Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng nông thôn mới: Gian nan hành trình về đích

08:56, 02/08/2015

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thời gian qua Đắk Lắk đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện các nội dung và đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng; tuy nhiên để hoàn thành chỉ tiêu đề ra vẫn còn nhiều cái khó...

Mới chủ yếu tập trung  xây dựng cơ sở hạ tầng

Triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong thời gian qua tỉnh Đắk Lắk đã đạt được một số kết quả cụ thể như: thành lập đủ và thường xuyên kiện toàn bộ máy tổ chức vận hành chương trình từ tỉnh đến xã, công tác tuyên truyền được chú trọng; đã hoàn thành công tác lập đồ án Quy hoạch chung, Đề án nông thôn mới các cấp; hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; xây dựng các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới ngày càng được nhân dân hưởng ứng và thực hiện, vai trò chủ thể của người dân được phát huy, tiêu chí đạt chuẩn của các xã tăng khá qua các năm… Đến nay, toàn tỉnh có 5 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới; đạt 1.495 tiêu chí/2.888 tiêu chí, bằng 51,8%; bình quân toàn tỉnh đạt 9,84 tiêu chí/xã (có 16 xã đạt 15-18 tiêu chí; 57 xã đạt 10-14 tiêu chí, 67 xã đạt 5-9 tiêu chí; 7 xã đạt 3-4 tiêu chí).

Người dân làm đường giao thông nông thôn tại xã Ea Tur (TP. Buôn Ma Thuột).   Ảnh: Hoàng Gia
Người dân làm đường giao thông nông thôn tại xã Ea Tur (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Hoàng Gia

Tuy nhiên, so với chỉ tiêu của Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra thì kết quả vẫn còn thấp. Với 5 xã đạt tiêu chí nông thôn mới như hiện tại và thậm chí nếu như theo dự kiến đến cuối năm 2015 có 12/152 xã đạt tiêu chí nông thôn mới thì tiến độ cũng đạt rất thấp so với kế hoạch đặt ra cho giai đoạn 2011-2015 (đạt 8% so với tỷ lệ 20-25% kế hoạch). Mặt khác, kết quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới chủ yếu chỉ mới tập trung cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, còn các nội dung về phát triển sản xuất như cơ cấu các cây trồng, vật nuôi, quy hoạch của vùng sản xuất, nâng cao thu nhập, phát triển văn hóa, cải thiện môi trường... chưa được quan tâm chỉ đạo và đầu tư đúng mức nên chuyển biến chưa rõ nét; chưa có chính sách hỗ trợ cho các xã khó khăn, có điểm xuất phát thấp của tỉnh. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để phát triển sản xuất nông nghiệp thành hàng hóa chuyển biến còn chậm, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kinh tế hợp tác và hợp tác xã nông nghiệp được duy trì phát triển nhưng hiệu quả chưa cao. Công tác đào tạo nghề cho nông dân, lao động còn hạn chế. Nguồn kinh phí thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới từ ngân sách địa phương chưa tương xứng với mục tiêu, nội dung của chương trình đề ra, chưa tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng nông thôn mới. Việc huy động nguồn lực từ các nguồn ngoài ngân sách, nhất là từ doanh nghiệp, tín dụng gặp khó khăn; cơ chế quản lý đầu tư, giải ngân và thanh quyết toán còn nhiều bất cập và vướng mắc chưa được tháo gỡ kịp thời...

Gặp khó về bài toán nguồn vốn

Theo đánh giá của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh tại Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh khóa VIII vừa qua, nguồn kinh phí thực hiện chương trình nông thôn mới chủ yếu là từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, còn nguồn ngân sách địa phương đầu tư cho chương trình này vẫn còn hạn chế. Bởi căn cứ Nghị quyết số 50/2012/NQ-HĐND, ngày 6-7-2012 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và quản lý đầu tư xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2012-2015, thì hằng năm ngân sách tỉnh phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung cho chương trình nông thôn mới là 30 tỷ đồng/năm: Trong kế hoạch năm 2014, ngân sách tỉnh bố trí cho chương trình này 12 tỷ đồng, năm 2015 là 20 tỷ đồng - vẫn thấp so với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Như vậy, nguyên nhân không đạt được mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2011-2015 là đặt ra chỉ tiêu từ 20-25% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới nhưng nguồn lực để đạt được mục tiêu này chưa được cân đối bố trí bảo đảm kể cả các nguồn vốn, đặc biệt còn phụ thuộc rất nhiều về nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Người dân làm đường giao thông nông thôn tại xã Hòa Đông (huyện Krông Pắc).  Ảnh: Hoàng Gia
Người dân làm đường giao thông nông thôn tại xã Hòa Đông (huyện Krông Pắc). Ảnh: Hoàng Gia

Giải trình về việc dự kiến đến cuối năm 2015 không đạt chỉ tiêu số xã đạt tiêu chí nông thôn mới như kế hoạch đề ra, UBND tỉnh cho rằng: Nguyên nhân không đạt chỉ tiêu 20% số xã (tương đương với 31 xã) về đích là do chỉ tiêu Trung ương giao cho địa phương quá cao (kể cả các địa phương khác trong cả nước cũng không hoàn thành chỉ tiêu này) và chỉ tiêu đặt ra không tương xứng với khả năng cân đối nguồn lực cả ở Trung ương và địa phương. Cụ thể: Cả giai đoạn 2011-2015, Trung ương mới hỗ trợ trực tiếp cho chương trình này của tỉnh được 203,048 tỷ đồng. Trong khi đó nhu cầu vốn bình quân theo Đề án được phê duyệt là khoảng 300 tỷ đồng/xã. Mặt khác, tỉnh còn nghèo, ngân sách hết sức khó khăn và phụ thuộc vào cân đối của ngân sách Trung ương. Trong vài năm trở lại đây, ngân sách tỉnh phải tập trung giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản nên không cân đối được nguồn vốn để bảo đảm mức bố trí cho chương trình. Theo Nghị quyết số 50/2012/NQ-HĐND tỉnh, ngày 6-7-2012 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và quản lý đầu tư xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2012-2015 thì mỗi năm, ngân sách tỉnh phải dành ít nhất 30 tỷ đồng vốn đầu tư cho chương trình (Nghị quyết được thực hiện từ 2013 nên 3 năm là 90 tỷ đồng) nhưng mới chỉ bố trí được 39,5/90 tỷ đồng, bằng 43,9% kế hoạch (năm 2014 : 17 tỷ đồng; năm 2015 : 22,5 tỷ đồng)...

Để đẩy mạnh và phấn đấu nỗ lực đạt kết quả cao hơn nữa trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Nguyễn Ngọc Những, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh nhận định: Chương trình xây dựng nông thôn mới là chương trình lớn, là sự nghiệp lâu dài của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn. Trong thời gian tới khối lượng công việc cần làm rất nhiều. Vì vậy, cần có kế hoạch cụ thể với sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện từ tỉnh xuống cơ sở; chú trọng thực hiện cơ chế lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia khác; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân để người dân hiểu và xác định rõ nhân dân làm chủ trong việc xây dựng nông thôn mới để có thể huy động được tối đa nguồn lực từ nhân dân...

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc