Multimedia Đọc Báo in

Đưa hàng Việt về nông thôn: Kết nối doanh nghiệp và người tiêu dùng vùng sâu

07:28, 25/10/2015

Việc nhiều doanh nghiệp (DN) đưa sản phẩm uy tín, chất lượng được cam kết tham gia phiên chợ hàng Việt về phục vụ tại các vùng nông thôn trong tỉnh đã thực sự là cầu nối giúp DN tiếp cận sâu hơn với người tiêu dùng (NTD) và góp phần tăng độ bao phủ cho hàng Việt trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc  Sở Công Thương, việc tổ chức phiên chợ đã mở ra nhiều cơ hội cho các DN tiếp cận trực tiếp với NTD các vùng nông thôn để quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng Việt  chất lượng và là hoạt động thiết thực hưởng hứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Phiên chợ hàng Việt được tổ chức tại huyện Lắk từ 16-10 và Krông Bông (sẽ diễn ra vào ngày 27-10), với trên 40 gian hàng/ phiên tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm may mặc, thực phẩm, hàng gia dụng, thủ công mỹ nghệ… Trong khuôn khổ của phiên chợ còn có các hoạt động: rút thăm nhận quà, dùng thử sản phẩm, hưởng ưu đãi từ các chương trình khuyến mãi khi mua sắm, tư vấn thông tin miễn phí... Chính sự có mặt của nhiều DN uy tín, sản xuất, kinh doanh ở nhiều ngành nghề khác nhau đã mang đến hội chợ lần này nhiều sản phẩm đa dạng giúp NTD có cái nhìn đầy đủ hơn về hàng Việt.

Người dân huyện Buôn Đôn chọn mua hàng hóa tại một Phiên chợ hàng Việt.  Ảnh: Đỗ Lan
Người dân huyện Buôn Đôn chọn mua hàng hóa tại một Phiên chợ hàng Việt. Ảnh: Đỗ Lan

Xác  định đây là cơ hội để tiệm cận hơn với NTD nên nhiều DN đã nỗ lực truyền thông, quảng bá đưa những sản phẩm uy tín, chất lượng được cam kết của mình đến gần hơn với NTD. Ông Lê Công Ánh, Giám đốc Công ty TNHH nệm Vạn Thành, chi nhánh Đắk Lắk cho biết, không kỳ vọng nhiều ở doanh số bán ra, mục đích DN tham gia các phiên chợ là để giới thiệu, trưng bày sản phẩm, tư vấn cho NTD nhận diện và hiểu biết nhiều hơn về các sản phẩm nệm lò xo, nệm mút, cao su… của Vạn Thành. Theo ông Ánh, đây là cơ hội tốt  để DN tiếp tục khẳng định vị thế của mình trước NTD và mang đến những sản phẩm chất lượng cũng như mức giá tốt nhất cho khách hàng. Tại gian hàng của Co.opmat Buôn Ma Thuột bày bán nhiều sản phẩm Việt tiêu  dùng thiết yếu như thực phẩm, đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm, hàng may mặc… đã thu hút sự quan tâm, mua sắm của nhiều người hơn cả, bởi chương trình khuyến mãi hấp dẫn, kèm theo quà tặng hoặc giảm giá đến 20% càng kích thích sức mua. Với nhiều NTD, đây là cơ hội tốt để mua sắm nhiều mặt hàng uy tín do trong nước sản xuất, giá lại rẻ hơn nhiều so với giá thị trường. Chị Phan Thị Xuân, NTD huyện Lắk cho hay, hàng tiêu dùng được bày bán ở đây khá đa dạng, hầu hết là của những thương hiệu Việt có tên tuổi như Vinamilk, nhựa Chợ Lớn, Đại  Đồng Tiến…, giá lại “bình dân”, chỉ vài chục đến vài trăm nghìn cho một sản phẩm, hơn nữa, lại có chương trình ưu đãi nên cũng là cơ hội để chị mua sắm được nhiều sản phẩm cần thiết cho gia đình. Có lẽ điều làm nhiều nông dân thích thú nhất khi đến phiên chợ năm  nay là được nhân viên các đơn vị như Công ty TNHH Dak Farm Đắk Lắk tận tình hướng dẫn, tư vấn cho bà con cách lựa chọn, trồng, và chăm sóc từng loại  cây giống phù hợp với thổ nhưỡng tại địa phương. Anh  Nguyễn Tấn Ba, nông dân huyện Lắk cho hay, ngoài những buổi tập huấn của Hội Nông dân huyện, đây là cơ hội hiếm có  để anh được tiếp xúc trực tiếp với chủ vựa cây giống, nghe họ hướng dẫn cách trồng, chăm sóc và nhất là để mình có thêm kiến thức về nông học...

Người tiêu dùng chọn mua hàng hóa tại Phiên chợ
Người tiêu dùng chọn mua hàng hóa tại Phiên chợ "hàng Việt về nông thôn, khu vực miền núi" năm 2015 tổ chức ở huyện Lắk.  Ảnh: Minh Thông

Nhiều năm tham gia đưa hàng Việt về miền núi, ông Bùi Viết Anh Vũ, Giám đốc Co.opmart Buôn Ma Thuột nhận định, hàng hóa do các DN trong nước sản xuất được đưa đến các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa trong tỉnh rất được NTD đón nhận, chọn mua, điều đó cho thấy, hàng Việt uy tín đã đang tạo được chỗ đứng khá vững trong lòng NTD Việt. Thông qua đó, cùng với các hoạt động tư vấn, giới thiệu sản phẩm tại gian hàng cũng góp phần giúp người dân biết và nhận diện hàng Việt rõ nét hơn.

Có thể nói, mỗi phiên chợ được tổ chức là một dịp để xúc tiến thương mại, mở ra cơ hội để DN giới thiệu sản phẩm, khẳng định năng lực cạnh tranh của mình đối với NTD. Quan trọng hơn, đã giúp DN “đến gần” với NTD, qua đó, góp phần làm cho thông điệp “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” thực sự ngày càng gắn bó với người dân hơn.

Duy Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.