Multimedia Đọc Báo in

Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là tội ác!

11:27, 29/11/2015
Năm 2015 được Bộ NN-PTNT chọn là năm an toàn thực phẩm (ATTP), nhưng qua thực tế kiểm tra của các ngành chức năng cho thấy, tình hình vi phạm vệ sinh ATTP không những không giảm mà còn chuyển biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi.
 
Trong 9 tháng đầu năm, Bộ đã tổ chức 22 đoàn thanh tra theo kế hoạch và 33 đoàn thanh tra đột xuất, ban hành 1.198 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 21,868 tỷ đồng. Đặc biệt, đoàn thanh tra đột xuất của Bộ đã phát hiện, xử lý 5 công  ty sử dụng chất cấm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi không có trong danh mục cho phép, tiêu hủy 13,3 kg hóa chất Vàng-O… Tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm vệ sinh ATTP còn cao, trong đó 1,01% mẫu thủy sản nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng; 10,3% mẫu rau có dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép; 16% mẫu thịt phát hiện có hóa chất Salmonella; 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng. Đáng sợ hơn, Chi cục Thú y TP. Hồ Chí Minh vừa tiến hành kiểm tra đột xuất trên 61 lô heo tại 10 cơ sở giết mổ gia súc tập trung trên địa bàn thành phố cho thấy 12 lô heo dương tính với chất cấm, đặc biệt có trường hợp vượt ngưỡng cho phép trên 650 lần!

Chất lượng thực phẩm nói chung và chất lượng vệ sinh ATTP nói riêng không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người, hiệu quả lao động mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của giống nòi. Tuy nhiên, vì chút lợi nhuận, một số cơ sở chăn nuôi đã sử dụng chất cấm vượt mức cho phép nhiều lần khiến người tiêu dùng lo sợ, nhà quản lý đau đầu. Việc kiểm tra, phát hiện các vi phạm trong các sản phẩm chăn nuôi chỉ là phần ngọn bởi đa số các chất cấm vi phạm không nằm trong danh mục cho phép, không được sản xuất, nhập khẩu hoặc nhập khẩu với số lượng hạn chế thì các đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi, nông dân mua ở đâu để sử dụng? Điều đó cho thấy lâu nay trên thị trường chợ đen vẫn đang tồn tại hình thức kinh doanh chui các chất cấm trong chăn nuôi và đây cũng là mấu chốt của vấn đề. Do đó, muốn ngăn chặn việc sử dụng tràn lan chất cấm trong chăn nuôi thì phải dẹp bỏ hình thức kinh doanh này.

Tại Đắk Lắk, mặc dù các cơ quan chức năng chưa phát hiện ra trường hợp nào sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nhưng người dân vẫn rất lo lắng bởi thực tế việc lạm dụng hóa chất độc hại trong quá trình sơ chế, chế biến nông sản và cụ thể là các loại trái cây như sầu riêng, chuối, mít… đã và đang diễn ra với mức độ ngày càng tinh vi. Đa phần, các hóa chất độc hại đi vào cơ thể không tự đào thải được theo quy luật tự nhiên, mức độ nặng thì gây ngộ độc, nhẹ thì tích tụ trong cơ thể, lâu dần phát thành bệnh. Thiết nghĩ, cả cộng đồng cần chung tay phòng chống, tố giác các trường hợp nghi vi phạm để bảo vệ sức khỏe của người thân, gia đình, xã hội; các cấp, ngành chức năng phải tăng cường công tác thanh, kiểm tra, đồng thời coi hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là tội ác, đưa ra chế tài xử phạt đủ mạnh để chặn đứng hành vi buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc