Liên kết, hợp tác - xu thế tất yếu để phát triển du lịch
Du lịch với tính chất là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng; sự phát triển du lịch không chỉ nằm trong phạm vi một địa phương mà luôn phải vươn ra khỏi phạm vi địa giới hành chính..., do vậy để đạt mục tiêu đưa ngành “công nghiệp không khói” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh thì việc liên kết, hợp tác là một trong những giải pháp thiết thực, hiệu quả và là xu thế phát triển tất yếu.
Du lịch với tính chất là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng; sự phát triển du lịch không chỉ nằm trong phạm vi một địa phương mà luôn phải vươn ra khỏi phạm vi địa giới hành chính..., do vậy để đạt mục tiêu đưa ngành “công nghiệp không khói” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh thì việc liên kết, hợp tác là một trong những giải pháp thiết thực, hiệu quả và là xu thế phát triển tất yếu.
Khu du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Kô Tam – một trong những điểm đến hấp dẫn |
Trong những năm qua, Đắk Lắk đã thực hiện liên kết phát triển du lịch với nhiều địa phương thông qua các hoạt động phong phú, đa dạng như: phối hợp quảng bá, xúc tiến du lịch giữa các tỉnh thành; hỗ trợ kết nối các chương trình, tuyến, điểm tham quan du lịch giữa Đắk Lắk với các tỉnh, thành phố trên toàn quốc; phối hợp với TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đà Nẵng... tổ chức các lớp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Việc gắn kết để đưa khách du lịch theo đường bộ qua các nước trong vùng tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia đã được khảo sát và triển khai thực hiện...
Hầu hết các đơn vị, công ty kinh doanh trong lĩnh vực du lịch đã nhận thức rõ liên kết, hợp tác là hoạt động quan trọng, cần thiết đối với đơn vị mình nên đã chủ động đẩy mạnh các hoạt động liên kết hợp tác kinh doanh. Các doanh nghiệp du lịch Đắk Lắk đã ký kết hợp tác với một số công ty du lịch các tỉnh đưa khách đến các địa phương và ngược lại; đặc biệt các doanh nghiệp của tỉnh Khánh Hòa đã liên kết, hợp tác khi đưa khách du lịch Nga, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... đến với Đắk Lắk, qua đó du khách và các nhà đầu tư biết đến tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh. Một số công ty đã có sự liên kết với nhiều đối tác trong và ngoài tỉnh để bảo đảm nguồn khách được ổn định, phục vụ khách kịp thời và chu đáo hơn; thường xuyên tạo điều kiện cho cán bộ công nhân viên đi du lịch, tham quan học hỏi kinh nghiệm các đơn vị lớn tại TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Phú Yên, Đà Nẵng... Có đơn vị đã thực hiện khảo sát tại các tỉnh, thành để bổ sung các điểm du lịch làm phong phú thêm các chặng, tuyến du lịch; tổ chức đón tiếp tốt các đoàn famtrip (hình thức du lịch tìm hiểu, làm quen, tiếp thị) của cả nước khi có nhu cầu tham quan, tìm kiếm sản phẩm tại Đắk Lắk. Nhiều công ty đã tạo dựng được mối quan hệ, hợp tác bền vững với các hãng lữ hành truyền thống khu vực phía Nam như Saigontourist, Vidotour, Exotissimo, Asian Trails... Gần đây một số đơn vị còn đẩy mạnh, mở rộng hợp tác với các hãng, công ty khu vực miền Trung và đặc biệt khu vực phía Bắc khi có thêm nhiều chuyến bay trực tiếp đến Buôn Ma Thuột được khai thác và nhu cầu tham quan khám phá Tây Nguyên của du khách phía Bắc đang ngày một tăng lên...
Cưỡi voi thưởng ngoạn phong cảnh - sản phẩm du lịch đặc trưng của Đắk Lắk. |
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một số kết quả bước đầu của những nỗ lực trong việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch. Theo đánh giá của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh trong đợt giám sát về phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2012-2015, việc hợp tác, liên kết du lịch của Đắk Lắk với các tỉnh, thành trong cả nước vẫn còn đang ở tình trạng manh nha, thiếu chặt chẽ, còn mang tính hình thức, chưa đạt hiệu quả cao, chưa phát huy hết lợi thế tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh...
Thực tế cho thấy, hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác, du lịch rất cần liên kết, hợp tác nhằm khai thác những lợi thế tương đối của từng đối tác về tài nguyên du lịch, về vị trí trong giao thương, về hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và các nguồn lực khác cho phát triển du lịch. Việc đẩy mạnh liên kết, hợp tác sẽ giúp khai thác những thế mạnh, hạn chế được sự trùng lặp sản phẩm và dịch vụ, tránh tạo cảm giác nhàm chán cho du khách, giảm chi phí xúc tiến, quảng bá; qua đó thúc đẩy phát triển du lịch liên vùng, tạo mối liên kết trong việc xây dựng tour, tuyến thu hút khách du lịch...
Về vấn đề này, ông Võ Quang Tuyên, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh cho rằng: Việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch phụ thuộc rất lớn vào vai trò quản lý Nhà nước về du lịch. Vai trò này thể hiện qua công tác quy hoạch, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực du lịch. Bên cạnh đó các đơn vị, tổ chức kinh doanh du lịch cũng cần chủ động bắt tay hợp tác với nhau trong việc xây dựng và phát triển sản phẩm mới; có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với các công ty du lịch, các điểm du lịch, các hãng lữ hành... để sản phẩm khi đưa ra phục vụ du khách bảo đảm chất lượng, hấp dẫn, đa dạng mà không trùng lặp; xây dựng sản phẩm du lịch Đắk Lắk có thương hiệu, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc