… Không chỉ người dân các xã biên giới mà các hộ dân vùng tiếp giáp thị trấn Ea Súp cũng gặp không ít khó khăn cho việc tìm đầu ra của nông sản. Ông Đặng Phú Bình, Chủ tịch UBND xã Ea Lê cho biết, nằm tiếp giáp với thị trấn nhưng giá nông sản tại địa phương thường thấp hơn 1 – 2 giá so với mặt bằng chung của huyện, giá thu mua nông sản tại các thôn càng xa tỉnh lộ 1 càng giảm nên nhiều nông dân chấp nhận bỏ công sức để chở nông sản ra tập kết dọc tỉnh lộ để nhập cho các đại lý.

Cầu Trắng tiếp giáp giữa xã Ia Jlơi và Ia R’vê bị hư hỏng, mặt cầu lồi lõm khiến xe tải không thể lưu thông qua cầu.
Cầu Trắng tiếp giáp giữa xã Ia Jlơi và Ia R’vê bị hư hỏng, mặt cầu lồi lõm khiến xe tải không thể lưu thông qua cầu.

Ông Nguyễn Ngọc Phú, Trưởng phòng NN – PTNT huyện cho biết, Ea Súp là huyện biên giới nghèo, nông sản chủ yếu bán cho thương lái, từ đầu vụ tới cuối vụ chỉ có vài người thu mua nên chuyện ép cấp, ép giá xảy ra thường xuyên. Nhiều gia đình thu hoạch muộn so với thời vụ không kịp bán cho thương lái, phải chờ sang vụ tiếp theo để bán.

Cần đầu tư để phát triển

Theo thống kê của Phòng kinh tế hạ tầng, toàn huyện hiện có 747 km đường giao thông nhưng chỉ có hơn 22% tuyến đường được bê tông, nhựa hóa nhưng đến nay đa số các tuyến đường đã bị xuống cấp, nắng bụi bay mù trời, mưa xuống thì lầy lội, ách tắc giao thông cục bộ. Mặc dù tỉnh lộ 1 - tuyến giao thông huyết mạch của huyện được đầu tư, cải tạo hằng năm nhưng một số đoạn, đặc biệt từ ngã ba Cư M’lan đến xã Ea Lê đã bị xuống cấp nghiêm trọng, mặt đường bị biến dạng, trơ lì sỏi đá, xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà khiến việc giao thương gặp nhiều khó khăn. Còn các tuyến đường liên huyện Ea Súp - Ea H’leo; Ea Súp - Cư M’gar được xem là cánh cửa mở thứ 2 của các xã biên giới, góp phần thúc đẩy kinh tế vùng biên phát triển nhưng nay vẫn đang trong quá trình đầu tư nên việc giao thương thường bị đứt đoạn vào mùa mưa.

Ông Trịnh Văn Cường, Phó Trưởng Phòng kinh tế hạ tầng huyện Ea Súp cho biết, các công trình giao thông trên địa bàn huyện được đầu tư xây dựng đã lâu, sau nhiều năm khai thác sử dụng, cùng với đó là các yếu tố phức tạp về địa hình, địa chất, khí hậu, ảnh hưởng của bão lụt hằng năm… nên nhiều tuyến đường trọng yếu đã bị xuống cấp. Cùng với đó, sự gia tăng đột biến của các phương tiện giao thông, đặc biệt là các phương tiện có tải trọng lớn dẫn đến nhiều tuyến đường thiết kế trước đây không còn đáp ứng nhu cầu lưu thông thực tế dẫn đến các công trình không bảo đảm được tuổi thọ khai thác như thiết kế ban đầu. Mặt khác, do thiếu kinh phí, nên công tác duy tu, bảo trì hằng năm phải thực hiện theo cách chắp vá, hỏng đâu sửa đấy nên hiệu quả chưa cao.

Tỉnh lộ 1 đoạn qua thị trấn Ea Súp bị hư hỏng nặng.
Tỉnh lộ 1 đoạn qua thị trấn Ea Súp bị hư hỏng nặng.

Là huyện nghèo, địa bàn rộng, nhu cầu kinh phí đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông rất lớn, trong khi nguồn thu ngân sách hằng năm còn hạn hẹp. Huyện kiến nghị, các cấp cần quan tâm hơn nữa đến các tuyến giao thông trên địa bàn huyện, đặc biệt là các tuyến đường trọng yếu như tỉnh lộ 1, Quốc lộ 14C, Quốc lộ 29, các tuyến đường liên huyện Ea Súp - Ea H’leo, Ea Súp – Cư M’gar, các tuyến đường từ thị trấn Ea Súp đi trung tâm các xã, tạo đà thúc đẩy kinh tế vùng biên phát triển, góp phần đảm bảo quốc phòng - an ninh, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội nơi cửa ngõ phía tây bắc của tỉnh Dak Lak nói riêng và cả vùng Tây Nguyên nói chung.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc