Multimedia Đọc Báo in

Phát huy hiệu quả từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

10:43, 29/11/2015

Trong những năm qua, việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn tỉnh đã đem lại hiệu quả cả về kinh tế, môi trường và hiệu ứng xã hội, đặc biệt là công tác quản lý bảo vệ rừng từng bước được nâng cao.

Quan tâm đến quyền lợi người dân

Dựa vào đặc điểm địa hình và tính chất đặc trưng của khu rừng đặc dụng, năm 2015, Vườn Quốc gia Chư Yang Sin tiếp tục thực hiện công tác thiết kế giao khoán quản lý đối với 1438 hộ nhận khoán của năm 2013 và năm 2014 với tổng diện tích 43.291 ha. Trong đó, giao khoán năm thứ 3 là 1.189 hộ, năm thứ 2 là 249 hộ. Mức chi trả là 270 nghìn đồng/ha/năm, so với năm 2014 tăng 135 nghìn đồng. Việc giao khoán này dựa trên việc ký kết giữa chủ rừng với các hộ gia đình  được thực hiện từ năm 2013. Đối với những trường hợp không thường xuyên đi kiểm tra rừng hoặc do bận việc gia đình, vì lý do sức khỏe không thể tiếp tục nhận khoán thì đơn vị thay những người khác để bảo vệ rừng. Thông qua cuộc họp đánh giá công tác giao khoán cuối năm tại các thôn, buôn nhận rừng, các thôn, buôn lựa chọn người thay thế, danh sách những hộ thay thế mới được xác định từ cuối năm trước, có xác nhận của chính quyền địa phương. Đơn vị tổ chức ký hợp đồng mới đối với những hộ thay thế vào lúc ký phụ lục hợp đồng cho năm tiếp theo. Ông Võ Thanh Kim, thôn 6, xã Khuê Ngọc Điền (huyện Krông Bông) một trong những hộ gia đình nhận khoán cho biết, trong buôn có 65/120 hộ tham gia nhận khoán quản lý bảo vệ rừng, diện tích bình quân 20-30 ha/hộ. Với mức hỗ trợ 270 nghìn đồng/ha, hằng năm mỗi hộ có thêm khoản thu nhập từ 5,4 triệu – 8,1 triệu đồng. Mức hỗ trợ này đã góp phần giúp người dân trong thôn có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống, nhất là đối với 20 hộ nghèo. Ngay sau khi ký hợp đồng nhận giao khoán với Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, bà con trong thôn trên cơ sở quy ước bảo vệ rừng được xây dựng đã thường xuyên tổ chức thành các tổ, nhóm cùng với lực lượng kiểm lâm của Vườn tham gia tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng. Bên cạnh diện tích giao khoán đến các hộ gia đình để quản lý bảo vệ, 16.230,9 ha rừng và đất rừng còn lại do đơn vị trực tiếp quản lý tập trung. Bởi đây là diện tích xa khu dân cư, có độ dốc lớn, ít bị ảnh hưởng và nhằm hạn chế các tác động không cần thiết của con người. Trong đó, 15.679,5 ha đất có rừng và 551,4 ha đất chưa có rừng (hiện trạng thực tế là trảng cỏ cây bụi rải rác chưa bị tác động). Nguồn kinh phí DVMTR này đã hỗ trợ đơn vị  chi trả cho các hoạt động không có kinh phí từ nguồn ngân sách hoặc nguồn ngân sách bị thiếu hụt: phòng cháy chữa cháy rừng trên diện tích chưa giao khoán nhưng không có kinh phí từ nguồn ngân sách; hỗ trợ tuần tra truy quét đối với các cơ quan cấp huyện, lực lượng dân quân tự vệ ở các xã và các cộng đồng có diện tích rừng liền kề tham gia tuần tra rừng dài ngày; tập huấn nâng cao năng lực cho kiểm lâm; tuyên truyền giáo dục môi trường tại thôn, buôn và trường học; hỗ trợ các ban lâm nghiệp xã…

Rừng giao khoán cho nhóm họ thuộc thôn 6 xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông.
Rừng giao khoán cho nhóm họ thuộc thôn 6 xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông.

Bảo đảm nguồn ngân sách chi trả

Là đơn vị nhận ủy thác tiền chi trả DVMTR từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng, năm 2015, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông có tổng diện tích được chi trả 24.891,6 ha với tổng số tiền trên 7,4 tỷ đồng. Trong đó, Công ty có trách nhiệm chi trả cho cho 228 hộ nhận khoán ở các xã Yang Mao, Cư Drăm, Cư Pui với tổng số tiền trên 1,5 tỷ đồng, số tiền còn lại chi cho công tác quản lý bảo vệ rừng tập trung của đơn vị. Ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty cho biết, từ nguồn cung ứng DVMTR, đơn vị có thêm nguồn thu trả lương cho cán bộ, công nhân viên, chi phí cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Trong những năm qua, đơn vị đã tăng cường tuần tra, truy quét, đầu tư các công trình lâm sinh, làm tốt công tác khoanh nuôi tái sinh rừng. Đây cũng là phương thức hỗ trợ giúp giảm bớt gánh nặng chi đối với ngân sách Nhà nước.

Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh có 5.533 hộ gia đình tham gia QLBVR với diện tích 115.266,33 ha, trong đó khoán QLBVR từ các tổ chức Nhà nước 4.015 hộ với diện tích 105.596,33 ha, tương ứng số tiền gần 31 tỷ đồng, thu nhập bình quân của mỗi hộ khoảng 7,7 triệu đồng/năm; giao đất, giao rừng cho cộng đồng thôn, buôn quản lý có 1.518 hộ tham gia với diện tích 9.670 ha tương ứng số tiền 2,8 tỷ đồng, thu nhập bình quân khoảng 1,8 triệu đồng/hộ/năm. Từ đầu năm đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã có nhiều cố gắng, chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện đến từng đối tượng cung ứng và sử dụng DVMTR trên địa bàn tỉnh. Công tác thu tiền DVMTR đạt và vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể, kế hoạch thu năm 2015 là 42,8 tỷ đồng, trong 9 tháng năm 2015 đã thu trên 45,3 tỷ đồng. Công tác triển khai chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả, ý thức chấp hành chính sách của các đối tượng cung ứng và sử dụng dịch vụ ngày càng nâng cao. Từ đầu năm đến nay, Quỹ đã tiến hành 48 đợt kiểm tra, giám sát các chủ rừng có thực hiện chính sách chi trả DVMTR như: Công ty Cổ phần trồng rừng Trường Thành, Hưng Thịnh, Tập đoàn Tân Mai, công ty TNHH Bảo Lâm, Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, Ban quản lý Dự án Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Ka, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Bông, Ban Quản lý rừng LS-VH-MT Hồ Lắk… Qua đó, cho thấy ở những khu vực có người dân được hưởng lợi từ chính sách chi trả tiền DVMTR tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép đã giảm. Việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR không những từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ rừng, tăng số hộ nhận khoán bảo vệ rừng mà còn huy động được một nguồn nhân lực lớn cho công tác tuần tra bảo vệ rừng một cách thường xuyên, liên tục, môi trường rừng từng bước được bảo vệ, làm tăng khả năng phòng hộ, điều tiết nguồn nước…

 Lê Hương


Ý kiến bạn đọc