Khó khăn trong công tác thu thuế sau thanh tra
Cán bộ thuế huyện Krông Pắc kiểm tra một cơ sở kinh doanh trên địa bàn. |
Cục Thuế tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra 90 trường hợp, trong đó phát hiện nhiều sai phạm của DN trong quá trình kê khai, nộp thuế với số thuế cần phải truy thu là 67,7 tỷ đồng, gồm: truy thu và phạt vi phạm hành chính 17,4 tỷ đồng, giảm lỗ 47,1 tỷ đồng, giảm khấu trừ thuế GTGT trên 3,2 tỷ đồng, nhưng đến nay, các DN chỉ mới nộp được trên 12,6 tỷ đồng. Một cán bộ Phòng thanh tra thuế (Cục Thuế tỉnh) cho biết, theo quy trình, trước khi thanh, kiểm tra, cơ quan thuế tiến hành phân tích, lựa chọn những DN có rủi ro cao để xây dựng kế hoạch thanh tra, tập trung vào một số nội dung chủ yếu như triển khai công tác chống các hành vi vi phạm về hóa đơn thông qua phần mềm ứng dụng “Đối chiếu chéo bảng kê hóa đơn”; thanh tra các DN giao dịch qua ngân hàng có dấu hiệu vi phạm…, qua đó, xác định rõ mục đích các giao dịch, nhận diện một số hình thức hợp pháp hóa đơn, chứng từ thanh toán qua ngân hàng của DN... Để hoạt động thanh, kiểm tra đạt được hiệu quả cao, Cục Thuế tỉnh tập trung thanh, kiểm tra tại trụ sở đối với các DN có địa bàn, phạm vi hoạt động rộng, DN kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có sự biến động lớn về giá; liên tục báo lỗ nhưng vẫn mở rộng đầu tư khai khoáng, vận tải và kinh doanh lĩnh vực mới... Ngoài ra, ngành Thuế cũng tăng cường rà soát, thống kê số hộ kinh doanh quy mô gia đình, cá nhân đưa vào diện quản lý thuế, khảo sát doanh thu của các hộ để xác định mức thuế khoán sát với thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm bảo đảm công bằng, minh bạch trong thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Sau khi có quyết định thanh tra, số tiền truy thu và xử phạt DN vi phạm sẽ được chuyển về các đơn vị trực tiếp quản lý DN đó để tiến hành thu theo hình thức nợ thuế... Về vấn đề này, đại diện một chi cục thuế cho biết, ngành Thuế đã thực hiện nhiều biện pháp đôn đốc sau thanh tra, thực hiện theo đúng quy trình của Quyết định 74 của Tổng cục thuế về đôn đốc thu nợ đọng thuế sau thanh tra, nhưng do hầu hết DN bị thanh tra đều có năng lực tài chính hạn chế, chưa kể, nhiều đơn vị đang bị các cơ quan pháp luật điều tra theo chức năng nên việc đôn đốc thu gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, nhiều DN còn cho rằng, việc phối hợp giữa cơ quan thuế với DN không chặt chẽ, dẫn đến tình trạng sai phạm kéo dài nên khi thanh tra phát hiện sai phạm, ngoài số tiền bị phạt, DN phải chịu mức phí tính lãi theo ngày trong 3 năm, dẫn tới số nợ tăng lên khá cao so với số phải nộp ban đầu cũng gây khó khăn cho DN trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình.
Việc đẩy mạnh thanh, kiểm tra của cơ quan quản lý thuế một phần xuất phát từ chính nhận thức về trách nhiệm và nghĩa vụ chưa đúng của người nộp thuế cũng như có bộ phận DN còn cố tình chây ì, lợi dụng tình hình khó khăn chung của nền kinh tế để chiếm dụng nợ, trốn thuế… Nhưng công bằng mà nói, trong quá trình quản lý, ngành Thuế cũng cần tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ DN thường xuyên hơn về mặt thủ tục, kê khai các khoản nộp sao cho đúng, đủ và kịp thời theo quy định…, được như vậy mới hạn chế sai phạm xảy ra.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc