Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao năng lực chế biến sâu để tăng giá trị kinh tế của cây ca cao

09:13, 09/10/2015

Ca cao là một trong những cây trồng có tiềm năng phát triển ở Đắk Lắk, ngoài việc tạo ra sản phẩm hạt khô để xuất khẩu, nông sản này còn là nguyên liệu cho ngành công nghiệp thực phẩm có giá trị kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân và doanh nghiệp (DN) trên địa bàn.

Toàn tỉnh hiện có hơn 2.000 ha ca cao được trồng rải rác tại 14/15 huyện, thị xã, thành phố, trong đó, gần 1.500 ha đã cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt gần 1,3 tấn/ha, sản lượng hằng năm khoảng 1.900 tấn hạt khô. Ca cao được trồng nhiều nhất ở huyện Ea Kar (793 ha), Krông Ana (293 ha), Ea H’leo (220 ha) và Krông Pắc (204 ha). Ngoài ra, một số DN cũng chuyển đổi diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp sang trồng ca cao như: Công ty TNHH MTV cà phê Krông Ana (240 ha), Công ty TNHH MTV cà phê Tháng Mười (hơn 174 ha) với 5 giống ghép trong nước và 8 dòng nhập nội. Với sản lượng hằng năm khá cao, hạt có kích thước lớn, chất lượng tốt, nhưng khả năng chế biến còn rất hạn chế, chủ yếu dừng lại ở việc sơ chế, lên men, một lượng lớn ca cao được các DN ngoại tỉnh đến thu mua rồi chở đi nơi khác chế biến, do đó, hiệu quả kinh tế từ ca cao vẫn chưa cao.

Vườn ca cao đang giai đoạn kinh doanh của nông dân  xã Ea Sar (huyện Ea Kar).
Vườn ca cao đang giai đoạn kinh doanh của nông dân xã Ea Sar (huyện Ea Kar).

Tại huyện Ea Kar, cây ca cao phát triển mạnh từ năm 2010, chiếm khoảng 50% diện tích ca cao toàn tỉnh và theo kế hoạch của địa phương, năm 2016 sẽ đạt gần 1.000 ha, trong đó, tập trung nhiều nhất ở các xã Cư Ni, Ea Đar, Ea Ô, Ea Sa và thị trấn Ea Knốp. Nông dân tại một số xã cũng đã hình thành các tổ hợp tác sản xuất ca cao để liên kết trong quá trình canh tác và tiêu thụ sản phẩm. Anh Trần Huy Quát, cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Ea Kar cho biết, cây ca cao chủ yếu được người dân trên địa bàn huyện trồng xen dưới tán điều và cà phê, năng suất bình quân đạt 1 – 1,5 tấn/ha, sản lượng hằng năm 800 – 1.000 tấn. Tuy nhiên, trong huyện chưa có cơ sở chế biến nên phần lớn sản lượng này được sơ chế, lên men tại chỗ theo quy mô nông hộ hoặc nhóm nông hộ. Bên cạnh đó, người nông dân, tổ hợp tác và hợp tác xã nông nghiệp cũng liên kết với các DN để tiêu thụ nên sản phẩm, ca cao có được thị trường ổn định.

Theo Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh chỉ có Công ty TNHH ca cao Nam Trường Sơn (xã Ea Na, huyện Krông Ana) có khả năng chế biến ca cao theo quy mô công nghiệp. Công ty này đã đầu tư dây chuyền thiết bị theo công nghệ của Đức để chế biến ca cao hạt khô thành các loại sản phẩm: bột ca cao, sôcôla, bơ. Ông Trương Ngọc Quang, Giám đốc Công ty cho biết, với công suất chế biến 2-3 tấn sản phẩm/tháng, đơn vị đã xây dựng vùng nguyên liệu tại huyện Ea Kar và Krông Ana với sản lượng 150 tấn quả khô/năm. Và để có nguyên liệu đầu vào bảo đảm chất lượng, đơn vị thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn tập huấn cho người trồng ca cao kỹ thuật trồng, chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả theo tiêu chuẩn của tổ chức UTZ, cùng các kiến thức về thu hoạch, sơ chế lên men… Với chất lượng tốt, sản phẩm của DN này không những được tiêu thụ ở thị trường trong nước mà từ đầu năm 2015 còn xuất khẩu sang Nhật Bản và Canada.

Sấy ca cao hạt tại Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn.
Sấy ca cao hạt tại Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn.

Ca cao hạt khô còn là nguyên liệu cho sản xuất bánh kẹo, rượu, sữa hương liệu…, nhưng do ngành công nghiệp chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh chưa phát triển nên việc khai thác hiệu quả nguồn nguyên liệu này vẫn còn hạn chế. Phần lớn ca cao khô đều được các DN ngoại tỉnh đến thu mua để xuất khẩu hoặc chở đi nơi khác chế biến như Công ty TNHH Cargill Việt Nam (TP. Hồ Chí Minh), Công ty TNHH Armajaro Việt Nam và Công ty TNHH Olam Việt Nam (Đồng Nai)... Theo đánh giá của cán bộ ngành nông nghiệp và công thương, thời điểm hiện tại cũng như trong những năm tới, nhu cầu tiêu thụ ca cao phục vụ chế biến và xuất khẩu vẫn rất lớn. Để nâng cao giá trị ca cao Đắk Lắk, ngoài việc tăng năng suất, chất lượng hạt ca cao qua việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, việc tăng cường chế biến sâu và đa dạng hóa các sản phẩm từ ca cao là một giải pháp cần thiết.

 Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.