Phát triển vùng biên giới - tầm nhìn đến năm 2020
Vùng biên giới của tỉnh có vai trò đặc biệt về vị trí chiến lược đối với kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Chính vì vậy, trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát huy thế mạnh trong việc khai thác các mối liên hệ vùng, quan hệ kinh tế cửa khẩu nhằm thúc đẩy quá trình phát triển chung của tỉnh, vùng Tây Nguyên và khu vực Tam giác phát triển.
Từ những khó khăn đặc thù...
Nằm về phía Tây của tỉnh Đắk Lắk, huyện Buôn Đôn, Ea Súp có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế. Đây là khu vực có diện tích rừng tự nhiên chiếm tỷ 80% diện tích rừng toàn tỉnh, và là vùng đất giàu truyền thống văn hóa với những giá trị nhân văn cần được bảo tồn, gìn giữ, tôn tạo, để khai thác phát triển du lịch. Tuy nhiên, đây là vùng chậm phát triển, với trình độ nguồn nhân lực còn thấp, là 2 trong 5 huyện nghèo của tỉnh, hạ tầng kỹ thuật còn thiếu và chưa đồng bộ nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Về giao thông đối ngoại, khu vực này có Quốc lộ 14C (là trục dọc phía Tây và hành lang biên giới của tỉnh) đi qua địa bàn huyện Buôn Đôn và Ea Súp, với tổng chiều dài 68,5 km; tỉnh lộ 17 cũng là tuyến giao thông trọng yếu liên kết giữa TP. Buôn Ma Thuột và 2 huyện với chiều dài 67km; tỉnh lộ 16 là đường ra biên giới nối từ xã Cư M’lan đến Quốc lộ 14C dài 42 km đang chuẩn bị được đầu tư nâng cấp… Về giao thông nội vùng, Buôn Đôn có 4 tuyến đường huyện với tổng chiều dài 30 km, 7 tuyến đường xã tổng chiều dài 84 km; Ea Súp có 11 tuyến đường huyện tổng chiều dài 239 km, 9 tuyến đường xã, 1 tuyến đường thị trấn với tổng chiều dài 262,14 km. Theo đánh giá của Viện Quy hoạch xây dựng phát triển nông thôn, mật độ giao thông từng xã còn thấp, chất lượng đường kém, chủ yếu là đường cấp phối, đường đất, nhiều tuyến chưa vào cấp; mạng lưới đường đô thị phát triển chưa hoàn chỉnh, xây dựng còn chắp vá… Trong tổng số khoảng 1.000 km đường giao thông trên địa bàn 2 huyện, chỉ có trên 20% tuyến đường được bê tông, nhựa hóa nhưng đến nay cũng đã xuống cấp. Mặc dù tỉnh lộ 1, tuyến giao thông huyết mạch được đầu tư, cải tạo hằng năm nhưng một số đoạn từ ngã 3 xã Cư M’lan đến xã Ea Lê (Ea Súp) đã bị hư hỏng nghiêm trọng, mặt đường biến dạng… Về hiện trạng cấp nước, đến nay trung tâm huyện Buôn Đôn vẫn chưa có công trình cấp nước tập trung; ở khu vực nông thôn trên địa bàn 2 huyện có 11 công trình cấp nước tập trung, bảo đảm cung cấp nước cho khoảng 5.200 hộ, tỷ lệ người dùng nước hợp vệ sinh chỉ mới đạt trên 50%. Còn về hệ thống thông tin liên lạc, các chỉ tiêu bưu chính viễn thông của khu vực này chỉ đạt ở mức thấp hơn trung bình cả nước. Nhiều vùng, sóng di động còn yếu, chất lượng thông tin liên lạc trong một số tình huống đặc biệt chưa được bảo đảm…
Các chiến sĩ bộ đội biên phòng tuần tra biên giới. |
Để tầm nhìn chiến lược cho phát triển
Tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 10 khóa VIII, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết Quy hoạch xây dựng vùng biên giới tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, phạm vi quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính của 2 huyện Buôn Đôn và Ea Súp, với định hướng khu vực này là vùng kinh tế tổng hợp, trong đó chú trọng đến phát triển kinh tế cửa khẩu và công nghiệp chế biến, khai thác phát triển du lịch văn hóa, sinh thái. Mục tiêu là trở thành vùng có mối liên kết giữa khu vực biên giới với toàn tỉnh, vùng Tây Nguyên và vùng Tam giác phát triển. Theo đó, tận dụng tối đa lợi thế liên kết vùng để xây dựng cửa khẩu Đắk Ruê cùng các đô thị hạt nhân, điểm dân cư nông thôn phát triển bền vững. Trong đó, lấy đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật làm khâu đột phá. Đối với trục hành lang Bắc - Nam, việc đầu tư Quốc lộ 14C đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng; tỉnh lộ 17 (Buôn Ma Thuột – Ea Súp – Ea Rốk) tuyến đường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của 2 huyện Buôn Đôn, Ea Súp nối với TP. Buôn Ma Thuột; tỉnh lộ 17A (đường ranh giới phía Tây Bắc của tỉnh) tuyến đường phục vụ phát triển KTXH của 2 huyện Ea H’leo, Ea Súp và bảo đảm an ninh - quốc phòng. Đối với trục hành lang Đông Tây, việc đầu tư Quốc lộ 29 là tuyến đường huyết mạch tạo thành trục hành lang kính tế công nghiệp – dịch vụ - kinh tế cửa khẩu, quyết định sự hình thành của khu kinh tế cửa khẩu Đắk Ruê; bên cạnh đó, các tỉnh lộ 16A, 16C, 17B, 17E cũng là những tuyến đường quan trọng phục vụ sản xuất, giao thương nội vùng, nội tỉnh cũng cần được đâu tư nâng cấp.
Cũng theo quy hoạch, đến năm 2020, sẽ phát triển để vùng biên giới có 2 đô thị loại V gồm: trung tâm huyện lỵ Buôn Đôn và thị trấn Ea Súp. Mạng lưới điểm dân cư nông thôn được tổ chức theo không gian hệ thống khu dân cư nông thôn mới gồm: Trung tâm cụm xã, trung tâm xã và điểm dân cư nông thôn. Bên cạnh đó, tiếp tục củng cố và xây dựng phát triển kinh tế theo các mô hình của các dự án thuộc Bộ Quốc phòng, làng thanh niên lập nghiệp, kinh tế kết hợp với quốc phòng... Cùng với việc phát triển kinh tế, tiếp tục triển khai có hiệu quả các biện pháp quản lý nhà nước trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội: củng cố hoàn thiện cơ sở vật chất cho các đồn biên phòng, tăng cường quản lý khu vực vành đai biên giới, vùng cấm biên giới…
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc