Xây dựng nông thôn mới: Khi lòng dân đã thuận
Sau 5 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Krông Pắc được đánh giá là huyện có nhiều bứt phá, trong đó đáng ghi nhận là huyện duy nhất có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Huyện đặt ra mục tiêu phấn đấu, đến năm 2016 sẽ có thêm 4 xã đạt chuẩn NTM và đến năm 2020 sẽ đạt huyện NTM.
Trong triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM, huyện đặc biệt chú trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước; khơi dậy tính chủ động, tích cực, sáng tạo trong nhân dân nên đến nay chương trình đang có sức lan tỏa mạnh mẽ, thể hiện rõ nhất trong các tiêu chí xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Nhân dân xã Ea Phê tham gia làm đường giao thông nông thôn. |
Những năm qua, huyện đã ưu tiên nhiều nguồn lực cho xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó xác định, phát triển giao thông nông thôn là khâu đột phá. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên đã tạo được sự đồng tình trong nhân dân. 5 năm qua, nhân dân đã đóng góp trên 468 tỷ đồng, tham gia gần 80 nghìn ngày công, hiến 32.500 m2 đất, phá bỏ 3.360 m tường rào để thi công các công trình hạ tầng thiết yếu. Từ năm 2013, huyện đã có cơ chế hỗ trợ các xã bê tông hóa đường giao thông, như hỗ trợ 30% tổng chi phí, hỗ trợ theo thôn người Kinh, thôn có trên 50% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số… tạo phong trào thi đua sôi nổi trong XDNTM. Đơn cử như xã Hòa An, toàn xã có 16 thôn và 2 buôn , trước năm 2011, trục đường xã, liên xã chỉ mới cứng hóa được 23,11%; trục đường thôn, buôn được 24,45%; đường ngõ, xóm được 2,14%; trục đường nội đồng chủ yếu là đường đất pha cát sỏi, gồ ghề, lầy lội vào mùa mưa khiến việc vận chuyển, giao lưu hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn. Sang năm 2012, UBND xã giao kế hoạch cho các thôn, buôn vận động nhân dân đăng ký mở rộng đường giao thông nông thôn và đóng góp để cứng hóa các tuyến đường, trong đó, UBND xã hỗ trợ 100% chi phí ca máy thi công và đến cuối năm 2012, toàn xã đã có 5 thôn hoàn thành 100% đường giao thông không lầy lội vào mùa mưa, mặt đường được rải đá mạt, lu lèn bảo đảm kỹ thuật và hơn 50% tuyến đường đều có điện chiếu sáng. Từ kết quả bước đầu, UBND xã tạo thêm nguồn kinh phí và tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên để hỗ trợ ca máy, vận động nhân dân tiếp tục mở rộng, nâng cấp đường tại các thôn còn lại. Qua 5 năm, người dân trong xã đóng góp tiền, hiến đất, tài sản trên đất… ước tổng giá trị trên 7 tỷ đồng và hơn 3.000 ngày công lao động để làm đường giao thông. Đến nay, các trục đường giao thông trên địa bàn cơ bản được cứng hóa và phần lớn các trục đường chính đã được nhân dân đóng góp lắp hệ thống đèn chiếu sáng. Theo ông Nguyễn Xuân Hải, Chủ tịch UBND xã Hòa An, ngay từ khi thực hiện chương trình, xã đã xác định trước tiên phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của người dân, cùng với đó là sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành để cùng nhân dân tổ chức thực hiện và sự linh hoạt trong việc bố trí nguồn vốn hỗ trợ để kích thích tinh thần tham gia đóng góp của người dân. Nhờ đó, từ 5 tiêu chí ban đầu, đến nay xã đã đạt 17 tiêu chí và phấn đấu đến 2016 về đích NTM.
Tương tự, ở xã Hòa Đông, mặc dù xuất phát không phải là một xã điểm và chỉ với 7 tiêu chí nhưng với nhiều cách làm hay từ việc phát huy vai trò lãnh đạo của xã, cán bộ là người nêu gương đến việc phát huy vai trò chủ thể, nội lực của nhân dân trong các hoạt động XDNTM… nên đến tháng 6-2014 xã đã đạt được 14 tiêu chí, được huyện chọn làm xã điểm và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Đến tháng 6-2015, xã hoàn thành 19/19 tiêu chí và được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM. Ông Nguyễn Đình Vượng, Chủ tịch UBND xã cho biết, phong trào XDNTM trên địa bàn xã được dấy lên mạnh mẽ, từ chỗ chính quyền phải vận động nhân dân giờ đã chuyển biến một cách đột phá là nhân dân yêu cầu chính quyền cho đóng góp để XDNTM. Sau 5 năm thực hiện chương trình, nhân dân đã tự nguyện đóng góp trên 204 tỷ đồng, chiếm trên 74% tổng nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Không những vậy, các mô hình kinh tế cũng phát triển mạnh mẽ, góp phân nâng cao thu nhập lên 33 triệu đồng/người/năm và giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3,39%.
Có thể thấy, qua 5 năm thực hiện XDNTM, bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, khang trang hơn, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3%/năm và thu nhập bình quân đạt 23 triệu đồng/người/năm; cơ sở hạ tầng thiết yếu từng bước được nâng cấp, hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố… Toàn huyện đã có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Hòa Đông và Ea Kly), đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch đề ra; có 4 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 6 xã đạt 10-14, 2 xã đạt 5-9; bình quân toàn huyện đạt 13,8 tiêu chí/xã. Trong giai đoạn 2016-2020, huyện đặt ra mục tiêu phấn đấu có 12/15 xã đạt chuẩn NTM và đạt huyện NTM vào năm 2020.
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc