Multimedia Đọc Báo in

Giá cà phê xuống thấp, nông dân và doanh nghiệp đều gặp khó

09:28, 06/07/2015

Niên vụ cà phê 2014-2015 đã kết thúc gần 4 tháng qua, nhưng do giá mặt hàng nông sản này vẫn ở mức thấp nên nhiều hộ dân chưa muốn bán ra thị trường. Chính vì vậy, việc kinh doanh, giao dịch cà phê của các doanh nghiệp cũng diễn ra khá trầm lắng.

Nông dân thấp thỏm chờ giá lên

Năm nay, do giá cà phê từ đầu niên vụ giao động ở mức thấp, từ 35.000 - 38.000 đồng/kg, nên nhiều hộ dân “găm” cà phê ở nhà chờ giá lên. Chị Lê Thị Thắm ở tổ dân phố 3, phường An Lạc (thị xã Buôn Hồ) cho biết, niên vụ vừa qua năng suất cà phê của gia đình chị giảm khoảng 20% do hạn hán và sâu bệnh. Nếu như niên vụ trước, với 3 ha cà phê, gia đình chị thu được 12 tấn thì niên vụ này chỉ thu được gần 8 tấn. Tháng 3 vừa qua, do phải cần vốn đầu tư chăm sóc vườn cây nên chị bán đi 4 tấn để mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và trang trải nợ nần. Số cà phê còn lại chị vẫn tích trữ ở nhà chưa muốn bán vì giá còn quá thấp. Theo chị Thắm, năng suất cà phê đã không bằng năm ngoái mà bán với giá thấp như hiện nay thì người nông dân sẽ không có lãi. Cũng chung tâm trạng của chị Thắm, anh Y Sinh Byă ở thôn Toàn Thắng, xã Hòa Đông (huyện Krông Pak) than thở: Năm ngoái, vào thời điểm tháng 5, giá cà phê lên cao khoảng 45.000 đồng/kg thì gia đình anh đã bán hết. Nhưng năm nay, chờ mãi đến nay giá cà phê vẫn thấp, có thời điểm xuống còn 31.000 đồng/kg nên anh vẫn chưa bán mà vay vốn ngân hàng đầu tư cho vườn cà phê. Phần lớn các hộ trồng cà phê trên địa bàn không có sẵn nguồn vốn. Để đầu tư, hầu hết đều phải vay vốn ngân hàng hoặc mua chịu phân bón từ đại lý. Điều này sẽ khiến người nông dân gặp không ít rủi ro, bởi bà con vừa bị chịu lãi ngân hàng, vừa lo giá cà phê không tăng lên thì phải chịu “lỗ kép”. Chưa kể, việc trữ cà phê tại nhà thường không có kho chứa bảo đảm nên dễ bị hư hỏng. Nhiều hộ dân trữ cà phê lâu ngày, đến khi đưa ra bán thì hạt đã bị đen, mốc… giảm chất lượng nên đại lý không mua, hoặc mua với giá rẻ.

Một doanh nghiệp chế biến cà phê tại thôn 2, xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) những ngày qua  kinh doanh khá trầm lắng do giá cà phê xuống thấp.
Một doanh nghiệp chế biến cà phê tại thôn 2, xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) những ngày qua kinh doanh khá trầm lắng do giá cà phê xuống thấp.

Doanh nghiệp gặp khó

Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh cà phê, hiện nay, do mặt hàng này còn tích trữ trong dân khá lớn (chiếm trên 50% sản lượng cà phê toàn niên vụ), trong khi đó, nhiều đại lý, doanh nghiệp nhỏ cũng “găm” hàng chờ giá nên tình hình giao dịch cà phê trên thị trường khá trầm lắng. Nhiều DN lớn gặp khó vì không mua được hàng phục vụ xuất khẩu.

Mức giá cà phê nhân thấp như hiện nay đã khiến nhiều DN kinh doanh nông sản gặp không ít khó khăn. Anh Chương, một chủ đại lý thu mua nông sản tại xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột tâm sự: Tháng trước (khi giá cà phê đang ở mức 34.000 đồng/kg), để có vốn quay vòng kinh doanh, anh đã phải bán một phần cà phê trong kho dự trữ nhà mình. So với mức giá hiện tại, anh đã phải lỗ ít nhất 2 triệu đồng/tấn, và nếu so với giá cùng thời điểm năm ngoái (41.000 đồng/kg) thì anh lỗ khoảng 5 triệu đồng/tấn. Đó là chưa kể tiền lãi ngân hàng, tiền đầu tư kho bãi, thuê nhân công và hao hụt tự nhiên… trong quá trình tích trữ cà phê.

Nhiều hộ dân trữ cà phê tại nhà thường không có kho bãi bảo đảm  nên thường xuyên phải đưa ra phơi lại (Ảnh chụp tại thôn 1, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin).
Nhiều hộ dân trữ cà phê tại nhà thường không có kho bãi bảo đảm nên thường xuyên phải đưa ra phơi lại (Ảnh chụp tại thôn 1, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin).

Bên cạnh đó, nhiều hộ dân không có kho bãi để trữ cà phê nên đã chọn hình thức ký gửi tại các đại lý thu mua nông sản chờ giá lên mới chốt giá bán. Điều này một mặt giúp các đại lý có đủ nguồn hàng để xuất bán cho các công ty mẹ theo đúng thỏa thuận hợp đồng đã ký, nhưng mặt khác cũng tạo áp lực đối với DN khi giá cà phê “nhảy múa” như hiện nay. Bởi khi gom đủ hàng để xuất thì giá rẻ, nhưng khi giá cao lên thì nông dân mới chốt giá bán. Khoản chênh lệch về giá thường do phía DN hứng chịu nên cũng gặp nhiều rủi ro…

Không chỉ vậy, để có vốn đầu tư, nhiều doanh nghiệp còn ký gửi cà phê ở các công ty nông sản của nước ngoài. Điều này dẫn đến nguy cơ rủi ro cao, bởi đây giống như một hình thức cầm cố tài sản. Nếu giá cà phê tăng, doanh nghiệp ký gửi chốt giá bán thì cũng phải chịu mức giá thấp hơn thị trường từ 1-2 triệu đồng/tấn, còn khi giá xuống thấp hơn thời điểm ký gửi thì sẽ bị phía DN nước ngoài tự động chốt giá và phải chấp nhận bù lỗ. Chị Thao, chủ DN tư nhân xuất khẩu cà phê ở thôn 2, xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, trong niên vụ cà phê vừa qua, DN của chị đã phải ký gửi hàng trăm tấn cà phê cho một công ty nước ngoài để có vốn quay vòng và chỉ nhận 70% số tiền của tổng giá trị hàng ở thời điểm ký gửi. Sau kỳ hạn tối đa 3 tháng, dù muốn hay không, chị cũng phải chốt giá bán hàng cho công ty với giá thấp hơn thị trường khoảng 2 triệu đồng/tấn. Trong nhiều tháng qua, giá cà phê vẫn cứ đứng ở mức thấp đã khiến DN như “ngồi trên chảo lửa”.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.