Multimedia Đọc Báo in

Công tơ điện tử góp phần minh bạch chỉ số điện khách hàng sử dụng

13:41, 16/11/2015

Việc đưa vào sử dụng công tơ điện tử (CTĐT) đọc chỉ số từ xa (RF) thay thế cho công tơ cơ như trước đây của Công ty Điện lực Đắk Lắk bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực, bảo đảm độ chính xác cao trong việc ghi chỉ số điện năng tiêu thụ cho khách hàng hằng tháng.

Từ năm 2011 đến nay, Công ty Điện lực Đắk Lắk đưa vào sử dụng  CTĐT thay công tơ cơ khí đọc chỉ số từ xa bằng sóng RF tại một số vùng trung tâm thành phố, thị xã, huyện trên địa bàn tỉnh và khách hàng có công suất tiêu thụ điện năng lớn. Đây là loại công tơ có gắn một bộ phát sóng radio FM, thông qua thiết bị cầm tay (hand held) sẽ thu nhận sóng của CTĐT để thu thập các thông số từ xa, cự ly tối đa 30 m (không có vật che chắn) và tự động hóa các thao tác ghi chỉ số, truyền dữ liệu theo nhu cầu của nhân viên sử dụng. Hiệu quả tích cực nhất của CTĐT là độ chính xác cao (nếu công tơ cơ khí độ sai số cho  phép + 2% thì với  CTĐT sai số  chỉ + 0,1%), giúp tăng năng suất lao động, giảm số nhân công trực tiếp đi ghi chỉ số điện thủ công như trước, tránh được việc ghi nhầm lẫn chỉ số điện tiêu thụ cho khách hàng, đồng thời, giúp ngành điện giám sát, phát hiện các hành vi tác động vào hệ thống đo đếm điện năng, góp phần giảm tổn thất điện trong kinh doanh.

Lắp đặt mới công tơ điện tử đọc chỉ số từ xa RF cho khách hàng tại xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột.
Lắp đặt mới công tơ điện tử đọc chỉ số từ xa RF cho khách hàng tại xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột.

Trên thực tế, thời gian qua, việc khiếu nại của một bộ phận khách hàng vì hóa đơn tiền điện tăng đột biến do nhân viên đến nhà ghi chỉ số bị nhầm lẫn, dẫn đến sai sót cho khách hàng là điều không phải không xảy ra đối với ngành điện địa phương. Do đó, việc đưa vào sử dụng CTĐT thay cho công tơ cơ khí đã giúp cải thiện mối quan hệ tốt đẹp giữa khách hàng và đơn vị. Theo ông Lê Hoài Nhơn, Phó Giám đốc Công ty, với hệ thống đo đếm hiện đại này bảo đảm độ chính xác gần như tuyệt đối, góp phần minh bạch chỉ số điện, tăng độ tin cậy cho người dân đối với ngành điện. Giai đoạn 2013-2015 là thời điểm mà ngành điện triển khai sử dụng CTĐT rộng rãi trên địa bàn tỉnh và đã phát huy hiệu quả tích cực, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng. Theo thống kê, bình quân mỗi năm có 35.000 khách hàng được lắp mới CTĐT, tính đến tháng 10-2015, toàn tỉnh đã đưa vào sử dụng trên 145.300 CTĐT (loại 1 pha và 3 pha), chiếm 30% tổng số khách hàng dùng điện. Trong đó, TP. Buôn Ma Thuột là địa phương triển khai lắp mới CTĐT nhiều nhất, với gần 67.000 khách hàng.

Từ khi đưa vào sử dụng CTĐT, việc ghi chỉ số của nhân viên ngành điện cũng đỡ vất vả hơn nhiều. Thay vì trèo lên cột điện hoặc gõ cửa từng nhà, nhân viên ngành điện chỉ cần đứng trước cổng và dùng thiết bị cầm tay để dò chỉ số. Anh Trần Văn Minh, Đội trưởng đội quản lý đường dây và trạm biến áp, Điện lực Bắc Buôn Ma Thuột cho hay, không chỉ là rút ngắn thời gian làm việc mà sự an toàn cho những công nhân ghi chỉ số cũng được bảo đảm tuyệt đối vì tránh được rủi ro khi phải leo lên lưới điện đang vận hành, nhất là vào mùa mưa bão. Theo ông Hà Văn Chương, Giám đốc Điện lực Bắc Buôn Ma Thuột, trước đây, với công tơ cơ thì bình quân một nhân viên chỉ ghi được 150 khách hàng/ngày, nhưng từ khi vận hành CTĐT thì năng suất lao động đã tăng lên gấp 5 lần, một nhân viên có thể ghi được 850 khách hàng/ngày. Quan trọng hơn là quá trình nhập, truyền tải dữ liệu hoàn toàn tự động, không phải làm thủ công và qua nhiều khâu trung gian như trước đây nên tránh được việc ghi nhầm, sai số, bảo đảm quyền lợi cho khách hàng. Tính đến thời điểm hiện tại, Điện lực Bắc Buôn Ma Thuột đã có 40.000/65.000 CTĐT được lắp đặt thay thế cho công tơ cơ.

Có thể nói, việc áp dụng CTĐT không chỉ nâng cao độ chính xác, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng mà còn giúp tiết kiệm nhân công cho ngành điện. Ông Lê Hoài Nhơn cũng cho biết thêm, thực hiện chủ trương của ngành điện về “xây dựng lưới điện thông minh, mang đến sự hài lòng cho khách hàng”, theo lộ trình, dự kiến, đến hết năm 2017 sẽ có 100% khách hàng trên toàn tỉnh được thay thế miễn phí công tơ cơ bằng CTĐT.

 Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.