Multimedia Đọc Báo in

Cẩn trọng khi đổ xô nuôi "gà tiến vua"

09:59, 28/12/2016

Những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đang chạy theo phong trào nuôi và nhân giống gà Đông Tảo (được mệnh danh là “gà tiến vua” nổi tiếng của xứ sở nhãn lồng Hưng Yên). Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế của mô hình này liệu có bền vững và “siêu lợi nhuận” như bà con mong đợi?

Theo tìm hiểu được biết, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 60 hộ nuôi gà Đông Tảo theo mô hình gia trại và hàng trăm hộ nuôi thử nghiệm với số lượng trên dưới 10 con/hộ. Giống gà Đông Tảo tại Đắk Lắk có 2 loại là thuần chủng (có dưới 100 hộ nuôi), còn lại các hộ nuôi gà đã lai với giống gà khác.

Bà Nguyễn Thị Hường (vợ ông Nguyễn Bá Ngọc) ở thôn 16, xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) đang giới thiệu về giống  gà Đông Tảo nhà mình.
Bà Nguyễn Thị Hường (vợ ông Nguyễn Bá Ngọc) ở thôn 16, xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) đang giới thiệu về giống gà Đông Tảo nhà mình.

Là một trong những người đầu tiên nuôi gà Đông Tảo trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Bá Ngọc ở thôn 16, xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) đang là chủ nhân một gia trại với 100 con thuần chủng. Ông Ngọc cho biết, năm 2013, ông khăn gói ra tận xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên) để mua 3 cặp gà Đông Tảo thuần chủng với giá 400 nghìn đồng/con giống về nuôi. Qua quá trình chăn nuôi, gà bắt đầu đẻ trứng rồi ông cho ấp nhân giống dần. Đến nay ông đã có 10 cặp gà bố mẹ. Theo ông Ngọc, dấu hiệu nổi bật nhất của gà Đông Tảo so với các giống gà khác là có cặp chân rất to, xù xì. Ngay từ lúc mới nở, cặp chân của gà con đã to gấp đôi gà thường. Những con gà thuần chủng được chăm sóc tốt, cặp chân có thể to bằng bắp tay người. Gà Đông Tảo ngon nhất chính ở cặp chân to, các ngón chân dày. Gà nuôi từ 10 - 12 tháng tuổi sẽ đạt khoảng 5 kg. Do đây là giống gà quý, thịt có màu nâu đỏ, da dày, thơm ngon và giòn, dù gà nuôi lâu năm vẫn không dai nên gà thịt có giá từ 1,5 triệu đồng đến 5 triệu đồng/con, những con có dáng đẹp, cân nặng đạt mức lý tưởng là 7 - 8 kg có thể sẽ được bán với giá trên 10 triệu đồng/con.

Còn tại trại gà của gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết ở thôn Hòa Thắng, xã Hòa Đông (huyện Krông Pắc) cũng đang có trên 200 con gà Đông Tảo, trong đó có khoảng 20 cặp gà bố mẹ. Theo kinh nghiệm của chị thì nuôi giống gà này không khó. Thức ăn của gà là ngô, lúa, rau tươi, thỉnh thoảng bổ sung thêm các loại thức ăn có nhiều canxi và đạm để gà không mổ lông của nhau. Việc làm chuồng gà phải bảo đảm thoáng mát, tránh gió lùa và mưa tạt, nền chuồng cao ráo, có độ dốc để tránh đọng nước, có sân cho gà phơi nắng là được. Gà Đông Tảo lúc mới nở đến khoảng 6 - 7 tháng tuổi mọc rất ít lông, vì thế việc giữ ấm cho gà là rất quan trọng. Bên cạnh đó, sức đề kháng của gà Đông Tảo khá kém nên việc tiêm phòng và chăm sóc đòi hỏi phải kỹ hơn. Chị Tuyết cho biết, năm 2013, chị mua 6 con mái, 2 con trống ở tỉnh Hưng Yên làm giống với giá 42 triệu đồng. Khi mới đưa về nuôi, gà đẻ ít, thường khoảng 40 trứng/con/năm, tỷ lệ ấp thành công chỉ đạt 30 - 40%. Trong đó, số lượng gà nở ra có hình thức giống hệt bố mẹ chỉ đạt 20% và hay bị bệnh bại chân. Trong quá trình nuôi gà, chị tự đúc kết được nhiều kinh nghiệm, đến nay đàn gà của gia đình chị đã phát triển đều, ổn định, đẻ dày từ 70 - 100 trứng/con/năm. Do chân gà quá to, chậm chạp và vụng về nên khi ấp, gà mẹ thường hay làm vỡ trứng, vì vậy, người nuôi nên can thiệp bằng các biện pháp ấp trong lò, hoặc nhờ gà mái ta ấp trứng…

Hiện nay, khó khăn nhất của người nuôi gà Đông Tảo là tìm đầu ra cho sản phẩm. Do giá cao gấp nhiều lần so với các loại gia cầm thông thường khác nên loại gà này ít được bán rộng rãi. Việc nuôi gà mới chỉ dừng ở khâu bán giống cho những người có nhu cầu nuôi thử nghiệm. Còn việc bán gà thịt với giá thành mỗi con gà thịt từ 2- 3 triệu đồng thì hầu như rất ít người mua.

Từ trước đến nay, ngành Nông nghiệp tỉnh chưa có chủ trương đưa giống gà Đông Tảo vào chương trình, chiến lược chăn nuôi của tỉnh. Theo nhận định của một số hộ đã từng chăn nuôi các loài “đặc sản” thì việc nuôi gà Đông Tảo chỉ bền vững khi có thị trường tiêu thụ thương phẩm ổn định. Hiện nay, gia cầm này mới chỉ nuôi để bán giống, song, hiệu quả kinh tế đem lại cho người dân nhìn chung vẫn chưa như mong đợi. Trong khi đó, thị trường gà Đông Tảo thương phẩm tiêu thụ được rất khó, có những gia trại nhiều năm liền không bán được sản phẩm gà thịt nào. Rõ ràng, việc người dân đổ xô nuôi gà Đông Tảo đang tiềm ẩn nhiều rủi ro về kinh tế. Do gà Đông Tảo là loài gia cầm quý của Việt Nam, đang được Nhà nước bảo tồn nguồn gen thuần chủng, nên những năm gần đây người dân cả nước đang rộ lên phong trào nuôi với quy mô trang trại, gia trại, đồng thời đưa ra những thông tin “lạc quan quá mức”, đẩy giá gà thịt, con giống lên mức cao nhất ngưởng, tạo giá trị ảo.Trước thực tế nói trên, mong rằng người dân nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định đầu tư nuôi “gà tiến vua” này.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.