Multimedia Đọc Báo in

Tháo gỡ "nút thắt" cho tái canh cà phê

10:04, 27/07/2015

Đắk Lắk vốn nổi tiếng là vùng sản xuất cà phê robusta hàng đầu thế giới, với diện tích 203.000 ha, sản lượng hằng năm ước đạt 462.000 tấn. Tuy nhiên, diện tích cà phê già cỗi ngày càng tăng, trong khi đó việc tái canh cà phê lại gặp quá nhiều khó khăn về vốn, khiến loại nông sản này đứng trước nguy cơ sụt giảm mạnh về sản lượng, chất lượng trong tương lai.

Vay vốn tái canh... không dễ!

Theo kế hoạch tái canh của UBND tỉnh, từ năm 2013 – 2020 Đắk Lắk phấn đấu tái canh 27.775 ha cà phê già cỗi, bình quân mỗi năm có khoảng 4.000 ha cần tái canh nhưng năm 2013 mới chỉ tái canh được 3.643 ha, năm 2014 là 3.118 ha và hiện tại, việc tái canh cà phê lại càng khó khăn hơn khi giá cà phê thường xuyên ở dưới mốc 40.000 đồng/kg. Ông Phạm Thanh Hải, Chủ tịch Hội nông dân phường Đoàn Kết, thị xã Buôn Hồ cho biết, năm 2010, toàn phường có trên 1.300 ha cà phê nhưng đến nay chỉ còn khoảng 1.000 ha và có nguy cơ sụt giảm trong tương lai khi cà phê già cỗi ngày càng tăng... Có một thực tế là chi phí tái canh cà phê quá lớn (mỗi héc-ta khoảng 200 triệu đồng) trong khi người dân lại thiếu vốn sản xuất, không tiếp cận được vốn tái canh, khiến việc tái canh lại càng khó khăn hơn. Ông Lê Dung, buôn Sút Mrư, xã Cư Suê (huyện Cư M’gar) cho biết, gia đình ông có 1 ha cà phê gần 30 năm tuổi, năng suất bình quân mỗi năm chỉ đạt 1 tấn/ha. Ông dự định tái canh năm 2014 nhưng thiếu vốn nên chỉ nhổ bỏ được 3 sào để trồng ngô, diện tích cà phê còn lại đang được trồng xen các loại hoa màu khác để hạn chế cỏ dại, có thêm thu nhập. Tương tự, ông Nguyễn Anh Tình, thôn 1, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột có 3,5 sào cà phê dự định tái canh cho biết, sau khi tham gia lớp tập huấn tái canh cà phê (năm 2012), ông đã nhổ bỏ toàn bộ cà phê già cỗi trong vườn và tiến hành trồng luân canh đậu, bắp (theo quy trình tái canh của Bộ NN & PTNT) để mong tiếp cận được nguồn vốn vay tái canh từ ngân hàng. Tuy nhiên, khi thực hiện thủ tục vay vốn theo hình thức tín chấp thì phía ngân hàng lại yêu cầu chuyển sang vay thế chấp nên ông không vay được vốn. Còn ông Cao Như Trường, thôn 2, xã Ea Tu cho hay, sau khi nhổ bỏ 2 sào cà phê, ông cũng tiến hành luân canh các loại hoa màu trong 5 năm (theo quy trình là 2 – 3 năm) để chờ... vay vốn. Nhưng khi làm thủ tục vay vốn theo chương trình tái canh thì phía ngân hàng lại yêu cầu thế chấp tài sản, trong khi đó, sổ đỏ đã được gia đình thế chấp vay vốn để sản xuất trước đó nên hiện tại ông phải vay người thân để trồng lại.

Không có vốn tái canh nên gia đình ông Lê Dung, buôn Sút Mrư (xã Cư Suê,  huyện Cư M’gar) tự chuyển đổi dần 1 ha cà phê già cỗi sang trồng hoa màu.
Không có vốn tái canh nên gia đình ông Lê Dung, buôn Sút Mrư (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) tự chuyển đổi dần 1 ha cà phê già cỗi sang trồng hoa màu.

Bà Dương Thị Côi, cán bộ khuyến nông xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột cho biết, toàn xã có hơn 1.400 ha cà phê, trong đó, diện tích già cỗi là 500 ha nhưng đến nay địa phương mới chỉ tái canh được gần 200 ha từ nguồn hỗ trợ giống tái canh hằng năm. Cùng với các chương trình khuyến nông, một số bà con đã cưa đốn, ghép cải tạo vườn cây nhưng chỉ được một thời gian cây lại bị thoái hóa... cần phải nhổ bỏ, trồng mới. Vay vốn tái canh cà phê luôn là vấn đề được đề cập tại các cuộc họp, tiếp xúc cử tri tại địa phương, UBND xã đã 2 lần mời cán bộ ngân hàng NN – PTNT về kiểm tra thực địa, trực tiếp trao đổi với bà con nhưng vẫn không giải quyết được bởi phía ngân hàng yêu cầu vay thế chấp. Thực tế, nếu vay vốn cần phải thế chấp tài sản thì chương trình vay vốn tái canh cà phê không có ý nghĩa.

Cần có quy chế hỗ trợ vốn tái canh

Dự án đầu tư cấp tín dụng tái canh cà phê là dự án trung, dài hạn, có thời gian cho vay tối đa là 8 năm đối với trồng mới và 4 năm đối với ghép cải tạo giống và việc giải ngân tín dụng được thực hiện theo tiến độ của dự án. Tuy nhiên, thực tế hầu hết người dân có nhu cầu vay vốn tái canh cà phê đều yêu cầu giải ngân hết số tiền vay của dự án trong một lần bởi gánh nặng tái canh tập trung vào công đoạn nhổ bỏ vườn cây. Điều này lại không bảo đảm theo quy định về cấp tín dụng theo tiến độ thực hiện dự án, ngân hàng cũng không kiểm tra được mục đích sử dụng vốn vay để tái canh cà phê nên rất khó thực hiện. Ông Hoàng Văn Thái, Phó Trưởng phòng kinh tế UBND thị xã Buôn Hồ cho hay, đa số bà con nông dân đã sử dụng giấy tờ đất để thế chấp vay vốn sản xuất trước đó nên việc thế chấp theo yêu cầu của phía ngân hàng để vay tái canh dường như không thể thực hiện. Chưa kể, diện tích cà phê tái canh thường nhỏ lẻ, không đủ mức để truy cứu hình sự với trường hợp sử dụng vốn không đúng mục đích nên không có sự ràng buộc về pháp luật khi cho vay vốn. Mặt khác, theo quy định tại công văn số 3227/NHNN-TD ngày 11-5-2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc hướng dẫn cho vay tái canh cà phê tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên thì Ngân hàng NN & PTNT Việt Nam thực hiện cho vay tái canh tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk; mức cho vay do khách hàng và ngân hàng thỏa thuận nhưng tối đa là 150 triệu đồng/ha đối với phương pháp trồng tái canh và 80 triệu đồng/ha đối với phương pháp ghép cải tạo; điều kiện vay vốn là các tổ chức, cá nhân có tên trong danh sách thực hiện tái canh cà phê trên địa bàn được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với đề án tái canh cà phê tại các tỉnh vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014 – 2020 và phải có giấy đề nghị vay vốn đính kèm phương án vay vốn được ngân hàng thẩm định, quyết định cho vay theo quy định… Phía ngân hàng cũng yêu cầu Phòng kinh tế xác định đối tượng cho vay tái canh trước ngày 30 – 6 nhưng lại không nêu rõ là thống kê đó dựa theo danh sách của các xã, phường đưa lên hay do phòng tự thẩm định, thống kê. Bản thân Phòng kinh tế cũng không có đủ nhân lực để đến từng địa phương thẩm định diện tích cà phê cần tái canh, do vậy, để nguồn vốn thực sự đến tay người dân thì UBND tỉnh cần đưa ra quy chế tái canh cụ thể, ràng buộc các bên liên quan từ cấp tỉnh xuống cơ sở để các cấp ngành bám sát thực hiện.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.