Multimedia Đọc Báo in

Xử lý tài sản bảo đảm – "Quả bóng" không ai muốn nhận

09:52, 03/08/2015

Theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến tháng 9 tới các hệ thống ngân hàng và tổ chức tín dụng phải kéo nợ xấu giảm từ 3% trở xuống. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn tỉnh đang ở dưới ngưỡng cho phép nhưng cái khó nhất trong quá trình xử lý nợ xấu là xử lý tài sản bảo đảm vẫn đang hết sức cấp bách.

Mặc dù UBND tỉnh đã có Quyết định 3210/QĐ-UBND, ngày 31-12-2014 về việc phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn, trong đó nhấn mạnh đến sự phối hợp của các cấp, ngành trong xử lý tài sản bảo đảm, thế nhưng khi triển khai thực hiện quyết định trên việc xử lý tài sản bảo đảm lại tựa như "quả bóng" để các bên liên quan "đá qua, đá lại" nên mãi sau 6 tháng triển khai mà dường như kết quả không đạt được như mong đợi. Mới đây, trong hội nghị đánh giá kết quả triển khai quyết định này, vấn đề xử lý tài sản bảo đảm vẫn là đề tài "nóng" nhất và mỗi bên liên quan đều có cái "khó", cái “lý” riêng của mình để không phải nhận "bóng". Chẳng hạn, ngành Ngân hàng đã đưa ra hàng loạt sự vụ, trong đó có nhiều vụ việc kéo dài nhiều năm liền, liên quan đến tài sản bảo đảm cần xử lý nhưng không được vì không nhận được sự hợp tác của ngành Tòa án, Thi hành án. Đến lượt mình, ngành Tòa án khẳng định ngay rằng, tất cả phải làm theo luật. Đối với những sự vụ kéo dài nhiều năm là do ngành Ngân hàng không chịu đến tòa án để được hướng dẫn chi tiết nên hồ sơ mới bị trả đi trả lại nhiều lần. Và đặc biệt là, việc để phát sinh nợ xấu trước hết là do cán bộ ngành Ngân hàng không làm đúng chức năng, chưa hết trách nhiệm và thậm chí là có tiêu cực thì các đối tượng phạm tội mới có cơ hội để làm sai. Vị đại diện ngành Tòa án đã lấy dẫn chứng vụ án “cò Hoa” để chứng minh cho luận điểm của mình. Ngay sau đó đến lượt ngành Thi hành án “đăng đàn” cũng viện dẫn hàng loạt điều luật liên quan để cho rằng ngành mình đã làm hết trách nhiệm, còn tồn tại là do… ngành Ngân hàng. Sau khi nghe các ngành liên quan (có tên, nhiệm vụ trong Quyết định 3210) phát biểu (chủ yếu là trình bày những việc mình đã làm), một cán bộ ngân hàng phải lắc đầu “ngán ngẩm” bởi kết quả thu được của hội nghị gần như là con số không. Thực chất việc tổ chức hội nghị đánh giá trên là để các ngành tìm được tiếng nói chung trong xử lý nợ xấu trên địa bàn tỉnh, nhưng cuối cùng “quả bóng” cũng được đá về “sân” của ngành Ngân hàng. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng để xử lý nợ xấu thì tốt nhất là ngành Ngân hàng… đừng để nợ xấu phát sinh!

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đắk Lắk, nợ xấu (nhóm 3, 4, 5) của các ngân hàng thương mại trên địa bàn là trên 1.242 tỷ đồng, chiếm 2,71% so với tổng dư nợ. Thế nhưng, trong 5 tháng đầu năm, xử lý tài sản bảo đảm qua thi hành án chỉ được 1,1 tỷ đồng. Một kết quả rất thấp mà cũng rất dễ hiểu khi mà “quả bóng” này vẫn đang được đẩy qua đẩy lại.

Quốc Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.