Ngân hàng số - xu thế tất yếu của hệ thống ngân hàng
Ngân hàng số nói một cách đơn giản là giao dịch nghiệp vụ ngân hàng thông qua thiết bị có kết nối Internet. Người sử dụng có thể truy vấn tài khoản từ xa, thực hiện các giao dịch chuyển khoản trong và ngoài hệ thống, thanh toán hóa đơn, dịch vụ, nạp tiền điện thoại, gửi tiết kiệm online, mua bán qua mạng và hàng loạt các dịch vụ khác mà không phải đến ngân hàng. Khi giao dịch tại quầy ở các ngân hàng, người tiêu dùng mất ít nhất 15 - 20 phút. Trong khi, sử dụng ngân hàng số, các giao dịch chỉ mất một vài phút. Bên cạnh đó, những năm gần đây, thương mại điện tử đang “nở rộ” đã trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho ngân hàng số. Với giá cả ưu đãi, sự tiện dụng, các hình thức thương mại trực tuyến đã đưa việc sử dụng ngân hàng số thành xu hướng và là giải pháp giao dịch cho rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Với xu thế đó, các ngân hàng không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiến tới số hóa, nếu không trong tương lai họ sẽ còn lại rất ít khách hàng.
Khách hàng giao dịch tại TPBank Chi nhánh Đắk Lắk. |
Trong nước, các ngân hàng đã triển khai ngân hàng điện tử từ 5 năm trước đây. Riêng tại Đắk Lắk, sau nhiều năm, hầu hết các đơn vị đều đã có ứng dụng như Internet Banking, Mobile Banking… Đây được xem là những bước khởi đầu để tiến tới mô hình ngân hàng số đúng nghĩa. Chẳng hạn với Ngân hàng NN-PTNT (Agribank), mặc dù là ngân hàng 100% vốn Nhà nước, được xem là ít bị áp lực cạnh tranh nhưng ngay từ đầu năm 2014 đã triển khai dịch vụ Internet Banking cho tất cả các phòng giao dịch. Trong đó, áp dụng và mang lại hiệu quả cao nhất phải kể đến Agribank Đại học Tây Nguyên khi thu hút được hàng nghìn khách hàng là sinh viên tham gia giao dịch. Giám đốc Agribank Đại học Tây Nguyên Cao Chí Thanh cho rằng, đây là nền tảng và là “cú hích” giúp đơn vị tiếp tục phát triển để xây dựng mô hình ngân hàng số trong tương lai. Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, xu hướng này càng thể hiện rõ nét. Tất cả các chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn tỉnh đều đang cung cấp dịch vụ Internet Banking, Mobile Banking…
Không dừng lại ở đó, nhiều ngân hàng đã mạnh dạn áp dụng công nghệ tiên tiến nhất để xây dựng sản phẩm dịch vụ của mình. Tiêu biểu trong số này phải kể đến Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) khi đi trước một bước trong việc sử dụng công nghệ mới nhất trên thế giới - Digital Bank 4.0 để xây dựng website của mình. Theo đại diện TPBank, điểm nổi trội và khác biệt nhất mà website này mang lại cho khách hàng chính là sự tương tác rất cao với khách hàng. Khách hàng không chỉ có thể đăng ký mà có thể mở tài khoản ngay trên website và sử dụng tài khoản nhận tiền chỉ qua 1 cái click chuột. Điểm ấn tượng tiếp theo chính là công cụ tính toán cho vay với “vai trò” tư vấn tài chính tại web như một chuyên gia ngân hàng. Chẳng hạn khi có nhu cầu mua nhà hay ô tô, khách hàng có thể cung cấp thông tin về mức lương và website sẽ tự động đưa ra hạn mức cùng gợi ý các phương án vay phù hợp cho khách hàng. Sau bước tư vấn này khách hàng có thể hoạch định khoản vay cho mình để đưa ra quyết định và hoàn toàn có thể đăng ký để triển khai khoản vay theo nhu cầu trên web. Website của TPBank cũng có sự đồng bộ với các thiết bị di động và sự tương tác cao với các các trang mạng xã hội. Vì vậy, các khối nội dung trên website có khả năng tự động tương thích với tất cả các thiết bị di động. Website mới cũng có sự kết nối tới các tài khoản mạng xã hội của khách hàng để giúp khách hàng rút ngắn thao tác đăng ký thông tin cá nhân cơ bản...
Mặc dù chi phí để đầu tư cho một ngân hàng số hóa đúng nghĩa chắc chắn không phải ít, trong khi phần lớn các ngân hàng của Việt Nam còn phải phân bổ không ít nguồn lực để tái cơ cấu và duy trì hoạt động thường ngày. Thế nhưng, để tồn tại được trên thị trường, họ cần chuyển đổi thành ngân hàng điện tử thay vì giữ nguyên mô hình truyền thống. Việc tự động hóa giúp giảm thiểu chi phí nhân lực, tiết kiệm thời gian nên tăng trưởng của ngân hàng cũng sẽ tốt hơn.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc