Đầu tư hạ tầng giao thông vùng Tây Nguyên: Đẩy mạnh liên kết quốc gia, quốc tế
Nằm ở vị trí trung tâm khu vực Nam Đông Dương, nối liền 2 miền Nam Bắc, tiếp giáp với hạ Lào và bắc Campuchia, Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng, kinh tế-xã hội của khu vực Tam giác phát triển của 3 nước Đông Dương. Trong đó, giao thông đường bộ đóng vai trò chủ đạo trong việc tạo mối liên kết quốc tế, quốc gia và nội vùng.
Đột phá về nguồn vốn
Địa bàn Tây Nguyên có 2 phương thức vận tải chính là đường bộ và đường hàng không; trong đó, đường bộ có tổng chiều dài trên 35.600 km, riêng quốc lộ có trên 3.000 km gồm 2 trục dọc quan trọng là đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 14C chạy dọc biên giới; các tuyến quốc lộ ngang quan trọng gồm 19, 20, 24, 25, 26, 27… Tổng số vốn đã huy động cho các dự án cải tạo, nâng cấp đường bộ toàn khu vực trong 5 năm gần đây (2010-2015) khoảng 59.250 tỷ đồng, riêng đầu tư cho xây dựng các tuyến quốc lộ 43.915 tỷ đồng (chiếm 15,4% so với cả nước), cao hơn nhiều so với giai đoạn 2006-2010 (bố trí khoảng 9.613 tỷ đồng). Trong giai đoạn này, nhiều công trình giao thông trọng yếu đã được đầu tư hoàn thành làm thay đổi hoàn toàn diện mạo khu vực như đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, Quốc lộ 19, Quốc lộ 20… Đây có thể nói là bước đột phá về tổng nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông của Tây Nguyên từ trước đến nay.
Ngoài các tuyến đã hoàn thành, hiện Bộ GTVT đang chỉ đạo tiếp tục triển khai 7 dự án đường bộ dự kiến hoàn thành trong năm 2016, với chiều dài khoảng 579 km, tổng kinh phí trên 14.500 tỷ đồng. Trong đó, vốn Trái phiếu Chính phủ có 4 dự án gồm Quốc lộ 14C đoạn qua Gia Lai, Kon Tum; Quốc lộ 27 đoạn tránh Liên Khương (Lâm Đồng); Quốc lộ 24 đoạn qua trung tâm huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) và Quốc lộ 25 nối Phú Yên và Gia Lai. Cùng với đó, 3 dự án được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa gồm dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 đoạn qua tỉnh Bình Định và Gia Lai; tuyến tránh thị xã Ninh Hòa và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 26 đoạn qua tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa.
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông) |
Cùng với hệ thống quốc lộ, hệ thống đường địa phương cũng được chú trọng đầu tư xây dựng, với trên 15.300 tỷ đồng. Đến nay, tỷ lệ đường huyện được cứng hóa đạt 70,62%; đường xã hơn 51%; đường thôn, xóm trên 35%; đường trục nội đồng trên 30%. Hệ thống giao thông nông thôn phát triển mạnh mẽ, tạo mối gắn kết liên hoàn giữa hệ thống hạ tầng giao thông Trung ương với địa phương, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt góp phần cho công tác xóa đói, giảm nghèo khu vực nông thôn. Đáng chú ý trong giai đoạn này, Tây Nguyên có trên 2.000 cây cầu nông thôn được sửa chữa, xây dựng mới, trong đó phải kể đến hệ thống cầu treo thuộc Đề án xây dựng 186 cầu dân sinh của Bộ GTVT.
Riêng tại Đắk Lắk nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, là đầu mối giao thông quan trọng trong khu vực. Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của tỉnh về cơ bản đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hoá, hành khách của nhân dân; theo số liệu thống kê của Sở GTVT, tính đến cuối năm 2015 tỷ lệ nhựa hóa các tuyến quốc lộ đạt khoảng 83,5%; đường tỉnh đạt 95,5%; đường huyện 81%; đường xã 42%. Thực hiện Đề án xây dựng cầu dân sinh tại các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, hiện nay toàn bộ 9 cầu trên địa bàn tỉnh thuộc các huyện Buôn Đôn, Krông Năng, Krông Bông, Krông Ana và thị xã Buôn Hồ đã cơ bản hoàn thành, các địa phương đã và đang thực hiện việc xây dựng đường kết nối 2 đầu cầu, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi.
Để Tây Nguyên trở thành hành lang kinh tế quốc gia và quốc tế
Tây Nguyên luôn được khẳng định là vùng có đặc trưng riêng, tuy nhiên cần phải tăng cường liên kết theo hướng Đông – Tây để gắn kết với các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, kết nối giao thương với các nước láng giềng. Tại Hội thảo liên kết phát triển vùng Tây Nguyên diễn ra tại Buôn Ma Thuột vào cuối tháng 7-2015, Thạc sĩ, kiến trúc sư Ngô Trung Hải, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia (Bộ Xây dựng) cho rằng, để phát triển các mối liên kết nói trên, cơ sở hạ tầng của vùng này phải được nghiên cứu, quy hoạch và phát triển xứng đáng với tiềm năng của mình. Theo đó, sẽ có 2 định hướng liên kết hạ tầng vùng Tây Nguyên. Định hướng thứ nhất sẽ tiếp tục đẩy mạnh liên kết Bắc – Nam, kết nối khu vực với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Đông Nam Bộ bằng các giải pháp xây dựng tuyến đường sắt chạy dọc Tây Nguyên, kết hợp với đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc tạo thành trục kỹ thuật làm cơ sở quan trọng để phát triển trung tâm kinh tế lớn của toàn vùng và hình thành các trung tâm chuyên ngành mới. Định hướng thứ 2 sẽ tăng cường liên kết Đông – Tây, kết nối Tây Nguyên với các vùng duyên hải Nam Trung Bộ, kết nối với Lào, Campuchia và các nước tiểu vùng sông Mê Kông. Theo định hướng thứ 2, sẽ có 4 hành lang kinh tế dọc các tuyến quốc lộ, trong đó, định hướng hành lang dọc Quốc lộ 26 nối Khánh Hòa – Đắk Lắk – Đắk Nông với Campuchia sẽ xây dựng thị trấn Ea Kar trở thành trung tâm kinh tế tiểu vùng phía Đông Đắk Lắk, với việc đẩy mạnh phát triển cụm công nghiệp tại Ea Kar. Cùng với đó, mở rộng giao thương, gắn kết tour du lịch với Khánh Hòa, Phú Yên, TP. Hồ Chí Minh thành tour du lịch liên vùng…
Bộ GTVT cho biết, dự kiến tổng nguồn vốn cho hạ tầng giao thông khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020 khoảng 115.066 tỷ đồng. Trong đó, sẽ ưu tiên đầu tư, nâng cấp các tuyến quốc lộ, đường tỉnh huyết mạch có nhu cầu vận tải lớn, các trục ngang nối các tỉnh trong vùng và nối Tây Nguyên với các tỉnh lân cận và các cửa khẩu quan trọng; tiếp tục triển khai xây dựng 468 cầu, trong đó 398 cầu cứng và 70 cầu treo thuộc Đề án cầu treo dân sinh bảo đảm an toàn giao thông vùng DTTS tại Tây Nguyên với tổng kinh phí khoảng 980 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA, ngân sách Nhà nước và các nguồn khác.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, kết cấu hạ tầng vùng nói chung, giao thông nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ, kém tính kết nối, hiện vẫn là điểm “nghẽn” của quá trình phát triển, vẫn chưa được đầu tư tương xứng với tiềm năng, lợi thế cũng như mục tiêu, yêu cầu phát triển, thiếu tính đa dạng; các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài như ODA, FDI chưa nhiều… Mới đây nhất, theo thông báo kết luận của Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tại Hội nghị tổng kết 5 năm công tác đầu tư phát triển hạ tầng giao thông và vận tải vùng Tây Nguyên, trong thời gian tới, cụ thể giai đoạn 2016-2020 sẽ tập trung vào 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để Tây Nguyên phát triển toàn diện, bền vững. Trong đó có giải pháp tiếp tục phát triển mạng lưới giao thông đường bộ, lấy đường Hồ Chí Minh làm trục chính, phát triển các trục đường ngang; nghiên cứu khai thác giao thông đường thủy nội địa tại các đoạn sông Sê San, Sêrêpốk và các hồ nước do các đập thủy điện tạo ra…
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc