Nan giải giảm nghèo ở buôn nghèo
Khó khăn nhất dẫn đến tình trạng đói nghèo ở đây là việc thiếu đất sản xuất. Cả buôn chỉ có hơn 50 ha đất bằng, còn lại là đất đồi dốc, bạc màu. Tuy thiếu đất nhưng rất nhiều gia đình trong buôn lại cho các hộ ở nơi khác thuê đất sản xuất với thời hạn từ 3-5 năm. Nhiều hộ do nợ nần nên phải sang nhượng lại những mảnh đất bằng, đất tốt để trả nợ. Hàng chục hộ có đất ven suối lại bị lở mất nhiều diện tích. Amí Đơn, Ama Mưng, Ama Trung, Ama Bay và hàng chục hộ khác thiếu đất sản xuất nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Gia đình Amí Đơn có 5 khẩu, chỉ dựa vào 7 sào đất ven suối nhưng bị lở mất gần 2 sào. Amí Đơn than thở: “Đất ít, chồng lại luôn ốm đau. Thu được ít bắp phải trả nợ tiền giống, thuê cày bừa, nợ phân bón, thuốc trừ sâu, tiền mua gạo, thức ăn… Hiện nay gia đình vẫn còn nợ ở quán hơn 26 triệu đồng mà chưa biết lấy đâu để trả”.
Các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến với bà con trong buôn không mang lại hiệu quả, do sử dụng vốn không đúng mục đích. Hiện nay trong buôn còn hàng chục gia đình vay tiền Ngân hàng Chính sách xã hội nhưng không có khả năng trả. Việc thoát nghèo ở đây cũng thiếu bền vững. Cứ thoát nghèo được một vài năm lại tái nghèo. Ama Lăng, buôn phó buôn M’nang Dơng cho hay: “Nhiều hộ thoát nghèo gần đây thực chất chỉ đủ ăn, đủ chi phí hằng ngày chứ không dư giả, không mua sắm hoặc không tích lũy được gì. Hầu như họ ít đầu tư, mở rộng sản xuất, không áp dụng khoa học kỹ thuật. Nhiều người lại rượu chè, chi tiêu lãng phí nên nguy cơ tái nghèo ở những hộ đã thoát nghèo rất cao”.
Tình trạng rượu chè, lười lao động trở thành phổ biến trong buôn. Người uống rượu đủ các độ tuổi, từ người già, trung niên đến thanh niên, thậm chí cả phụ nữ cũng uống rượu. Gia đình Ama Bay có 6 khẩu nhưng chỉ có 1 ha đất đồi; thiếu đất sản xuất nên các thành viên trong gia đình phải làm thuê, làm mướn. Khó khăn nhưng Ama Bay lại thường xuyên tổ chức nhậu nhẹt. Trong căn nhà tuềnh toàng chẳng có gì đáng giá, Ama Bay vừa uống rượu, vừa tâm sự: “Gia đình khó khăn quá, hiện nay vẫn thiếu nợ ở quán đến hơn 10 triệu đồng. Nhà có 9 sào đất tốt nhưng đã cho người khác thuê 3 năm. Còn ít đất trên đồi trồng sắn, trỉa ít lúa khô. Vụ này không có mưa nên thu chẳng được bao nhiêu”.
Nhà ở, nước sinh hoạt, nhà vệ sinh đang là những vấn đề nan giải trong buôn M’nang Dơng. Trước đây, buôn được sử dụng nguồn nước tự chảy từ công trình do Đan Mạch tài trợ. Năm 2008, công trình bị hỏng. Hiện nay cả buôn chỉ có 2 cái giếng khoan và hơn 20 giếng đào. Còn lại chủ yếu bà con dùng nước suối để sinh hoạt; đa số các gia đình trong buôn cũng chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh. Những năm qua, buôn M’nang Dơng đã được hỗ trợ xây dựng 35 căn nhà từ các chương trình 134, 167, nhà Đại đoàn kết... song đến nay vẫn còn gần 70 căn nhà tạm cần được hỗ trợ để sửa chữa và làm mới.
Thiếu đất sản xuất, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật, tình trạng rượu chè, lười lao động của những người trong độ tuổi lao động không chỉ diễn ra ở buôn M’nang Dơng mà đang phổ biến ở một số buôn đồng bào dân tộc thiểu số của xã Yang Mao. Đây là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng đói nghèo và tái nghèo. Ông Trần Mậu Quyết, Bí thư Đảng ủy xã Yang Mao cho biết: “Việc giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở một số buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ của xã Yang Mao thực sự nan giải. Tuy có đất sản xuất, sức lao động dồi dào, điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, cộng thêm sự hỗ trợ của Nhà nước, song nhiều người trong độ tuổi lao động lười lao động, cho các hộ khác thuê đất sản xuất, tiêu pha không hợp lý nên tình trạng đói nghèo ngày một gia tăng”. Thiết nghĩ, để cải thiện đời sống, giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Yang Mao xóa đói, giảm nghèo bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới, thì ngoài những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các cấp chính quyền cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân; có những giải pháp giúp bà con sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ, xây dựng các mô hình sản xuất, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại ở một bộ phận không nhỏ người dân ở đây.
Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc