Huyện M'Đrắk: Nỗ lực thu hồi đất rừng bị lấn chiếm
Huyện M’Đrắk đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp thu hồi hàng nghìn héc-ta rừng và đất lâm nghiệp bị người dân lấn chiếm canh tác trái phép để phục hồi lại rừng…
Rừng bị lấn chiếm và tàn phá để lấy đất làm rẫy ở xã Cư San, huyện M’Đrắk. |
Trong những năm qua, các chủ rừng đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý bảo vệ diện tích rừng được giao, nhưng do địa bàn rộng, cuộc sống kinh tế các hộ dân giáp ranh với rừng còn nhiều khó khăn, thiếu đất sản xuất…nên tình trạng khai thác, lấn chiếm đất rừng làm rẫy của người dân vẫn diễn ra khá phức tạp. Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện, toàn huyện có khoảng 1.247ha rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái pháp luật, trong đó, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Đrắk bị phá 200 ha rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm 127ha; Ban quản lý rừng phòng hộ Núi Vọng Phu có 95,4ha rừng bị phá…Trước tình hình đó, từ năm 2012, địa phương đã cho rà soát, thống kê và cưỡng chế thu hồi lại diện tích rừng bị chặt phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái pháp luật để phục hồi lại rừng theo tinh thần Chỉ thị 1685/CT-TTg ngày 27-9-2011 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 03/CT-UBND ngày 16-3-2012 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, xử lý vi phạm về phá rừng… nhưng kết quả mang lại vẫn chưa cao. Ông Lê Văn Ba, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm M’Đrắk chia sẻ: Do năng lực quản lý bảo vệ rừng của một số chủ rừng còn hạn chế nên nhiều diện tích rừng, đất rừng sau khi đoàn liên ngành tiến hành cưỡng chế, xử lý thu hồi xong giao lại cho họ quản lý, trồng lại rừng nhưng chỉ một thời gian sau tiếp tục bị người dân lấn chiếm trở lại.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, mới đây UBND huyện M’Đrắk đã xây dựng phương án xử lý, giải tỏa, thu hồi rừng và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép trên cơ sở yêu cầu lực lượng chức năng và chủ rừng đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để cho người dân biết rõ việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng là vi phạm pháp luật. Đối với những diện tích rừng bị phá trái pháp luật thì tiến hành rà soát, thống kê để xác định đối tượng, hành vi vi phạm làm căn cứ lập hồ sơ xử lý, trường hợp vi phạm không xác định được đối tượng thì lập biên bản thông báo tìm đối tượng, nếu quá thời hạn mà không tìm được thì sẽ ra quyết định thu hồi; đối với đất lâm nghiệp không có rừng thì tiến hành xử lý theo Luật đất đai. Chủ rừng có trách nhiệm thông báo đến các đối tượng vi phạm phải tự tháo dỡ lán trại, nhà tạm, thu hoạch hoa màu … trả lại đất cho mình. Những trường hợp chây ì, trốn tránh thì kiên quyết cưỡng chế theo Nghị định 166/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính. Những diện tích sau khi giải tỏa thu hồi được giao lại cho các chủ rừng và địa phương quản lý; chủ rừng phải xây dựng phương án trồng rừng trên diện tích thu hồi, báo cáo Sở NN-PTNT phê duyệt phương án, giải pháp về cây giống, kỹ thuật, kinh phí trồng rừng; tổ chức lực lượng tuần tra thường xuyên nhằm tránh tình trạng tái lấn chiếm…Đi đôi với các mặt công tác trên, địa phương cũng đề ra phương án lâu dài như chuẩn bị khu vực tạm thời để di dời đến đó các hộ dân chưa có đất nhà ở, đất ở đồng thời có báo cáo với UBND tỉnh quy hoạch, lập dự án bố trí ổn định dân cư phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; tiến hành rà soát, thống kê các đối tượng là người dân tộc thiểu số là hộ nghèo, hộ ở xã, thôn, buôn khó khăn để đưa vào Đề án thực hiện Quyết định 755/QĐ-TTg ngày 20-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho các hộ thuộc diện trên.
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc