Multimedia Đọc Báo in

Gian nan lộ trình sắp xếp, đổi mới các công ty nông - lâm nghiệp (Kỳ II)

10:03, 25/11/2015

Kỳ II:  Những áp lực hiện hữu

Để “xốc” lại hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp, nhất là đối với các công ty lâm nghiệp vốn gần như đang “rơi tự do” như hiện nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành rà soát, đánh giá lại năng lực của từng đơn vị. Phương án Tái cơ cấu các công ty nông - lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh vừa được Chính phủ phê duyệt, tuy nhiên, việc triển khai thực hiện đang đối mặt với không ít những áp lực.

Nan giải việc thu hồi rừng, đất rừng bị lấn chiếm

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Ma Lanh (xã Cư M’lan, huyện Ea Súp) được UBND tỉnh giao quản lý bảo vệ trên 14.721 ha rừng và đất lâm nghiệp. Qua kết quả rà soát đến nay, tổng số diện tích rừng bị phá, lấn chiếm lên đến trên 4.700 ha. Mặc dù đã xác định rõ đối tượng nhưng việc thu  hồi đất để trồng lại rừng không hề đơn giản, bởi luôn gặp sự cản trở, chống đối của các đối tượng liên quan. Cụ thể, đối với trên 100 ha rừng phòng hộ bị phá tại các tiểu khu 279, 294, 289, Công ty đã thực hiện thu hồi để trồng lại rừng nhưng luôn bị các đối tượng vi phạm cản trở, lén lút nhổ, phá bỏ cây trồng. Bên cạnh đó, đơn vị không đủ kinh phí để trồng lại diện tích rừng thu hồi và không có kinh phí để chăm sóc, quản lý bảo vệ diện tích đã trồng nên hiệu quả đạt được không cao. Ông Nguyễn Hữu Thu, Giám đốc Công ty cũng thừa nhận những yếu kém trong quản lý đơn vị dẫn đến tình trạng mất rừng, tranh chấp đất đai diễn ra phức tạp trong những năm qua. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là diện tích quản lý rộng lại tiếp giáp với nhiều khu dân cư nhưng đội ngũ quản lý bảo vệ của DN lại mỏng, thiếu kinh phí, công cụ hỗ trợ;  tình trạng khó kiểm soát đối với dân di cư ngoài kế hoạch đến lấn chiếm để lấy đất sản xuất…

Tại huyện Cư M’gar, diện tích bị xâm hại chủ yếu thuộc 2 công ty lâm nghiệp quản lý là: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm (1.594,1 ha) và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Wing (195,06 ha). Từ cuối năm 2014, đơn vị đã phối hợp với UBND xã Ea Kuêh, các ngành lập biên bản đối với các đối tượng vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, ban hành các quyết định hành chính (gồm xử phạt hành chính và buộc trả lại đất rừng sang nhượng, chiếm giữ trái phép). Tuy nhiên, các đối tượng không chấp hành, do vậy Công ty tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành xem xét cưỡng chế thi hành. Rồi ngay như 65 ha tại lô 2 và 3, khoảnh 13, tiểu khu 547A, Công ty thu hồi để trồng lại rừng, nhưng sau khi thiết kế trồng lại được 34 ha rừng cũng bị người dân cản trở, phá bỏ cây trồng.

Chế biến lâm sản tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Phước An.
Chế biến lâm sản tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Phước An.

Tương tự, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Phước An cũng gần như bế tắc với hơn 800 ha rừng,  đất lâm nghiệp bị người dân lấn chiếm trái phép. Tại huyện Ea Kar, trên 1.900 ha diện tích rừng bị lấn chiếm trái phép, chủ yếu thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar quản lý, việc thu hồi cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn… Trong số 21.000 ha rừng bị lấn chiếm trái phép, có hơn 9.000 ha bị lấn chiếm trái phép từ năm 2008, gần 1.000 ha đất lâm nghiệp đang tranh chấp bắt buộc phải thu hồi để trồng lại rừng. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, việc thu hồi đang đối mặt với nhiều thách thức. Chính vì vậy, từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh chỉ mới thu hồi được khoảng gần 900 ha.

Áp lực về xử lý công nợ

Theo Phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới công ty nông – lâm nghiệp thuộc tỉnh Đắk Lắk quản lý, tổng số nợ phải trả của các công ty nông – lâm nghiệp đến nay trên 1.477 tỷ đồng. Trong đó, nợ của các công ty nông nghiệp 1.288,4 tỷ đồng, chiếm gần 90%; nợ của các công ty lâm nghiệp 188,9 tỷ đồng. Riêng năm 2013, số nợ của các DN trên  2.138 tỷ đồng, trong đó nợ vay khoảng 1.438 tỷ đồng, nợ quá hạn 106,5 tỷ đồng; năm 2014 là 1.757 tỷ đồng, nợ vay là 1.139 tỷ, nợ quá hạn 86,4 tỷ đồng. Trong đó, Công ty TNHH MTV Cà phê – Ca cao Krông Na có nợ quá hạn lên đến 49,7 tỷ đồng, chiếm 64,5% và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm là 14,6 tỷ đồng. Đối với nợ tiền thuê đất của các công ty lâm nghiệp, hiện toàn tỉnh có 8 đơn vị nợ trên 50 tỷ đồng. Cụ thể: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea H’mơ nợ 13,9 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ya Lôp 5,8 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Rừng Xanh 11,4 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Cư Ma Lanh 8,9 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Đrắk 6,3 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lắk 2,8 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Thuần Mẫn 367 triệu đồng và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Phước An 188 triệu đồng. Theo Luật Đất đai năm 2003 quy định, diện tích đất do các công ty, lâm trường quản lý, bảo vệ rừng phải chuyển sang thuê đất. Tuy nhiên, phần lớn các công ty lâm nghiệp hiện nay chủ yếu làm dịch vụ công ích, quản lý, bảo vệ rừng, không sản xuất kinh doanh gì trên diện tích rừng thuê theo quy định, nên số nợ này đã được UBND tỉnh xem xét, giao cho các ngành liên quan có văn bản đề nghị các bộ, ngành Trung ương kiến nghị Chính phủ xóa nợ. Hiện tại, có 5  DN không bảo đảm an toàn về công nợ do khả năng thu hồi nợ thấp nên không có nguồn trả nợ gồm: Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm, Công ty TNHH MTV Cà phê – Ca cao Krông Na, Công ty Cà phê Buôn Ma Thuột, Công ty Cà phê Dray H’ling, Công ty Cà phê Tháng Mười. Hướng xử lý nợ được tiến hành rà soát và xử lý theo Nghị định 206/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, các DN phải thực hiện nghiêm túc quy chế quản lý nợ, phải bảo đảm xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng khoản nợ để có kế hoạch đôn đốc, thu hồi. Tuy nhiên, cần có lộ trình và được xác định là sẽ rất gian nan.

(Còn nữa)

Lê Hương

[links()]


Ý kiến bạn đọc