Quản lý bảo vệ rừng đặc dụng - nhìn từ hai vườn quốc gia
Với tổng diện tích trên 227 nghìn ha, rừng đặc dụng của Đắk Lắk là nơi lưu giữ nhiều giá trị quý giá cho quốc gia cũng như trên thế giới. Nỗ lực quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) đặc dụng chính là bảo vệ nguồn tài nguyên quý hiếm trước áp lực rừng bị xâm hại từ nhiều phía.
Vườn Quốc gia Yok Đôn quản lý, bảo vệ 110.919,1ha, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 69.072,1 ha, phục hồi sinh thái 35.501 ha, còn lại là khu dịch vụ hành chính. Với đặc trưng của hệ sinh thái chủ yếu là rừng khộp đất thấp, địa hình dễ di chuyển cho nhiều loại phương tiện từ máy cày, xe máy, xe đạp thồ nên việc QLBVR của đơn vị gặp rất nhiều khó khăn. Thêm vào đó, vùng đệm của Vườn lại nằm giáp ranh với 7 xã của huyện Buôn Đôn, Ea Súp (Đắk Lắk) và Cư Jút (Đắk Nông), điều kiện kinh tế ở những khu vực này khó khăn, người dân quen sống phụ thuộc vào rừng nên dễ bị lâm tặc lợi dụng họ vào việc khai thác rừng trái phép. Từ năm 2008 đến nay, diện tích đất rừng bị người dân lấn chiếm là 29,586 ha bởi 30 hộ nằm trên 10 tiểu khu (434, 441, 448, 456, 458, 463, 470, 477, 503, 507). Đối tượng lấn chiếm là các hộ dân xã Krông Na, huyện Buôn Đôn để làm nương rẫy, trồng lúa nước. Để công tác QLBVR đạt hiệu quả cao, ngoài việc tăng cường tuần tra truy quét, Vườn còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật QLBVR đến toàn thể bà con các thôn, buôn, nhất là người dân sống gần rừng, nhằm phòng ngừa và hạn chế các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, Vườn còn thực hiện tốt chính sách giao khoán QLBVR cho 19 cộng đồng thôn, buôn với tổng diện tích khoảng 35.000 ha. Đơn cử như buôn Đrăng Phốk có 112 hộ, đa số là người dân tộc M’nông và Êđê, được giao 1.512 ha rừng cho 105 hộ của buôn vào đầu năm 2013 với mức thù lao 200 ngàn đồng/ha/năm (theo Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2020), đã tạo điều kiện cho bà con có thêm thu nhập và cải thiện đời sống. Từ khi nhận giao khoán đến nay, buôn Đrăng Phốk luôn là buôn dẫn đầu trong công tác BVR, hạn chế tình trạng lần chiếm đất rừng để làm nương rẫy.
Tuần tra rừng ở Vườn Quốc gia Chư Yang Sin. |
Tương tự, VQG Chư Yang Sin quản lý 59.521,9 ha rừng đặc dụng. Trong công tác QLBVR, Vườn đã phối hợp với chính quyền địa phương đổi mới phương pháp, nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc điểm của từng thôn, buôn, từng cộng đồng dân tộc. Năm 2014, Vườn tập trung tuyên truyền các giá trị đa dạng sinh học của vườn quốc gia, Nghị định 157/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý các hành vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng bằng nhiều hình thức như tham mưu, phối hợp với UBND các xã trên địa bàn 2 huyện Lắk và Krông Bông, ban tự quản các thôn, buôn vùng đệm để tuyên truyền công tác QLBVR, PCCCR (60 buổi/60 thôn, buôn); dạy 174 tiết ngoại khóa tại các trường THCS xã Yang Tao, Bông Krang, Đăk Phơi (Lắk), Hòa Phong, Cư Pui, Cư Đrăm, Yang Mao, THCS nội trú (Krông Bông) với 971 em học sinh tham gia. Công tác giao khoán QLBVR cũng phát huy hiệu quả trong những năm qua, tổng số hộ dân nhận khoán là 1.438 hộ với tổng diện tích 43.291 ha, trong đó, diện tích giao khoán thuộc địa bàn huyện Krông Bông là 28.580 ha (1.051 hộ thuộc các xã Hòa Sơn, Khuê Ngọc Điền, Hòa Lễ, Hòa Phong, Cư Pui, Cư Đrăm, Yang Mao) và 14.711 ha thuộc địa bàn huyện Lắk. Tổng số lượt hộ dân nhận khoán tham gia tuần tra BVR là trên 7.000 lượt người.
Trên thực tế, ngân sách đầu tư cho các khu rừng đặc dụng thường được cân đối và phân bổ trực tiếp hàng năm (từ Trung ương hoặc tỉnh) chỉ đáp ứng cho chi phí hoạt động của bộ máy quản lý hoặc công tác xây dựng cơ bản. Do nguồn kinh phí hạn chế đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả QLBVR trong bối cảnh sức ép của nạn phá rừng càng ngày càng gia tăng. Cho nên rất cần đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn vốn đầu tư khai thác nguồn thu từ cung ứng dịch vụ môi trường rừng, cũng chính là từng bước tạo lập tính ổn định, bền vững về tài chính cho các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên để các đơn vị này QLBVR đặc dụng ngày một hiệu quả hơn.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc