Du lịch văn hóa - sinh thái Buôn Đôn: Nỗi lo thiếu nước
Vào những tháng mùa khô, đoạn sông Sêrêpôk dài khoảng 22 km chảy qua địa bàn huyện Buôn Đôn thường kiệt nước, khiến hoạt động du lịch văn hóa-sinh thái ở đây lâm vào cảnh khó khăn. Nguyên nhân chính là do hệ lụy từ các công trình thủy điện được quy hoạch và xây dựng một cách thiếu cân nhắc trên hệ thống sông có lưu lượng nước lớn nhất nhì Tây Nguyên này.
Một đoạn sông Sêrêpôk chảy qua Buôn Đôn đã cạn kiệt nước do Thủy điện Sêrêpôk 4 và Sêrêpôk 4A ngăn dòng. |
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Giám đốc Công ty Du lịch Thanh Hà than thở: Từ ngày công trình thủy điện Sêrêpôk 4A ngăn dòng, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Doanh thu sụt giảm do lượng khách đến với Thanh Hà (về mặt số lượng cũng như thời gian lưu trú) giảm đi quá nửa so với trước năm 2013. Và điều quan trọng nhất là du khách khi đến đây đều tỏ ra không hài lòng, nếu không nói là thất vọng vì sản phẩm du lịch trở nên “teo tóp” lại vì những tác động tiêu cực từ các công trình thủy điện. Ví như ngọn thác Bảy Nhánh trên dòng Sêrêpôk là một trong những danh thắng nổi tiếng và cũng là điểm đến không thể bỏ qua khi đến thăm thú Buôn Đôn, nhưng hiện nay danh tiếng đó không còn, do phải đối mặt với nguy cơ kiệt nước hoàn toàn trong cả năm, chứ không riêng gì vào những tháng mùa khô ở Tây Nguyên. Những gì mà Công ty Du lịch Thanh Hà phản ánh là sự thật, tất cả du khách đến đây thăm chơi đều thấy thác Bảy Nhánh chỉ còn là bãi đá phơi mình đen trũi đưới nắng, không còn cảnh tượng thơ mộng, hùng vĩ và quyến rũ như xưa với những thác nước trắng xóa, ầm ào ngày đêm đổ xuống dòng Sêrêpôk cuộn chảy.
Thác Bảy Nhánh trên dòng Sêrêpôk khi hệ sinh thái ở đây chưa bị xâm hại. |
Nguyên nhân của tình trạng này, theo các cơ quan, đơn vị hữu trách đưa ra đều là do thủy điện! Được biết, 4-5 năm trước, những người có trách nhiệm, trong đó có Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk cảnh báo rằng, một khi công trình thủy điện Sêrêpôk 4A được quy hoạch và xây dựng tại đây thì môi trường, cảnh quan chung quanh sẽ có những tác động hết sức bất lợi cho ngành du lịch địa phương. Bởi vì đoạn sông Sêrêpôk chảy qua địa bàn Buôn Đôn đóng vai trò rất quan trọng trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái quý giá cho vùng đất này. Nếu công trình thủy điện Sêrêpôk 4A “nhảy vào” thì vai trò, hay nói cách khác là “sứ mệnh” của dòng sông cũng không còn. Theo thiết kế, công trình thủy điện Sêrêpôk 4A lấy lại toàn bộ lưu lượng nước được trả về cho môi trường từ thủy điện Sêrêpôk 4 (đã được xây dựng trước đó). Thủy điện này có lưu lượng nước xả ra là 135 m3/giây, đủ để duy trì “sự sống” cho dòng Sêrêpôk - và tất nhiên không ảnh hưởng lớn đến môi trường, cảnh quan nói chung. Nhưng đến khi thủy điện Sêrêpôk 4A tận dụng lại nguồn nước của Sêrêpôk 4 xả ra bằng cách đắp một cao trình đập gần 100m tại ngầm Ea Ri (giáp giới Đắk Nông) để dẫn dòng qua ba xã Ea Huar, Ea Wer, Krông Na - huyện Buôn Đôn đến tua bin phát điện tại cầu 19 (khu vực rừng Cư Minh) với lưu lượng nước xả ra trả lại cho môi trường chỉ ở mức 8,23 m3/giây đã khiến cho đoạn sông chảy qua ba xã trên kiệt nước, nhất là vào những tháng mùa khô hằng năm. Mà một khi kiệt nước thì đời sống dân sinh bị đảo lộn đã đành, các doanh nghiệp làm du lịch ở đây cũng rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” như bà Thanh Hà đã phản ánh.
Hiện tại, không riêng gì Công ty Du lịch Thanh Hà “kêu khổ”, mà những đơn vị làm du lịch trên địa bàn cũng tỏ thái độ không đồng tình với việc quy hoạch và phát triển nguồn điện năng trên hệ thống sông này theo kiểu “đánh đổi” như vậy. Trên dòng sông Sêrêpôk hiện có 4 nhà máy thủy điện được xây dựng và đưa vào khai thác đã không những vắt kiệt lượng nước tự nhiên rất lớn của dòng sông, mà còn khiến không ít lòng hồ ở đây bị teo tóp dần. Chẳng hạn như hồ Cư Minh không còn sâu và rộng do những cánh rừng ở đây không có khả năng sinh thủy đồi dào như trước khi dòng Sêrêpôk bị vây chặn để xây dựng thủy điện, khiến hệ sinh thái trên toàn vùng ngày càng trở nên mất cân bằng trầm trọng. Ông Nguyễn Văn Đức, phụ trách khu Du lịch BUONDONTUORMEX tỏ ra ái ngại trước ý tưởng biến hồ Cư Minh thành tụ điểm đua thuyền và lướt ván… phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của du khách. Hoặc như BANMECO, tuor du lịch mạo hiểm, nhưng hết sức thú vị và có sức hút nhất hiện nay là thả thuyền theo sông từ trung tâm buôn Trí A (xã Krông Na) đến thác Đrăng Phốk đang thu hút du khách giữa chừng cũng bị hủy bỏ vì lượng nước của dòng sông quá bấp bênh, không bảo đảm. Rõ ràng, khi dòng Sêrêpôk không còn duy trì được lượng nước tự nhiên để “sống” được nữa thì hoạt động du lịch văn hóa - sinh thái ở Buôn Đôn “chết dần”, làm ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu biến “ngành công nghiệp không khói” này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030 như Đề án “Phát triển Du lịch Đắk Lắk đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” đã được UBND tỉnh phê duyệt...
Với những “hệ lụy” vừa nêu, mong rằng các cấp có thẩm quyền và các cơ quan chức năng cần xem xét và giải quyết thấu đáo hơn vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm: Đó là việc khai thác phát triển nguồn năng lượng trên hệ thống sông Sêrêpôk như thế nào để không rơi vào tình trạng thiếu công bằng, hoặc phải “đánh đổi lợi ích” theo kiểu “một mất một còn” giữa các ngành nghề như thời gian qua và hiện nay.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc