Nhân sự ngân hàng: Những cuộc "tháo chạy"
Ngành ngân hàng đã hết hấp dẫn?
Có một thực tế là thời gian gần đây, nhân sự hoạt động trong ngành Ngân hàng “ra riêng” đang ngày một nhiều. D.T.N vốn là nhân viên tín dụng tại Ngân hàng TMCP lớn có Chi nhánh tại Đắk Lắk vừa nghỉ việc để lập doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng. Theo anh, dù vị trí công việc của anh nhìn qua có vẻ rất tốt, nhưng có ở “trong chăn”… mới biết áp lực của ngành Ngân hàng so với những ngành nghề khác là rất lớn. Có khi cùng một mức thu nhập, cũng phải chịu định mức doanh số kinh doanh, song áp lực từ công việc mà mỗi cán bộ nhân viên ngân hàng phải chịu lớn hơn nhiều. Tùy từng ngân hàng, chỉ tiêu doanh số (huy động, tín dụng, phát hành thẻ…) mà mỗi cán bộ tín dụng bị “áp” không dưới 500 triệu đồng/tháng, có ngân hàng áp chỉ tiêu cao lên tới 1,5-2 tỷ đồng/tháng. Chỉ tiêu cao trong điều kiện kinh doanh như hiện nay khiến nhiều nhân viên không thể hoàn thành định mức được giao. Thậm chí mới đây, một ngân hàng lớn trên địa bàn tỉnh đã đưa ra “chiêu khích tướng” là cứ mỗi tỷ đồng giải ngân, cán bộ tín dụng sẽ được thưởng 1 triệu đồng, nhưng tốc độ giải ngân của đơn vị vẫn chưa được cải thiện là bao. Không hoàn thành định mức đồng nghĩa với nhiều quyền lợi đi kèm sẽ sụt giảm đáng kể. Bên cạnh áp lực rất lớn, sở dĩ ngành này không còn tính hấp dẫn như trước có lẽ một phần bởi thu nhập đã giảm đi rất nhiều so với trước. Bằng chứng rõ ràng là ngoài chuyện giảm lương, thưởng, tại nhiều ngân hàng vài năm trở lại đây còn giảm, thậm chí là không có thưởng Tết cho nhân viên. Anh P.Q.L, nhân viên công tác lâu năm tại một ngân hàng vốn Nhà nước có Chi nhánh tại Đắk Lắk cho biết, từ đầu năm đến nay, do tình hình kinh doanh tại đơn vị không được như mong muốn nên mức lương không những không tăng mà còn giảm so với trước.
Nhân viên Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) Chi nhánh Đắk Lắk hướng dẫn khách hàng làm thủ tục vay vốn. |
Áp lực từ tái cơ cấu
Bên cạnh sức hấp dẫn của ngành Ngân hàng đang giảm dần, ngành này cũng đang chứng kiến sự biến động nhân sự lớn nhất. Sau một thời gian phát triển “nóng” thì đây là giai đoạn “vãn hồi” của ngành Ngân hàng để đi sâu vào chất lượng, hiệu quả kinh doanh nên nhiều ngân hàng đã tiến hành cắt giảm nhân sự. Đầu năm nay, một ngân hàng có vốn Nhà nước lớn trên địa bàn đã cắt giảm ồ ạt gần 300 nhân sự do áp lực phải tái cơ cấu hệ thống theo chỉ đạo của hội sở. Mới đây, ngân hàng này đã “đóng cửa” 6 chi nhánh tại TP. Buôn Ma Thuột để tăng cường nhân sự về các huyện bằng cách luân chuyển cán bộ. Không ít cán bộ, nhân viên của 6 chi nhánh trên đã có tâm lý nghỉ việc khi phải công tác tại các địa bàn xa thành phố. Làn sóng cắt giảm nhân sự không chỉ diễn ra tại các ngân hàng lớn, mà với ngân hàng nhỏ, nhất là ở những ngân hàng đang trong diện buộc phải sáp nhập, hợp nhất, bán lại… thì nhiều nhân sự cũng đang trong tình cảnh “buộc” phải đi.
Có thể thấy, dù “tự nguyện” hay “bắt buộc” thì thực tế là nhân sự ngành Ngân hàng đang có những biến động rất lớn, nếu không muốn nói là đang có biểu hiện “tháo chạy”. Theo giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần, đây là quy luật tất yếu, và khi lực lượng nhân sự vượt qua được những thách thức trước mắt, ngành sẽ có một nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc