Doanh nghiệp cà phê thực hiện "lấy ngắn nuôi dài"
Vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2015 – 2016 đã sắp kết thúc trong không khí ảm đạm với người nông dân thì các doanh nghiệp (DN) cà phê cũng đang đứng trước nhiều khó khăn về kinh doanh, xuất khẩu cà phê.
Các DN cho rằng, giá cà phê nhân thường xuyên ở mức thấp do khó khăn của nền kinh tế thế giới, đồng USD mạnh lên, phá giá đồng tiền tại một số quốc gia xuất khẩu cà phê (nhất là Brazil). Điều này khiến ngành cà phê gặp khó khăn, đặc biệt là những DN có năng lực tài chính hạn chế và không chủ động được vùng nguyên liệu. Mặt khác, giá cà phê của Việt Nam trên thị trường thế giới hiện chưa tương đương với giá thật, bởi các DN nước ngoài chỉ dựa vào giá ở sàn London để đưa ra khoảng cách chênh lệch. Bên cạnh đó, các nhà thu mua nước ngoài có khả năng làm chủ thị trường cà phê thế giới thường chờ Việt Nam bán ra ồ ạt với giá rẻ mới mua vào. Ông Phan Hùng Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Anh Minh cho biết, trước tình hình này, công ty chú trọng ký hợp đồng trực tiếp với các nhà rang xay chứ không qua trung gian, đồng thời, hạn chế ký hợp đồng ồ ạt, thỏa thuận bàn giao hàng trong thời gian ngắn để tránh thiệt hại do biến động giá.
Tập kết cà phê vào khu vực chế biến tại Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Pốk. |
Công ty TNHH Đắk Man Việt Nam xác định thị trường cà phê năm 2016 sẽ tiếp tục có nhiều biến động, nên phương châm của đơn vị là không ồ ạt ký hợp đồng sớm để tránh trượt giá mà duy trì hoạt động sản xuất, xuất khẩu theo tình hình thực tế. Để tránh bị lao đao trên thị trường thế giới, công ty đã chủ động thu gom được hơn 10.000 tấn cà phê nguyên liệu phục vụ chế biến, đồng thời, tiến hành bảo dưỡng máy móc, thiết bị, chuẩn bị kho bãi, nhân lực, tài lực. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đưa ra các giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm qua việc phát triển vùng nguyên liệu cà phê có chứng nhận, mua sản phẩm qua chế biết ướt tại cụm nông hộ, hạn chế tỷ lệ cà phê đen, vỡ, lẫn tạp chất nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Ông Châu Hữu Tài, Trưởng phòng Mua hàng và xuất khẩu của công ty nhấn mạnh, mặc dù lường trước được những khó khăn, nhưng công ty vẫn tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh niên vụ 2015 – 2016.
Tương tự, Công ty TNHH MTV cà phê Ea Pốk cũng có kế hoạch cụ thể nhằm vượt khó khăn trong niên vụ này. Với 400 ha cà phê đang thời kỳ kinh doanh, trong khi công suất hoạt động của nhà máy chế biến đạt 5.000 tấn quả tươi/năm, nên DN phải thu mua thêm tại các vùng nguyên liệu khác để phục vụ sản xuất. Ông Trần Cư, Giám đốc công ty cho biết, với kế hoạch xuất khẩu 2.000 tấn sản phẩm trong năm 2016, ngoài chuẩn bị nguồn nguyên liệu tốt, công ty cũng chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm chế biến, hạn chế tỷ lệ hạt kém chất lượng. Bên cạnh đó, đơn vị đã chủ động tìm kiếm, ký kết các hợp đồng xuất khẩu cà phê chất lượng cao với các đối tác Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Đức…
Theo số liệu của Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 23 cơ sở chế biến cà phê nhân theo công nghệ khô, tổng công suất hơn 475.000 tấn; 16 cơ sở chế biến ướt (công suất 64.000 tấn/năm), 49 cơ sở chế biến cà phê bột và hoà tan (công suất hơn 42.000 tấn). Trong niên vụ 2014 – 2015, sản lượng cà phê chế biến đạt gần 230.000 tấn, sản lượng xuất khẩu hơn 177.000 tấn. Tại Hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2014 – 2015, triển khai niên vụ 2015 – 2016, ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, trước những khó khăn trong niên vụ này, UBND tỉnh và ngành công thương sẽ tạo điều kiện cho các DN cà phê tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, kết nối và thúc đẩy hợp tác kinh doanh với các đối tác trong và ngoài nước… Trong khi đó, Hiệp hội Cà phê Việt Nam (Vicofa) vừa khuyến cáo các DN không nên bán hàng giao theo thời hạn quá xa khi không có dự trữ hàng thực trong kho và chủ động những biện pháp hạn chế rủi ro; đồng thời, cần liên kết chặt chẽ hơn với người sản xuất và kinh doanh cà phê gắn với thị trường trong và ngoài nước.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc