Krông Pak chủ động phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi mùa mưa
Với phương châm phòng là chính, những năm gần đây, bên cạnh tiêm phòng vắc-xin đầy đủ, người chăn nuôi còn biết trồng cỏ, dự trữ thức ăn cho bò. Bà Nguyễn Thị Hương, thôn 4, xã Krông Buk cho biết, cặp bò là tài sản lớn nhất của gia đình nên bà trồng thêm cỏ VA 06, ngô, lúa… để bổ sung thức ăn, làm chất độn cho bò vào mùa mưa. Hiện tại, sau mỗi buổi chăn dắt, bà lại cắt thêm cỏ, trộm cám gạo, ngô cho bò ăn. Tương tự, bà Amí Lý, buôn Tara, xã Hòa Đông cho hay, gia đình đã nuôi bò 4 năm nay. Khi mới nuôi, cán bộ thú y xã đã tới tận nhà để hướng dẫn làm chuồng, kỹ thuật nuôi bò vỗ béo, sinh sản và cách phòng chống các dịch, bệnh lở mồm long móng, sẩy thai ở bò mẹ, còi cọc ở bê con... Hằng năm, đàn bò đều được tiêm phòng vắc-xin miễn phí 2 lần/năm nên gia đình rất yên tâm. Còn bà Lê Thị Phượng, thôn Hòa Thành, xã Hòa Đông cho hay, gia đình có truyền thống nuôi heo hơn 10 năm nay, mỗi lứa bà nuôi trên 30 con nên việc tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại luôn được chú trọng. Theo đó, mỗi ngày bà xịt chuồng 3 lần (sáng, trưa, tối), toàn bộ chất thải chảy thẳng xuống hầm biogas gần đó nên chuồng trại gần như không xuất hiện côn trùng gây hại. Bên cạnh thức ăn tổng hợp mua tại các đại lý thì gia đình còn duy trì nghề nấu rượu để tận dụng hèm, trồng thêm rau khoai lang để bổ sung thức ăn xanh, giúp đàn heo phát triển tốt, bình quân mỗi năm thu về gần 300 triệu đồng.
Đàn heo của gia đình bà Lê Thị Phượng, thôn Hòa Thành luôn được vệ sinh thường xuyên. |
Ông Phạm Văn Hà, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh xã Hòa Đông cho biết, hằng năm, căn cứ vào kế hoạch phòng chống dịch bệnh của huyện mà xã triển khai xây dựng kế hoạch phòng chống cụ thể trên địa bàn, vận động bà con thực hiện 5 không (không giấu dịch; không mua bán, tiêu thụ GSGC mắc bệnh, không thả rông, không tự vận chuyển GSGC mắc bệnh ra khỏi vùng dịch; không vứt xác gia súc bừa bãi), khuyến cáo bà con vệ sinh chuồng trại thường xuyên để phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng vắc-xin cho vật nuôi…
Theo thống kê của Phòng NN – PTNT huyện, tính đến thời điểm này, toàn huyện có khoảng 4.300 con trâu, gần 24.200 con bò, 157.500 con heo và 1.408.000 con gia cầm. Để công tác phòng chống dịch bệnh hiệu quả, ngay từ đầu năm, huyện đã xây dựng các kế hoạch phòng chống dịch bệnh chung cho các loại vật nuôi và cụ thể cho từng loại dịch bệnh (LMLM, cúm gia cầm H5N1, H5N9). Trạm Thú y huyện tổ chức tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh tại hộ gia đình, chỉ đạo ban chăn nuôi – thú y xã tổ chức phun tiêu độc khử trùng tại địa phương, đặc biệt là các ổ dịch cũ, vùng có nguy cơ xảy ra dịch bệnh với 650 lít thuốc (144 lít HanIodine, 506 lít Benkocid) nhằm ngăn ngừa mầm bệnh tái phát, phát tán dịch bệnh. Đến thời điểm hiện tại, huyện đã tiến hành tiêm phòng được 20.000 liều dịch tả heo, 3.450 liều dại chó, 20.150 liều LMLM, 20.000 liều vắc-xin kép phòng bệnh tụ huyết trùng, phó thương hàn trên heo, đạt 100 % kế hoạch đề ra.
Ông Y Niễm Êban, Phó Trưởng phòng NN – PTNT huyện cho biết, với phương châm phòng bệnh từ cơ sở, bên cạnh việc thanh, kiểm tra thường xuyên, huyện còn trực tiếp giao nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh cho từng địa phương. Theo đó, các xã gắn quyền, trách nhiệm giám sát tình hình dịch bệnh cho từng trưởng thôn, buôn, tổ dân phố để kịp thời nắm bắt, đưa ra biện pháp xử lý kịp thời khi xuất hiện dịch bệnh. Với mức độ nhỏ, chưa công bố thì thực hiện đồng bộ các biện pháp dập dịch: thành lập hội đồng tiêu hủy cấp xã, hỗ trợ cho người chăn nuôi có gia súc bị tiêu hủy… Khi xảy ra trên diện rộng thì công bố dịch theo quy định, cách ly GSGC mắc bệnh, tiêu hủy GSGC thuộc diện tiêu hủy, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực xung quanh, lập các chốt kiểm soát dịch bệnh túc trực 24/24 giờ, có biển báo, hướng dẫn giao thông…
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc