Multimedia Đọc Báo in

Hội Nông dân thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M'gar): Đồng hành cùng hội viên phát triển kinh tế

08:55, 04/11/2015
Gia đình ông Y Minh Niê (SN 1960), tên thường gọi là Ama Sương là một trong những điển hình trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở buôn Ea Sút, thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’gar).
 
Năm 1986, ông lập gia đình với tài sản ban đầu chỉ là mấy sào đất cằn cỗi trồng các loại hoa màu. Do diện tích đất canh tác ít, lại thiếu vốn sản xuất nên cuộc sống gia đình ông rất khó khăn. Năm 2000, sau khi tham gia vào Hội Nông dân (HND) thị trấn, Ama Sương được hỗ trợ về vốn để sản xuất, được hỗ trợ khoa học kỹ thuật để chăn nuôi, trồng trọt, nhờ đó, đời sống ngày càng khấm khá hơn. Sau khi được tham dự các lớp tập huấn, Ama Sương đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích đất hoa màu sang trồng cây cà phê kết hợp với chăn nuôi trong vườn nhà. Hiện nay, thu nhập từ 1 ha cà phê cộng với chăn nuôi heo, thỏ… mỗi năm gia đình Ama Sương có thu nhập trên 150 triệu đồng. Kinh tế khá giả nên gia đình Ama Sương có điều kiện chăm lo cho 6 người con ăn học, sắm sửa được nhiều máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất và cuộc sống. Không chỉ làm kinh tế giỏi, Ama Sương còn là Chi hội trưởng HND buôn Ea Sút luôn tận tâm với công tác Hội và nhiệt tình giúp đỡ bà con trong buôn.
Các xã viên của HTX Toàn Thịnh thu hoạch rau xanh.
Các xã viên của HTX Toàn Thịnh thu hoạch rau xanh.

Không chỉ có những cá nhân, các mô hình hợp tác sản xuất cũng đóng góp không nhỏ vào công tác xóa đói giảm nghèo, giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế. Điển hình là Hợp tác xã (HTX) rau an toàn Toàn Thịnh ở thôn Tân Tiến. Khi mới thành lập (năm 2009) HTX chỉ có 12 xã viên, đến nay đã có 45 hộ tham gia sản xuất rau an toàn với diện tích hơn 5 ha. Trung bình mỗi ngày HTX cung cấp cho thị trường từ 1,8 đến 2 tấn rau xanh các loại. Nhờ trồng rau mà cuộc sống của người dân thôn Tân Tiến đang đổi thay từng ngày. Bà Đinh Thị Lý, Phó Chủ nhiệm HTX Toàn Thịnh chia sẻ: Cây rau xanh đã khẳng định được vai trò quan trọng và trở thành cây trồng chủ lực trong xóa đói giảm nghèo của người dân thôn Tân Tiến. Bằng chứng cụ thể là năm 2009 toàn thôn có khoảng 140 hộ thì có đến 40% số hộ nghèo. Qua 6 năm trồng rau xanh, đến nay thôn Tân Tiến chỉ còn 6% số hộ nghèo và là thôn có tỷ lệ hộ nghèo thấp ở thị trấn Ea Pốk. Có được kết quả này, ngoài sự cố gắng nỗ lực của các xã viên thì phải kể đến vai trò của HND thị trấn thông qua các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, các cuộc hội thảo… cho các xã viên, cũng như bà con trong thôn.

Bà Trương Thị Hương, Phó Chủ tịch HND thị trấn Ea Pốk cho biết: HND thị trấn Ea Pốk hiện có 1.556 hội viên, sinh hoạt tại 16 chi hội. Nhằm hỗ trợ  các hội viên phát triển kinh tế, hằng năm, HND thị trấn đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức hội thảo, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật… cho các hội viên. Chỉ tính từ năm 2014 đến nay, HND thị trấn đã tổ chức được 63 buổi hội thảo, tập huấn, thu hút hơn 4.100 lượt hội viên nông dân tham gia. Qua các lớp tập huấn đã giúp các hội viên nhân rộng và phát triển các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả như: trồng hoa tại thôn Tân Tiến; trồng cây cảnh, chăn nuôi heo… tại tổ dân phố Thành Công, thôn Quyết Thắng…  Bên cạnh đó, Hội còn đứng ra tín chấp Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện… cho hội viên vay vốn với tổng dư nợ hơn 8 tỷ đồng (gần 500 hộ vay); phối hợp với các công ty sản xuất phân bón ứng trước 54 tấn phân bón với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng; xây dựng quỹ Hội và Quỹ Hỗ trợ nông dân trên 330 triệu đồng giúp hội viên có thêm vốn phát triển sản xuất; vận động các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cho hội viên khó khăn vay 70 triệu đồng không tính lãi và hỗ trợ hàng nghìn cây, con giống các loại…

Cùng với nhiều hoạt động, cách làm thiết thực hỗ trợ hội viên nông dân phát triển sản xuất, trong những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã được HND thị trấn tích cực triển khai đến đông đảo hội viên. Qua phát động, số lượng nông dân đăng ký và đạt danh hiệu ngày càng tăng. Nếu như năm 2014, có 590 hội viên đăng ký danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi, kết quả có 434 hộ đạt danh hiệu thì sang năm 2015 đã có 620 hội viên đăng ký và đang nỗ lực phấn đấu để đạt danh hiệu này. Kết quả là bộ mặt nông thôn của địa phương đã có nhiều thay đổi, đời sống của nông dân được nâng cao, số hộ nghèo vào năm 2013 là 113 hộ thì hiện nay giảm xuống chỉ còn 92 hộ...

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc