Lão nông trị thủy
Ai từng đi qua đường Trần Quý Cáp, TP. Buôn Ma Thuột đều tỏ ra thích thú với những vườn cây xanh tốt, trĩu quả bên cạnh 1 hồ rộng đầy nước quanh năm. Thành quả này có đóng góp không nhỏ của một lão nông đã mấy chục năm trời dành tâm huyết cho vùng đất này.
Chúng tôi khá ấn tượng khi gặp ông Nguyễn Văn Giám, Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại và dịch vụ Đoàn Kết (phường Tân Lập – TP. Buôn Ma Thuột), bởi đã ngoài 80 tuổi nhưng ông vẫn đầy phong độ. Rót nước mời khách, ông kể, trước đây, HTX Đoàn Kết (tiền thân của Công ty) liên kết sản xuất cà phê với HTX Kô Sia, Păn Lăm và tổ hợp sản xuất Kom Leo với diện tích hơn 200 ha. Tuy nhiên, diện tích đất sản xuất nằm trên triền đồi 690 có độ dốc lớn, nước tưới khó khăn khiến năng suất, hiệu quả sản xuất không cao. Trong khi đó, phía dưới chân đồi có một vùng trũng rộng 8,4 ha là đất trồng lúa của đồng bào quanh vùng, nhưng cũng chỉ canh tác được 1 vụ/năm, sản lượng bấp bênh. Xác định khu vực này có thể tìm được nước tưới, ông Giám cùng các thành viên trong HTX đã sử dụng toàn bộ khu ruộng trũng này làm hồ thủy lợi. Ông nhớ lại: “Để thuyết phục bà con đổi ruộng cho mình, chúng tôi phải đổi bằng 6 tấn lúa/ha trong vòng 2 năm và 23 chiếc máy bơm công suất 12 CV họ mới chịu”. Đã có được khu đất trũng, vào đầu những năm 1980, ông đã cho máy ủi sâu 2 - 3 m, đất bùn được vun lên thành bờ kiên cố. Hồ nước rộng giúp dự trữ nước nhiều hơn, những vườn cà phê, hoa màu của HTX và người dân khu vực ven hồ có nước tưới thường xuyên, màu xanh đã hiện hữu trên vùng đất cằn. Ghi nhớ công lao người đã tạo nên hồ nước vẫn còn phát huy tác dụng đến hôm nay, người dân quanh vùng gọi hồ thủy lợi này với cái tên gần gũi: “Hồ ông Giám”. Đây không chỉ là công trình thủy lợi quan trọng của TP. Buôn Ma Thuột, hồ ông Giám còn là điểm nhấn của khu vực Đông Nam thành phố, nơi tham quan, giải trí của nhiều người dân địa phương và du khách.
Lão nông Nguyễn Văn Giám và vườn sầu riêng chuẩn bị thu hoạch. |
Năm 2000, phần lớn diện tích cà phê đã hết chu kỳ khai thác và đã già cỗi, năng suất thấp, Ban chủ nhiệm HTX Đoàn Kết đã quyết định trồng xen sầu riêng trong vườn cà phê, khi sầu riêng cho thu hoạch thì phá bỏ cà phê. Tuy nhiên, những vườn sầu riêng trên đồi cao bị thiếu nước, dẫn đến héo lá, chết cục bộ. Để cứu cây trồng bị nắng hạn đe dọa, HTX đã phải thường xuyên tưới nước với tần suất 2 lần/tuần, nhưng vẫn không hiệu quả. Trong khi đó tình trạng khô hạn ngày càng nặng; điều khiến ông Giám lo lắng nhất là hồ dưới chân đồi cũng bắt đầu có hiện tượng cạn nước vào mùa khô do người dân bơm tưới thường xuyên, trong khi khu vực xung quanh không có nguồn nước ngầm và nước suối bổ sung cho hồ. Nhìn những chiếc máy bơm nằm chỏng chơ vì không có nước bơm tưới trong khi vườn sầu riêng khô héo từng ngày, ông không khỏi xót xa. Ông Giám nhìn nhận, muốn sản xuất hiệu quả, phải tạo được nguồn nước tưới ổn định lâu dài, kể cả trong mùa khô, và ông cũng nghiệm ra rằng, nguyên nhân sầu riêng thiếu nước là do đồi cao đất dốc, nước mưa tuột đi hết, muốn vườn cây đủ nước chỉ có cách giữ nước lại trong lòng đồi. Từ suy nghĩ đó, trong những trận mưa lớn, ông cùng các đội trưởng sản xuất xắn quần, dầm mưa, nghiên cứu địa hình và các dòng chảy để tìm cách chặn dòng nước mưa, cho nước thấm vào lòng đồi. Cuối cùng, ông tìm ra giải pháp là đào hố, “bắt đồi ngậm nước” để phục vụ sản xuất. Cụ thể, từ đỉnh đồi và sườn đồi, ông cho đào 100 hố thu nước dung tích gần 20 m3 với khoảng cách 100 mét/hố rải khắp toàn bộ khu vườn 120 ha. Nhờ đó, nước mưa được giữ lại, thấm vào lòng đồi và theo các mạch ngầm cung cấp nước trở lại hồ. Với sáng kiến này, sau khoảng 3 năm, hệ thống phát huy tác dụng rõ rệt là mực nước trong hồ ông Giám luôn ổn định, kể cả trong mùa khô. Hai năm nay, Đắk Lắk khô hạn nặng nhất trong vòng mười năm trở lại đây, nhưng hồ nước có dung tích hơn 300.000 m3 này không bao giờ kiệt nước, hàng trăm ha cây trồng khu vực xung quanh xanh tốt quanh năm. Không những thế, hệ thống giữ nước cũng hạn chế lãng phí nước mưa, khắc phục tình trạng xói mòn, rửa trôi đất, thất thoát phân bón và giúp cây phát triển ổn định, cho trái nhiều, to hơn. Bên cạnh đó, nhờ đất giữ được độ ẩm, công ty còn trồng xen các loại cây ăn quả khác như chuối, bơ… để tăng thu nhập. Dẫn chúng tôi tham quan vườn sầu riêng cơm vàng hạt lép đang mùa thu hoạch, ông Nguyễn Văn Giám chia sẻ: “Nhờ có nguồn nước tưới ổn định, sầu riêng trồng ở đây có quả to, đồng đều, có quả trọng lượng lên đến 7 kg, được tiêu thụ trên thị trường khắp cả nước và xuất sang Campuchia, riêng vụ này, lợi nhuận từ vườn cây đạt khoảng 15 tỷ đồng”.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc