Multimedia Đọc Báo in

"Bài thuốc" nào cho các dự án đầu tư chậm tiến độ?

08:58, 28/07/2015

Những năm qua, với tiềm năng sẵn có cùng với nhiều chính sách thông thoáng, Đắk Lắk đã trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc triển khai một số dự án hiện đang gặp không ít khó khăn...

Nằm ở vị trí trung tâm cao nguyên Nam Trung bộ, Đắk Lắk có diện tích tự nhiên 13.125 km2, với diện tích đất Bazan chiếm 24,8%, trên nền khí hậu phù hợp với cây công nghiệp như cà phê, cao su, tiêu, điều, ca cao; cộng đồng dân cư phong phú với 47 dân tộc sinh sống, dân số gần 1,8 triệu người, trong đó, lực lượng trong độ tuổi lao động dồi dào, hơn 1,1 triệu người; hệ thống giao thông thuận lợi gồm các quốc lộ 14, 26, 27, 29…Với tiềm năng, lợi thế đó cộng với nhiều chính sách xúc tiến, thu hút đầu tư trong những năm qua, Đắk Lắk đã trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong giai đoạn 2004-2015, tỉnh đã thu hút được 538 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký khoảng 77.385 tỷ đồng. Trong đó có 264  dự án hoàn thành đưa vào sử dụng với tổng vốn 33.211 tỷ đồng; 77 dự án đang triển khai với số vốn 8.311 tỷ đồng; 141 dự án đang hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư với số vốn 14.530 tỷ đồng; 56 dự án chậm tiến độ với số vốn hơn 20.000 tỷ đồng. Trong số những dự án đã đi vào hoạt động có những dự án quy mô lớn và từng bước mang lại hiệu quả như: Nhà máy chế biến cà phê hòa tan của Công ty TNHH cà phê Ngon với vốn đầu tư đăng ký 1.000 tỷ đồng; Trung tâm Metro Cash & Carry 303 tỷ đồng; Công ty Cổ phần thương mại Nguyễn Kim 300 tỷ đồng … Chỉ tính trong 3 năm (2012-2015)  những dự án đi vào hoạt động đã đóng góp cho ngân sách cho Nhà nước khoảng 1.500 tỷ đồng.

Dự án Trung tâm thương mại Phú Xuân (phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) đang tạm dừng thi công do thiếu vốn.
Dự án Trung tâm thương mại Phú Xuân (phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) đang tạm dừng thi công do thiếu vốn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên vẫn còn một số vướng mắc, đến thời điểm hiện tại vẫn có 56 dự án với số vốn đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng triển khai chậm. Cụ thể là: Dự án Trung tâm Văn hóa - Thương mại - Dịch vụ tổng hợp Đắk Lắk Center (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột), quy mô 18 tầng, vốn đăng ký 530 tỷ đồng do Công ty Cổ phần đầu tư Cao Nguyên làm chủ đầu tư, được khởi công từ năm 2009, nhưng đến nay mới chỉ thi công xong phần thô 5 tầng và 1 tầng hầm, đã ngừng thi công từ năm 2014; Dự án Trung tâm thương mại Phú Xuân (phường Thắng Lợi - TP. Buôn Ma Thuột) 14 tầng khách sạn, 3 tầng siêu thị, khu trưng bày đến nay hoàn thành 60% khối lượng, nhưng phải tạm ngừng thi công do chủ đầu tư không đủ khả năng tài chính để tiếp tục… Nguyên nhân một phần do suy thoái kinh tế tác động đến, phần khác là do vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng. Trong đó, Dự án Khu nông nghiệp lõi ứng dụng công nghệ cao trồng gừng, bưởi và hoa quả nhiệt đới (xã Krông Búk, huyện Krông Pắc) của Công ty TNHH tư vấn và phát triển nông sản BATO đã được phê duyệt tại Quyết định số 2213/QĐ-UBND với diện tích 82,9 ha, vốn đầu tư đăng ký 38 tỷ đồng, tuy nhiên đến nay, Công ty vẫn chưa nhận được mặt bằng để triển khai dự án. Dự án Điểm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái hồ Lắk tại xã Yang Tao (huyện Lắk) diện tích 11 ha, vốn đăng ký 60 tỷ đồng của Công ty TNHH Du lịch đường mòn Châu Á được tỉnh cho chủ trương đầu tư từ năm 2013, nhưng đến nay chưa thể triển khai vì đất dự án chồng lấn với đất của Ban quản lý rừng lịch sử, văn hóa, môi trường Hồ Lắk. Một số dự án trồng cao su, trồng rừng, cải tạo và quản lý bảo vệ rừng khi nhà đầu tư vào thì phần lớn diện tích bị dân lấn chiếm…

Ông Đinh Xuân Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết, để không làm ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư của địa phương cũng như gây thiệt hại cho nhà đầu tư, UBND tỉnh đã chủ động gặp gỡ những nhà đầu tư tìm phương án tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy việc triển khai các dự án. Theo đó, đối với những nhà đầu tư vì lý do khách quan mà chậm triển khai dự án, Sở cũng đã gặp gỡ họ để tìm các biện pháp tháo gỡ, đối với những dự án đang triển khai xây dựng mà thiếu vốn thì gia hạn để họ có thời gian tìm nguồn vốn tiếp tục đầu tư; tham mưu cho UBND tỉnh đôn đốc các sở, ngành, địa phương liên quan phối hợp nhà đầu tư tháo gỡ những vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng để sớm có mặt bằng cho các nhà đầu tư triển khai dự án… Tuy nhiên, để tạo ra môi trường đầu tư lành mạnh, chọn ra những nhà đầu tư có tiềm lực, UBND tỉnh cũng kiên quyết thu hồi chủ trương đối với 98 dự án mà chủ đầu tư không tích cực triển khai; Sở Kế hoạch- Đầu tư đang tiến hành rà soát trên 27 dự án đã có chủ trương đầu tư, nếu chủ đầu tư thiếu năng lực, chây ì không triển khai dự án, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi chủ trương đầu tư.

 Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.