Multimedia Đọc Báo in

TPP - Cơ hội lớn, thách thức nhiều

09:44, 13/10/2015
Việt Nam vừa hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo ước tính, sau khi có hiệu lực, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới sẽ mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít thách thức đối với doanh nghiệp (DN) Việt Nam nói chung, Đắk Lắk nói riêng. Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đắk Lắk DƯƠNG THANH TƯƠNG về vấn đề này.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đắk Lắk Dương Thanh Tương  thăm vườn cà phê của một DN trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đắk Lắk Dương Thanh Tương thăm vườn cà phê của một DN trên địa bàn tỉnh.

°Việc Việt Nam hoàn tất đàm phán TPP là một bước ngoặt quan trọng trong quá trình hội nhập của các DN  vào kinh tế thế giới. Vậy xin ông cho biết các DN  của tỉnh đã có sự chuẩn bị gì để đón nhận sự kiện này?

TPP là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới giữa 12 quốc gia thành viên, hiện tại chiếm 40% GDP của cả thế giới và 26% lượng giao dịch hàng hóa toàn cầu. TPP sẽ đem lại những lợi ích về thuế quan, thu hút các nguồn vốn lớn vào đầu tư, tạo ra môi trường cạnh tranh hơn... DN ngoài quốc doanh sẽ là đối tượng chịu tác động trực tiếp và mạnh mẽ của TPP. Trong những năm qua, các DN xuất khẩu của tỉnh Đắk Lắk đã có bước chuẩn bị cho việc hội nhập, từng bước thích ứng với nền kinh tế thị trường, tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Trong hoạt động kinh doanh, nhiều DN đã chủ động phát huy những lợi thế, tìm kiếm và mở rộng thị trường, đầu tư và sử dụng dây chuyền công nghệ tiên tiến trong sản xuất, quan tâm sử dụng và đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề cao, áp dụng các phương pháp quản lý tiên tiến, chú trọng nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, điều các DN của địa phương vẫn còn lo lắng là để hưởng được thuế ưu đãi khi xuất khẩu vào thị trường các nước tham gia TPP, các sản phẩm nông sản phải cạnh tranh khốc liệt với các nước thành viên TPP, trong khi số DN nông nghiệp trong tỉnh mới chỉ chiếm tỷ trọng thấp so với tổng số DN của tỉnh và hầu hết là DN nhỏ, quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng, vì vậy rất khó để có sức cạnh tranh.

°Theo ông, TPP sẽ mang lại cơ hội và thách thức gì cho DN Đắk Lắk, nhất là đối với các DN kinh doanh sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh như cà phê, ong mật...?

Khi có hiệu lực, TPP dự báo sẽ tác động tích cực đến xuất khẩu nông sản Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng, thuế xuất nhập khẩu các mặt hàng nông sản sẽ giảm mạnh, làm tăng sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh như cà phê, hồ tiêu, cao su, ong mật. .. vào thị trường các nước thành viên TPP. Bên cạnh đó, sẽ tạo cơ hội thu hút các nguồn vốn FDI đầu tư vào ngành nông nghiệp, nông thôn; cũng như giúp địa phương đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, áp dụng những công nghệ tiên tiến của thế giới và đổi mới cách thức quản lý.

Bên cạnh những cơ hội nêu trên, các DN phải đối mặt nhiều thách thức như đòi hỏi phải phát triển mạnh mẽ, nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới công nghệ, phương thức quản lý và thực hiện những cam kết về môi trường, lao động và quyền sở hữu trí tuệ. Nhưng hầu hết các DN của tỉnh hiện còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực tài chính, công nghệ, nhân lực, khả năng cạnh tranh và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, khi tham gia TPP có nghĩa là tham gia sân chơi chung, nước nào sản phẩm chất lượng cao, giá rẻ sẽ thắng. Nếu chúng ta tiếp tục duy trì cách thức sản xuất như hiện nay thì cạnh tranh rất khó.

Trước yêu cầu hội nhập ngày càng cao của thị trường, các DN đã quan tâm nhiều hơn về nâng cao chất lượng và định hướng phát triển sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và thị trường. Hiện nay tỉnh có nhiều DN mạnh dạn đầu tư phát triển các sản phẩm công nghiệp đạt chất lượng cao, từng bước khẳng định thương hiệu mạnh, có uy tín trên thị trường như Công ty cà phê Trung Nguyên, Công ty Cà phê Phước An, Công ty CP Ong mật Đắk Lắk… Tuy nhiên, hầu như các sản phẩm nông nghiệp địa phương còn bộc lộ nhiều hạn chế, sản phẩm mang tính thủ công, có hàm lượng chất xám chưa nhiều, mà chủ yếu dựa vào lợi thế sẵn có về nguồn nguyên liệu, lao động nên chất lượng sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, vấn đề phát triển thương hiệu thì mỗi DN làm theo cách riêng, tự xoay xở nên quá trình xây dựng và quản trị những giá trị đạt được rất tốn kém hoặc có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN tại địa phương… Do đó, DN cần có sự định hướng, hỗ trợ để đáp ứng nhu cầu cạnh tranh và hội nhập kinh tế trong giai đoạn hiện nay.

°Theo ông, Chính phủ, UBND tỉnh Đắk Lắk cần có sự hỗ trợ như thế nào để các DN của tỉnh có thể tận dụng cơ hội lớn này?

Để các DN tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu với những ưu đãi thuế quan, Nhà nước và các ngành chức năng nên cập nhật và hướng dẫn cụ thể nội dung về hải quan, tiêu chuẩn của TPP để DN chủ động đáp ứng tốt. Đồng thời Nhà nước cần có chính sách tốt hơn để phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn; tăng cường tuyên truyền cho DN, người dân về mục tiêu, lợi ích của TPP. Đối với UBND tỉnh Đắk Lắk và ngành chức năng cần đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho DN đầu tư phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho DN nhỏ và vừa; đặc biệt là có chính sách phù hợp để bảo vệ nông dân và các sản phẩm nông nghiệp...

Giang Nam (Thực hiện)


Ý kiến bạn đọc