Gian nan lộ trình sắp xếp, đổi mới các công ty nông - lâm nghiệp (Kỳ cuối)
Kỳ cuối: Những bước đi phù hợp
Xác định mô hình chuyển đổi phù hợp để quản lý, bảo vệ, sử dụng đất đai, tài nguyên bền vững; tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) phát huy được tính chủ động, sáng tạo nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tạo ra sản phẩm hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến và thị trường theo chuỗi giá trị, góp phần ổn định và phát triển kinh tế xã hội của địa phương… là những mục tiêu cơ bản, cốt yếu trong việc sắp xếp, đổi mới các công ty nông – lâm nghiệp hiện đang được tỉnh chỉ đạo triển khai.
Cổ phần để lành mạnh hóa về tài chính
Ông Trần Khánh Thơ, Phó Trưởng phòng Tài chính Doanh nghiệp (Sở Tài chính) cho biết, theo Phương án tổng thể về sắp xếp đổi mới các công ty nông – lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 1832 ngày 15-10-2015, sẽ tiến hành chuyển công ty nông nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, Nhà nước không giữ cổ phần chi phối đối với 6 công ty gồm: Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk, Cà phê Thắng Lợi, Cà phê Phước An, Cà phê – Ca cao Tháng Mười, Cà phê Ea Pốk, Sản xuất kinh doanh tổng hợp Krông Ana. Để có những bước đi vững chắc, Ban Đổi mới và Phát triển DN tỉnh đang xây dựng lộ trình phù hợp cho giai đoạn 2016-2020, trong đó 2 năm đầu sẽ tập trung ưu tiên cổ phần hóa đối với DN có quy mô vốn lớn là Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk (Dakruco). Dakruco có tổng số vốn điều lệ 1.090 tỷ đồng, cũng là đơn vị duy nhất trong số 29 DN Nhà nước do tỉnh quản lý thực hiện đầu tư ra ngoài DN. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm quản lý, rủi ro tiềm ẩn, chi phí đầu tư cao, việc đầu tư ngoài ngành của Dakruco không hiệu quả, thua lỗ kéo dài nhiều năm. Để lành mạnh hóa về tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, UBND tỉnh đã yêu cầu DN cùng các ngành chức năng rốt ráo thực hiện tái cơ cấu đối với DN này theo Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị: cơ cấu lại các công ty con, triệt để thoái vốn các dự án đầu tư ngoài ngành, thực hiện cổ phần hóa công ty mẹ và các chi nhánh trực thuộc từ năm 2015. Theo đó, tiếp tục ổn định, giữ nguyên mô hình hoạt động, tỷ trọng góp vốn của các công ty hoạt động có hiệu quả gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư cao su Đắk Lắk (DRI), Công ty TNHH Cao su Đắk Lắk – Moldulkiri tại Campuchia, Công ty Cổ phần kỹ thuật cao su (Dakrutech), Công ty Cổ phần chế biến gỗ (Dakruwood), Quỹ tín dụng Cao su Đắk Lắk, Công ty Cổ phần cao su Thái Dương. Đồng thời thoái vốn khỏi các công ty, dự án, khoản đầu tư không hiệu quả gồm: Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Bản Đôn (Bandontourimex) với tỷ lệ tham gia góp là 40,2% vốn điều lệ; Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ du lịch Ban Mê với tỷ lệ góp vốn 15,5% vốn điều lệ; Dự án trồng cao su tại tỉnh Kon Tum với tổng số vốn đầu tư 184 tỷ đồng; cụm dịch vụ khách sạn Dakruco… Tuy nhiên, việc thoái vốn của DN này cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác chuyển nhượng. Riêng vốn góp của Dakruco tại Công ty Cổ phần Chỉ thun Đắk Lắk (Dakruthread) là 15 tỷ đồng, chiếm 35,29% vốn điều lệ, hiện Dakruco tiến hành mua lại cổ phần để tái cơ cấu, cải tổ toàn diện đối với hoạt động của DN này. Mặc dù hoạt động kinh doanh của Dakruthread trong những năm qua thua lỗ với lũy kế đến 31-12-2013 là 77 tỷ đồng/79 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, nhưng đây là công ty có nhiều tiềm năng bởi Dakruthread là nhà sản xuất chỉ thun duy nhất tại Việt Nam đến thời điểm hiện nay. Bên cạnh đó, với việc Việt Nam đã tham gia vào Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mở ra nhiều cơ hội cho những ngành liên quan đến công nghiệp may mặc, vì vậy Dakruco cơ cấu lại Dakruthread, qua đó nâng tỷ lệ vốn sở hữu lại DN. Hiện, Dakruco đang xây dựng phương án mua lại toàn bộ cổ phần của các cổ đông theo giá trị thực để Dakruco nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Tái cấu trúc mạnh mẽ các công ty lâm nghiệp
Thực hiện các biện pháp lâm sinh trên diện tích rừng thuộc Công ty TNHH MTV LN Krông Bông quản lý. |
Theo Phương án tổng thể về sắp xếp đổi mới các công ty nông – lâm nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên địa bàn tỉnh có 3 công ty nông nghiệp thua lỗ liên tục trong nhiều năm, vi phạm về quản lý sử dụng đất, phải giải thể gồm: Công ty TNHH MTV Cà phê – Ca cao Krông Ana, Công ty TNHH MTV Cà phê Buôn Ma Thuột và Cà phê Dray H’linh. Đơn cử như Công ty TNHH MTV Cà phê – Ca cao Krông Ana kinh doanh thua lỗ 6 năm liên tiếp (từ năm 2009) với tổng số lỗ lũy kế đến 31-12-2014 trên 55 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hơn ¾ diện tích đất của Công ty đã thực hiện khoán trắng cho các hộ dân, bản thân DN cũng không thực hiện được các biện pháp quản lý đất và sản phẩm trên diện tích đất được giao, cho thuê. Đối với 15 công ty lâm nghiệp (LN), ngoài Công ty TNHH MTV LN Lắk chuyển thành ban quản lý rừng phòng hộ hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp công lập có thu (đơn vị có diện tích rừng phòng hộ chiếm 73,4% diện tích được giao), 6 đơn vị tiếp tục duy trì, củng cố, phát triển dưới hình thức công ty LN Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng sản phẩm cùng với việc thực hiện dịch vụ công ích gồm các công ty THNN MTV LN: Krông Bông, M’Đrắk, Ea Kar, Buôn Wing, Chư Phả, Ea Wy. Số đơn vị còn lại sẽ thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên (HTV) trên cơ sở sắp xếp, đổi mới, kết hợp với các DN có tiềm lực, thế mạnh về tài chính, công nghệ… để phát huy hiệu quả tiềm năng đất đai, tài nguyên, lao động. Hiện tại, một số đơn vị đã tìm được nhà đầu tư tham gia góp vốn. Cụ thể, Công ty TNHH MTV LN Chư Ma Lanh và Rừng Xanh thành công ty TNHH HTV trên cơ sở kế thừa, sử dụng nguyên trạng đất rừng, tài sản, tài chính, lao động của 2 đơn vị này với sự tham gia góp vốn của Công ty CP thực phẩm sữa TH Tây Nguyên, thực hiện dự án “Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung tại Đắk Lắk” với quy mô 72.000 con. Công ty TNHH MTV LN Phước An phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư Lang Biang (TP. Hồ Chí Minh) thành lập Công ty TNHH HTV LN Phước An thực hiện dự án chăn nuôi bò kết hợp trồng rừng kinh tế, cây công nghiệp. Công ty TNHH MTV LN Thuần Mẫn phối hợp với Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hoàng Thiên (Bình Phước) thành lập công ty HTV để đầu tư phát triển cây cao su gắn với chăn nuôi và quản lý bảo vệ rừng. Công ty TNHH MTV LN Ya Lốp, Ea H’Mơ phối hợp với Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) đầu tư phát triển công nghiệp chế biến cao su gắn với phát triển vùng nguyên liệu trên địa bàn huyện Ea Súp.
Việc quyết liệt thực hiện cổ phần hóa, giải thể các DN hoạt động yếu kém; phối hợp với các DN khác có tiềm lực về tài chính, công nghệ, thị trường để xây dựng mô hình chuyển đổi mới… được kỳ vọng là hướng đi phù hợp nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất và rừng, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, vực lại khối kinh tế vốn nhiều tiềm năng này của địa phương. Để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện phương án, UBND tỉnh đã có kiến nghị đối với Chính phủ, bộ, ngành Trung ương sớm có những hướng dẫn cụ thể trong việc chuyển nhượng vốn Nhà nước, xử lý công nợ; bổ sung đủ vốn điều lệ cho các DN; hỗ trợ kinh phí để triển khai đề án đo đạc địa chính và cắm mốc ranh giới cho các đơn vị; tăng kinh phí thực hiện nhiệm vụ công ích của các công ty lâm nghiệp trong quản lý bảo vệ rừng từ 200 nghìn đồng/ha/năm lên 500 nghìn đồng/ha/năm; có chính sách ưu đãi, hỗ trợ về tín dụng, bảo hiểm rừng sản xuất đối với các công ty LN…
Lê Hương
[links()]
Ý kiến bạn đọc