Multimedia Đọc Báo in

Nhiều hộ dân ở Ea Phê đang mỏi mòn chờ điện

10:37, 30/10/2015

Nằm cách trung tâm xã chưa đầy 10 km, hơn 10 năm nay, trên 300 hộ dân của buôn Ea Su và thôn 8, xã Ea Phê (huyện Krông Pắc) vẫn phải sống trong cảnh “khát” điện kéo dài.

Buôn Ea Su được thành lập từ năm 2006, gồm 113 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu sinh sống. Dù chỉ cách trung tâm xã khoảng 5 km, lại nằm trong tuyến đường nối với thị xã Buôn Hồ, nhưng đã nhiều năm nay người dân nơi đây vẫn phải sống trong cảnh thiếu điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Để có điện sử dụng, bà con trong buôn phải mua lại của một số hộ dân ở các thôn, xã lân cận rồi tự đầu tư đường dây kéo điện về nhà. Chị Nguyễn Thị Vui cho biết, gia đình chị định cư ở buôn Ea Su từ cuối năm 2005 theo Chương trình 134 của huyện Krông Pắc. Những tưởng sẽ được Nhà nước đầu tư điện, đường, trường, trạm để an cư lạc nghiệp, thế nhưng đã gần 10 năm gia đình vẫn không có điện sinh hoạt. Để có điện thắp sáng chị phải sử dụng bình ắc quy, mỗi tháng tốn từ 200.000-300.000 đồng để sạc bình phục vụ thắp sáng. Không chỉ thiếu điện, hầu hết các hộ dân ở đây đều không có nước sạch để sinh hoạt, bởi không có điện nên không thể thực hiện việc khoan giếng, bơm nước. Chỉ có một số hộ gia đình đào giếng cạn thì may ra mới có ít nước để dùng. Ở nhà văn hóa cộng đồng có đặt một bồn chứa nước giếng khoan bán cho người dân với giá 7000 đồng/m3, nhưng lúc có lúc không.

Dây điện quấn chằng chịt quanh cây xanh ở thôn 8, xã Ea Phê.
Dây điện quấn chằng chịt quanh cây xanh ở thôn 8, xã Ea Phê.

Anh Y Thanh, công an viên buôn Ea Su cho hay, buôn Ea Su còn nhiều khó khăn với gần 50% hộ nghèo. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân trong buôn đã kiến nghị lên các cấp chính quyền về việc đầu tư điện thắp sáng, song đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Bản thân gia đình anh nhiều năm nay vẫn sống trong cảnh không có điện. Hiện tại anh phải dùng đèn dầu để thắp sáng vì chi phí sử dụng máy phát điện hoặc bình ắc quy tương đối cao so với thu nhập của gia đình. Theo anh Y Thanh, do không có điện nên tình hình an ninh trật tự trong buôn cũng tương đối phức tạp. Những năm qua buôn Ea Su đã xảy ra nhiều vụ trộm cắp, tai nạn giao thông, trong đó có những vụ kẻ gian ngang nhiên bắt trộm bò, gà gây tâm lý lo âu trong người dân.

Cách buôn Ea Su khoảng 3 km, gần 200 hộ dân thôn 8 cũng đang ngày đêm mỏi mòn chờ điện. Thôn 8 trước đây thuộc địa phận xã Hòa An, đến năm 2002 được tách về xã Ea Phê. Ông Mã Văn Chức, Bí thư Chi bộ thôn 8 phàn nàn: “Mấy năm gần đây đời sống người dân đã có phần khấm khá, nhiều nhà đã có của ăn của để, nhưng buồn nhất là khi có tiền mua sắm được các thiết bị điện lại không có điện để dùng. Đáng lo nhất là tình trạng kẻ gian lợi dụng trời tối để trộm cắp ngày càng xảy ra nhiều. Không biết đến bao giờ người dân mới thôi sống trong cảnh “khát” điện”.

Cũng như buôn Ea Su, những gia đình ở đây muốn có điện đều phải bỏ tiền ra để mua điện từ các thôn, xã lân cận kéo về sử dụng với chi phí ban đầu khoảng 2 triệu đồng/hộ, chưa tính các chi phí khác, rồi tự đầu tư đường dây, câu mắc điện về nhà. Hệ thống đường dây điện mà bà con nơi đây tự “thiết kế” chỉ là các thân cây gỗ mục, hoặc là cây xanh. Thậm chí trên một thân cây gỗ cao hơn 1m chằng chịt 4 - 5 chiếc đồng hồ, dây điện đan xen như mạng nhện. Hầu hết các đường dây điện tự phát này đều không bảo đảm an toàn, tải trọng yếu, điện năng hao tổn nhiều, dẫn đến chi phí sử dụng cao mà chất lượng điện thì không bảo đảm. Với diện tích canh tác lên đến 200 ha cà phê, tiêu, lúa nước, người dân thôn 8 đang “dở khóc dở cười” bởi không có điện để tưới tiêu. Nhiều người dân “đánh liều” sử dụng hệ thống điện này để phục vụ sản xuất dẫn đến tình trạng cháy chập điện xảy ra thường xuyên.

Theo ông Lê Văn Chương, Chủ tịch UBND xã Ea Phê, buôn Ea Su và thôn 8 là hai thôn, buôn duy nhất của huyện Krông Pắc chưa có điện đã trên dưới 10 năm nay. Dù xã đã nhiều lần kiến nghị đến các cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa nghe thấy phản hồi...

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc