Multimedia Đọc Báo in

Thị trường bán lẻ ở Đắk Lắk: Hàng Việt vẫn chiếm ưu thế

08:08, 19/09/2015

Trong khi các nhãn hàng của Thái Lan, Indonexia, Nhật Bản… nỗ lực tìm kiếm để chiếm thị phần thì trên thị trường bán lẻ ở Đắk Lắk, hàng Việt vẫn khẳng định vị thế của mình.

Hàng Việt tìm được chỗ đứng

Buôn Ma Thuột ngày càng có nhiều Trung tâm thương mại, siêu thị mọc lên. Sự đa dạng của hàng hóa cũng như kênh phân phối bán lẻ đã giúp người tiêu dùng (NTD) có thêm nhiều lựa chọn, hàng Việt cũng vì thế mà  có cơ hội tiếp cận sâu, rộng hơn với NTD địa phương. Theo Sở Công thương, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thời gian qua triển khai  trên địa bàn tỉnh đã  đạt được nhiều kết quả tích cực, theo đó, người dân Đắk Lắk tin tưởng lựa chọn  hàng Việt nhiều hơn, tâm lý sính ngoại cũng từng bước được loại bỏ  dần.

Người tiêu dùng chọn mua bánh, kẹo thương hiệu Việt tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột.
Người tiêu dùng chọn mua bánh, kẹo thương hiệu Việt tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột.

Trong “cuộc chiến” với các sản phẩm hàng ngoại khác, hàng Việt đã có thị phần nhất định và chiếm được cảm tình của đông đảo NTD, rõ nhất là ở ngành hàng may mặc và tiêu dùng. Khảo sát qua các chợ trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột; tại các quầy, sạp, hàng nội được ưu tiên trưng bày ở vị trí bắt mắt. Chị Phạm Thị Kim, tiểu thương bán thực phẩm tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột cho hay, hàng hóa có xuất xứ trong nước như dầu ăn, thực phẩm khô, các loại củ, quả… được đa số NTD chọn mua. Còn theo chị Nguyễn Thị Hoa, chủ quầy tạp hóa thì trên quầy hàng của chị, phần lớn là bánh kẹo được sản xuất trong nước và không thiếu các thương hiệu lớn như Kinh Đô, Bibica, Hưng Nguyên, Phạm Nguyên, còn lại số ít là hàng Thái Lan, Malaysia, Indonexia. Tương tự, tại các cửa hàng thời trang trên địa bàn thành phố, sản phẩm của Việt Tiến, may 10, Việt Thắng, An Phước, Đan Nguyên… với giá hợp lý, mẫu mã đẹp không thua gì hàng ngoại cũng ngày càng được khách hàng tin dùng.

Ở các siêu thị việc mua sắm thực phẩm thiết yếu hằng ngày đã trở thành thói quen của nhiều bà nội trợ. Vì thế, kênh phân phối này cũng có  thêm cơ hội để quảng bá hàng Việt, từ thực phẩm tươi sống, công nghệ, may mặc, hóa mỹ phẩm, đồ dùng gia đình, đồ chơi trẻ em… đều có đủ. Theo ông Bùi Viết Anh Vũ, Giám đốc Co.opmart Buôn Ma Thuột, tỷ lệ hàng Việt bày bán tại đây chiếm tỷ trọng trên 90%, số còn lại là hàng nhập ngoại do trong nước chưa có hoặc không sản xuất... Thời gian qua, việc tiêu thụ hàng Việt tại siêu thị khá thuận lợi, nhiều thương hiệu Việt được khá đông NTD ưa chuộng; chẳng hạn, về thực phẩm thì có sữa của Vinamilk, bánh kẹo của Bibica, Kinh Đô, dầu ăn Tường An, dòng nước uống đóng chai có: bia Sài Gòn, nước yến Sannest Khánh Hòa; may mặc thì có hàng của Khataco, Việt Tiến, May 10… Đơn vị cũng thường xuyên áp dụng nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi, mua hàng kèm quà tặng… để thúc đẩy NTD sử dụng hàng trong nước sản xuất.

Người tiêu dùng cân nhắc kỹ lưỡng hơn 

Theo đánh giá của nhiều tiểu thương, đại diện các siêu thị trên địa bàn tỉnh thì gần đây NTD đã ưu tiên lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc trong nước, hơn nữa, đã có quá nhiều cảnh báo về một số hàng ngoại nhập chứa chất bảo quản độc hại, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nên nhiều NTD có xu hướng chuyển sang dùng hàng Việt hơn. Tuy nhiên, họ cũng kỹ tính hơn trong việc chọn hàng hóa chứ không còn dễ dãi như trước, chẳng hạn như khi mua hàng họ xem rất kỹ về nguồn gốc sản phẩm, bao bì, thành phần, hạn sử dụng… Chị Nguyễn Thị Hòa (NTD phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, gần đây, hàng Việt Nam chất lượng cao cũng có rất nhiều trên thị trường, do đó, khi mua sắm chị luôn có xu hướng mua hàng trong nước sản xuất bởi chất lượng đã được nâng cao rất nhiều lại có nguồn gốc rõ ràng nên bảo đảm độ an toàn. Tuy nhiên, một số mặt hàng như đồ chơi trẻ em, gia vị… thì hàng Việt còn khá ít.

Người tiêu dùng chọn mua hàng may mặc Việt tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột.
Người tiêu dùng chọn mua hàng may mặc Việt tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột.

Không phụ lòng tin của NTD, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là đã biết phân khúc thị trường bình dân. Chẳng hạn, Kinh Đô phân cấp thành nhiều dòng sản phẩm bánh mì giá mềm (6.000-10.000 đồng/sản phẩm) để phù hợp với nhiều đối tượng NTD,  sản phẩm của Hải Hà, Bibica cũng đa dạng hơn với nhiều loại hộp thiếc (tròn, vuông), hộp giấy, đi đôi với đó là bao bì cũng sang trọng không kém. Để thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt, nhiều DN trên địa bàn cũng áp dụng các chương trình khuyến mãi, giảm giá như Co.opmart Buôn Ma Thuột với chương trình “Tự hào hàng Việt”, Vinatex Buôn Ma Thuột có “Ngày Vàng hàng Việt”…

Có thể nói, cùng với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và sự nỗ lực của bản thân DN đã góp phần tạo nên thói quen tiêu  dùng của người dân, khẳng định vị thế của hàng hóa thương hiệu Việt trên thị trường. Hiện nay, người dân Đắk Lắk cũng không còn lạ lẫm gì với các thương hiệu nội ở các  ngành hàng may mặc, mỹ phẩm, thực phẩm… được bày bán phổ biến tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố.

Thói quen mua sắm của người dân đã thay đổi, văn hóa tiêu dùng hàng Việt  nhờ đó cũng đang dần định hình rõ nét. Do đó, về phía ngược lại đòi hỏi nhà sản xuất, DN Việt cũng cần không ngừng đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành... nhằm thu hút NTD đến với hàng Việt ngày càng nhiều hơn.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.