Nan giải tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện
Vi phạm hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ) trên địa bàn tỉnh hiện đã đến mức báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt, thậm chí là tính mạng con người. Tuy nhiên việc xử lý tình trạng này vẫn đang là “bài toán” nan giải.
Vi phạm tràn lan
Công ty Điện lực Đắk Lắk (PC Đắk Lắk) đang quản lý vận hành 286,6 km đường dây trung thế 35kV, trên 3.588 km đường dây trung thế 22 kV và 4.127 km đường dây hạ thế. Đáng chú ý là khá nhiều đoạn đường dây cao áp thuộc quản lý của Công ty đi qua các khu vực rừng đặc dụng như vườn Quốc gia, rừng phòng hộ, các nông trường cao su… nên số lượng cây trong và liền kề HLATLĐ của Công ty là rất lớn. Đơn cử như tại Điện lực Cư M’gar, chỉ tính riêng khu vực vườn cây cao su của Nông trường cao su Cư M’gar, đã có đến trên 4km đường dây trung áp đi dưới tán cây (đường dây 474 CMG). Theo Phó Giám đốc Điện lực Cư M’gar Lê Hoàng Thái, hầu hết các đường dây trung áp do đơn vị quản lý đi qua các vườn cao su đều đang lâm vào tình trạng trên, khi gặp gió lớn cây có thể đổ phần ngọn và cành vào hệ thống lưới điện dẫn đến sự cố. Hằng năm, đặc biệt là vào mùa mưa dù đơn vị đã kiểm tra và chặt tỉa cành cây vi phạm HLATLĐ thường xuyên, nhưng tình trạng cây cao su đe dọa đến HLATLĐ vẫn liên tục diễn ra và có thể xảy ra sự cố về điện bất cứ lúc nào, bởi cây cao su rất dễ đổ khi có gió mạnh, mưa bão. Hơn nữa, cây cao su có giá trị kinh tế cao nên nhiều hộ gia đình chỉ cho chặt tỉa cành, nhánh nhỏ, riêng phần ngọn cây, người dân kiên quyết không cho chặt tỉa vì sợ mất sản lượng mủ hoặc cho chặt tỉa nhưng đòi bồi thường mà ngành điện không thể có kinh phí. Trong khi đó, theo quy định, muốn bảo đảm an toàn thì những loại cây cao trên 4m, có giá trị kinh tế lâu dài phải bảo đảm khoảng cách tối thiểu 0,7m khi cây đổ hướng vào đường điện. Muốn vậy, các vườn cao su hiện có công trình điện đi qua phải chặt ít nhất 3 hàng cây để bảo đảm HLATLĐ. Theo báo cáo của PC Đắk Lắk, trong số 72 vụ vi phạm HLATLĐ gần đây nhất có đến 62 vụ liên quan đến cây, cành cây trong HLATLĐ ngã, đổ, gác lên đường dây.
Đường dây điện đi qua khu vực vườn cây cao su của Nông trường Cao su Cư M’gar. |
Bên cạnh đường dây đi qua các khu vực rừng đặc dụng không bảo đảm HLATLĐ, toàn tỉnh còn có 195 trường hợp nhà cửa và công trình vi phạm HLATLĐ cao áp theo quy định của Nghị định số 14/2014/NĐ-CP, do dựng bảng quảng cáo, cơi nới, xây dựng công trình không bảo đảm khoảng cách an toàn…
Cần sự vào cuộc từ nhiều phía
Theo Phó trưởng Phòng kỹ thuật – An toàn PC Đắk Lắk Nguyễn Văn Sỹ, nguyên nhân chính dẫn đến vi phạm HLATLĐ trên địa bàn hầu hết là do lịch sử để lại. Trước đây, khi tiến hành đầu tư xây dựng công trình điện, chủ đầu tư chỉ thống kê, đền bù đất ở các vị trí móng cột, nhà ở, công trình trong hành lang phải tháo dỡ, di dời, còn lại phần diện tích hành lang tuyến, các công trình, nhà ở đủ điều kiện tồn tại trong hành lang thì không được bồi thường. Do đó, người dân vẫn tiếp tục xây mới, cơi nới nhà ở, công trình và trồng cây dưới hành lang tuyến đường dây, dẫn đến vi phạm. Bên cạnh đó, một vấn đề mang tính lịch sử nữa là các địa phương tùy tiện cấp đất, giao đất cho các hộ dân vi phạm HLATLĐ nên khi làm nhà, đặc biệt là trồng cây, sẽ dẫn đến vi phạm và gây ra sự cố. Trong khi đó, với chức năng của mình, ngành Điện chỉ dừng lại ở mức độ phát hiện, thông báo hành vi đến người vi phạm và địa phương chứ không thể xử phạt được. Còn nhiều địa phương và các ngành liên quan xem việc xử lý vi phạm HLATLĐ là việc của ngành Điện. Thực tế ghi nhận đến nay chỉ duy nhất một vụ việc được xử lý triệt để là vụ hộ ông Nguyễn Quang Vinh (thôn 15, xã Pơng Đrang, huyện Krông Búk) bị UBND huyện Krông Búk xử phạt 7 triệu đồng do lỗi vi phạm khoảng cách an toàn đường dây 22kV thuộc ĐD476E47. Còn tất cả các vụ vi phạm gần đây đều chưa thể xử lý được do không có sự quan tâm đúng mức của địa phương. Cụ thể, vào tháng 6-2015, Điện lực Cư M’gar đã ra thông báo lần 2 đối với vi phạm HLATLĐ (bảng quảng cáo chỉ cách dây điện 30cm) của Trung tâm ngoại ngữ - tin học Tâm Thành (thị trấn Quảng Phú), nhưng chủ cơ sở vẫn chưa tháo dỡ, còn UBND huyện cũng không có động thái xử lý nào. Bên cạnh đó, có một thực tế đáng ngại nữa là nhận thức của người dân về HLATLĐ còn rất hạn chế hoặc vì lý do nào đó họ bất chấp nguy hiểm khi vi phạm. Là một trong những “điểm đen” của danh sách 195 trường hợp nhà cửa và công trình vi phạm HLATLĐ, ông Vương Đình Sâm (thôn 1, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) cho rằng, vẫn biết khi vi phạm sẽ rất nguy hiểm, nhưng vì sinh kế nên phải chấp nhận(!).
Một trường hợp điển hình vi phạm hành lang an toàn lưới điện tại huyện Cư Kuin. |
Có thể nói, mặc dù ngành Điện đã có nhiều nỗ lực ngăn chặn, xử lý nhưng vi phạm về HLATLĐ vẫn liên tục xảy ra. Nguyên nhân là do người dân thì thiếu ý thức, còn chính quyền địa phương và ngành chức năng thì chưa mạnh tay xử lý những vi phạm về HLATLĐ. Do vậy, để bảo vệ HLATLĐ, ngoài nỗ lực của ngành Điện, cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp và ngành chức năng liên quan.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc