Hướng đến mục tiêu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
Cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột 16 km về phía Bắc, huyện Cư M’gar có tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC). Những năm qua, địa phương đã nỗ lực đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho các hộ gia đình.
Từ những nền tảng bước đầu
Với tổng diện tích hơn 36.000 ha (chiếm 18% diện tích toàn tỉnh), cà phê là một trong những loại cây trồng chủ lực của huyện. Nhằm nâng cao chất lượng cà phê, những năm qua địa phương đã đứng ra kết nối giữa người dân với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê trên địa bàn như Công ty TNHH cà phê Đắk Man, Công ty TNHH Armajaro, Công ty CP cà phê Trung Nguyên … để sản xuất cà phê có thông tin chứng nhận UTZ, 4C, FLO, RFA… Theo đó, toàn huyện có hơn 9.000 hộ tham gia sản xuất cà phê có thông tin chứng nhận với tổng diện tích hơn 15.000 ha, sản lượng đăng ký hằng năm ước đạt 40.000 tấn (chiếm 37% sản lượng toàn huyện). Ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX NN DV Công Bằng Ea Kiết phấn khởi, toàn HTX hiện có 97 thành viên với 183,3 ha cà phê đạt chứng nhận FLO, sản lượng hằng năm ước đạt 722,2 tấn. Sau hàng chục năm trồng và chăm sóc, đến nay các thành viên đã trở thành những chuyên gia về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cà phê. Toàn bộ sản lượng cà phê của HTX được thu hái và chế biến theo công nghệ chế biến ướt nên chất lượng luôn bảo đảm, bà con được hưởng giá chênh lệch 2.000 – 3.000 đồng/kg so với cà phê thường. Tương tự, tại HTX NNDV Toàn Thịnh (thị trấn Ea Pốk) trồng rau an toàn để không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn được xuất bán ra tỉnh bạn thông qua hệ thống siêu thị nên giá cả thường cao hơn ngoài thị trường từ 1.000 – 3.000 đồng/kg tùy loại. Đến nay, HTX đã có 42 hộ tham gia trồng 13 ha rau các loại theo tiêu chuẩn VietGAP, trước khi xuất ra thị trường đều được xử lý qua máy sục Ozon nên chất lượng luôn được bảo đảm và ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng.
Cán bộ Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Pốk chăm sóc đàn bò của Công ty. Ảnh: H.G |
Không chỉ trồng trọt, những năm qua huyện Cư M’gar còn mở rộng thêm các mô hình chăn nuôi mới như nuôi heo bằng công nghệ đệm lót sinh học, nuôi gà Mông, gà thả vườn, bò thịt… Đặc biệt, địa phương là một trong những đơn vị đầu tiên trong tỉnh nuôi thành công bò sữa tại Công ty TNHH MTV cà phê Ea Pốk. Cùng với hơn 500 con bò thịt, bình quân mỗi năm công ty thu về gần 4 tỷ đồng lợi nhuận.
Còn nhiều việc phải làm
Thực tế các mô hình sản xuất NNCNC tại huyện Cư M’gar vẫn còn mang tính tự phát, thí điểm, bản thân nó tồn tại nhiều bất cập từ khâu quản lý cũng như tiếp cận thị trường của sản phẩm. Bà Đinh Thị Lý, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX NNDV Toàn Thịnh cho biết, theo lý lẽ thị trường thì gia đình nào cũng cần rau an toàn; thế nhưng vựa rau của HTX xuất bình quân mỗi ngày khoảng 2 tấn vẫn khó bán, bởi con đường tiếp cận từ người sản xuất tới người tiêu dùng vẫn nhiều trắc trở. Chưa kể, sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật với 4 nội dung và 68 chỉ tiêu nên chi phí đầu vào cũng khá cao so với rau bình thường khiến người sản xuất lời lãi chẳng được là bao. Tương tự, mô hình chăn nuôi bò sữa của Công ty TNHH MTV cà phê Ea Pốk năng suất sữa thu được mới chỉ đạt bình quân 10 – 15 lít sữa/con/ngày (năng suất dự kiến 25 lít/con/ngày). Ông Trần Cư, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chia sẻ, khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương rất thích hợp cho chăn nuôi bò sữa, nhưng công đoạn sau chăn nuôi là phải phát triển dây chuyền chế biến sữa đòi hỏi kinh phí đầu tư rất lớn kèm theo kỹ thuật chế biến, bảo quản, kiểm định chất lượng tương đương. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục duy trì, theo dõi sự sinh trưởng của đàn bò làm căn cứ để phát triển chăn nuôi, chế biến sữa trong tương lai.
Ông Phạm Quang Mười, Trưởng phòng NN – PTNT huyện phân tích, quỹ đất của địa phương gần như đã sử dụng hết nên muốn phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân thì ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất là tất yếu. Sở KHCN đã tiến hành khảo sát, xây dựng trung tâm thực nghiệm chuyển giao khoa học kỹ thuật tại xã Ea Kpam, tạo nền tảng bước đầu cho nền NNCNC tại địa phương. Tuy nhiên, sản xuất NNCNC đòi hỏi công nghệ hiện đại, vốn lớn nên địa phương khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mở mới, mở rộng các mô hình sản xuất hiệu quả…, cùng với đẩy mạnh liên kết bốn nhà, trong đó Nhà nước nắm vai trò chủ đạo nhằm hướng đến sự thành công của mục tiêu sản xuất NNCNC tại huyện nhà.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc