Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên: Niềm vui từ những công trình
Thời điểm này, người dân ở nhiều thôn, buôn thuộc 5 huyện nghèo là Krông Bông, Lắk, M’Đrắk, Buôn Đôn, Ea Súp đang rất phấn khởi vì nhiều hạng mục công trình giao thông, thủy lợi nhỏ thiết yếu phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt tại các thôn, buôn khó khăn đã được đầu tư xây mới hoặc nâng cấp sửa chữa, làm thay đổi đáng kể diện mạo đời sống cũng như cải thiện điều kiện sinh hoạt, sản xuất của người dân. Đây là một phần kết quả bước đầu mà Dự án giảm nghèo Tây Nguyên (GNTN) tại Đắk Lắk đã đạt được sau 1 năm triển khai trên địa bàn.
Đến thôn 1 xã Ea Trul, huyện Krông Bông, người dân nơi đây ai nấy đều tỏ ra vui mừng vì con đường bê tông xi măng mới của thôn với chiều dài 266m đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Ông Nguyễn Trí, một hộ dân trong thôn cho biết: gia đình ông cùng nhiều bà con đã định cư ở đây trên 20 năm, suốt chừng ấy thời gian, bà con hằng ngày phải đi lại trên con đường đất gồ ghề, mùa mưa thì lầy lội, mùa khô thì bụi mù mịt. Mặc dù hàng năm thôn vẫn huy động bà con góp công phát dọn, sửa chữa, nhưng do là trục đường chính, phần lớn việc đi lại, vận chuyển nông sản trong thôn đều đi qua con đường này, lại là đường đất nên cứ sửa xong một thời gian thì đâu lại vào đấy. Khi Dự án GNTN triển khai trên địa bàn, nắm bắt được nội dung và mục tiêu của dự án, người dân thôn 1, xã Ea Trul đã mạnh dạn đề xuất đầu tư làm mới con đường này. Xác định được tính cấp thiết của công trình, Dự án GNTN Đắk Lắk đã lựa chọn đầu tư con đường trên theo hình thức cộng đồng tự thực hiện. Qua 1 tháng triển khai thi công, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, quá trình đấu thầu, thi công được giám sát chặt chẽ của cộng đồng dân cư hưởng lợi từ dự án nên chất lượng công trình được đảm bảo theo yêu cầu thiết kế.
Con đường thôn 1, xã Ea Trul mới xây dựng khang trang, giao thông thuận lợi. |
Tại huyện Lắk, công trình kênh dẫn phục vụ tưới tiêu cho cánh đồng 400ha thuộc các buôn Míh, buôn Triếk, buôn Kdiê và thôn Yên Thành (xã Đắk Nuê) đã được đầu tư từ năm 2009, hiện đã xuống cấp trầm trọng, nhiều đoạn kênh đã bị bong tróc làm lượng nước thất thoát đáng kể, ảnh hưởng đến việc cung cấp nước cho diện tích lúa ở đây. Với sự hỗ trợ từ nguồn lực dự án, công trình đã được sửa chữa, nâng cấp khắc phục tình trạng rò rỉ, thất thoát nước, nâng cao hiệu quả khai thác công trình, cải thiện điều kiện sản xuất của bà con trong thôn ngay trong vụ Đông Xuân sắp tới. . .
Sau 1 năm triển khai, thực hiện hợp phần phát triển cơ sở hạ tầng cấp xã và thôn buôn, dự án GNTN tại Đắk Lắk đã triển khai hàng chục công trình giao thông, thủy lợi cấp xã, thôn, buôn tại 25 xã khó khăn thuộc 5 huyện vùng dự án gồm Lắk, Krông Bông, Buôn Đôn, Ea Súp, M’Đrắk. Các nội dung đầu tư của Dự án đã góp phần cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng cấp xã và thôn buôn để hỗ trợ sản xuất, cải thiện điều kiện sinh hoạt, hàng trăm hộ dân cũng đã được tạo việc làm, tăng thu nhập từ chính việc tham gia thi công các công trình.
Ông Phạm Hải Soi, hiện đang là thành viên Ban giám sát xã Yang Reh, huyện Krông Bông cho biết: Ông từng tham gia giám sát nhiều hạng mục công trình ở địa phương, nhưng đây là lần đầu tiên ông tham gia một công trình hoàn toàn do người dân chủ động từ khâu đề xuất ban đầu đến lập kế hoạch, tham gia đấu thầu, tự thi công và tự giám sát. Theo ông Soi, với cách triển khai này, nguồn lực của người dân vùng dự án được huy động một cách tối đa, công trình không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, mà còn khích lệ tinh thần, huy động sự vào cuộc tích cực của người dân.
Con đường thôn 1, xã Ea Trul trước khi thi công với mặt đường hẹp, sụt lún nhiều chỗ. |
Theo Ban quản lý Dự án GNTN tỉnh Đắk Lắk, thực hiện hợp phần 1 - phát triển cơ sở hạ tầng cấp xã và thôn, buôn, các công trình có yêu cầu kỹ thuật đơn giản, có tổng vốn đầu tư nhỏ (dưới 300 triệu đồng) do cộng đồng đề xuất và tự thực hiện thông qua hình thức đấu thầu. Ở hợp phần này, người dân không chỉ là người thụ hưởng công trình mà họ chính là những người tham gia quyết định hoàn toàn, từ việc lựa chọn đầu tư cho công trình nào, rồi tham gia đấu thầu thi công, giám sát, nghiệm thu, tất cả các công đoạn đều do người dân cùng bàn bạc và triển khai thực hiện, có sự hướng dẫn hỗ trợ của cán bộ dự án.
Đến thời điểm hiện nay, với sự phối hợp của Ban quản lý dự án các cấp, sự tham gia tích cực của người dân, tất cả các công trình cơ sở hạ tầng ở các huyện đã triển khai thi công, trong đó đã có nhiều hạng mục công trình đã hoàn thành và nghiệm thu đi vào sử dụng, đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật và hiệu quả đầu tư. Điển hình là huyện Krông Bông, trong 5 hạng mục đã được lựa chọn đầu tư thì cả 5 công trình đều cơ bản hoàn thành. Krông Bông cũng là địa phương dẫn đầu trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các hợp phần khác trong dự án.
Ông Đinh Văn Long, Phó Chủ tịch UBND huyện, Giám đốc Ban quản lý dự án Giảm nghèo Khu vực Tây Nguyên huyện Krông Bông cho biết: Triển khai các hạng mục công trình thuộc Dự án GNTN cũng phải thực hiện các quy trình thủ tục cần thiết, quá trình triển khai thực hiện đảm bảo theo đúng trình tự, quy trình kỹ thuật. Để đẩy nhanh tiến độ dự án, trước hết lãnh đạo huyện đã xác định dự án là cơ hội lớn để tận dụng các nguồn lực vào đầu tư giảm nghèo cho địa phương, công tác chỉ đạo điều hành quyết liệt, từ đó đội ngũ cán bộ dự án từ huyện đến xã đều tích cực, chủ động đề xuất các phương án triển khai phù hợp. Trong đó, phải kể đến vai trò đi đầu của cán bộ hỗ trợ cộng đồng (CF) trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, giúp người dân hiểu về dự án, cùng phối hợp thực hiện.
Với các chính sách đặc thù được áp dụng tại Dự án như: nguyên tắc phát triển do cộng đồng định hướng (CDD), tăng cường phân cấp, phân quyền cho cấp xã, hỗ trợ phát triển sinh kế cho người hưởng lợi, khuyến khích sử dụng lao động địa phương, tăng cường vai trò của Ban Giám sát xã trong giám sát các hoạt động dự án, đảm bảo mức độ tham gia và hưởng lợi của các đối tượng ưu tiên ….Dự án được kỳ vọng góp phần nâng cao mức sống, tăng thu nhập cho đồng bào các huyện nghèo tỉnh Đắk Lắk. Dự án bắt đầu triển khai năm 2015, dự kiến kết thúc vào năm 2019.
Bảo Uyên
Ý kiến bạn đọc